Thứ hai, 02/12/2024, 02:47 [GMT+7]

Tiên phong hiến đất làm đường

Thứ sáu, 25/10/2024 - 09:54'
Đối với người nông dân, “tấc đất tấc vàng”, nhưng vì lợi ích chung, với mong muốn góp sức đổi thay quê hương, trên địa bàn thành phố Lai Châu có nhiều cá nhân, gia đình tự nguyện thực hiện nghĩa cử đẹp ấy. Và, ông Sẻ Văn Sư, dân tộc Giáy ở bản Nậm Loỏng 1 (phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu) là một tấm gương như thế!

Tiếp chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, ông Sư nhớ lại: Vào tháng 7/2019, Nhà nước có chủ trương cải tạo, nâng cấp tuyến đường nội đồng tại bản Nậm Loỏng 1 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong phục vụ dân sinh và vận chuyển nông sản của nhân dân; thực hiện một trong những tiêu chí xây dựng đô thị văn minh. Dù đất ruộng vẫn đang cho thuê trồng hoa hồng nhưng nhận thấy đây là chủ trương đúng đắn, đặc biệt nếu đường được mở rộng, giúp các hộ có đất sản xuất ở cuối cánh đồng thuận lợi hơn rất nhiều, gia đình tôi tự nguyện hiến 80m2 đất làm đường. Tuyến đường hoàn thành, dân bản rất phấn khởi. Tiếp đó, tháng 6/2023, gia đình tôi hiến thêm 35m2 đất nương để thực hiện dự án của Điện lực thành phố lắp hệ thống điện lưới quốc gia nối với đường đi huyện Sìn Hồ.
Không chỉ tiên phong hiến đất, ông Sư còn cùng cấp ủy, chính quyền phường Quyết Thắng và các cơ quan, đơn vị vận động người thân, bà con trong bản có đất sản xuất dọc tuyến đường nội đồng hiến đất cho Nhà nước với tổng diện tích 650m2 để mở rộng mặt đường. Nhờ đó, đường nội đồng của bản được nâng cấp mở rộng, việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con thuận lợi hơn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Ông Sư (thứ nhất bên trái) tiên phong hiến đất để mở rộng đường nội đồng.

Với sự quan tâm, định hướng của phường, gia đình ông Sư tích cực tìm tòi học hỏi, phát triển kinh tế hiệu quả. Cụ thể, gieo trồng 3.000m2 ngô; cho thuê 0,8ha đất ruộng trồng hoa hồng với số tiền hơn 50 triệu đồng/năm; duy trì nuôi 20 con lợn thương phẩm và gia cầm. Ngoài chăn nuôi, trồng trọt, gia đình ông còn nấu rượu ngô, làm các loại bánh truyền thống của người Giáy bán tại chợ Nậm Loỏng và Đoàn Kết, thu nhập mỗi năm trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng.
Kinh tế phát triển, ông Sư sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con trong bản chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế. Gia đình ông tích cực tham gia bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan trong khuôn viên gia đình cũng như của bản xanh, sạch, đẹp, góp phần giúp bản Nậm Loỏng 1 xây dựng các tiêu chí bản tự quản, phát triển toàn diện. Tích cực tham gia đóng góp các loại quỹ an sinh xã hội, hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động. Từ năm 2014 đến nay, gia đình ông liên tục đạt danh hiệu văn hóa.
Ghi nhận những đóng góp cho quê hương, năm 2024, ông Sư được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương.

Thương - Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...