Hương rừng bâng khuâng giữa phố xuân
Phố xá rộn ràng khoác lên mình chiếc áo rực sắc đỏ vàng, căng tràn nhựa sống. Người người tất bật với công việc tồn đọng của những ngày giáp Tết, lòng như tươi vui và háo hức chờ đón mùa xuân mới.
Rồi, tôi nhìn thấy thấp thoáng giữa dòng xe cộ tấp nập, một bóng dáng của người… dưng nhưng sao thân quen quá. Chiếc áo xanh, chiếc của một thời tuổi trẻ. Bài hát vẳng bên tai làm gợi nhớ về một ký ức đong đầy xúc cảm.
Tôi gặp rừng ở phố.
Chiều nay đạp xe xuống phố
Mùa đông hay là mùa xuân
Gió lạnh luồn qua ngực áo
Tiếng chim nào hót cuối năm.
Thiên nhiên vô tình, còn lòng người là hữu ý. Cảm xúc càng trào dâng khi tác giả thoáng thấy một bóng áo, không phải màu hồng diễm lệ, mà là:
Ai vừa từ rừng về phố
Thong dong vành nón tai bèo
Ai mang hương rừng về phố
Ba lô một nhành lan treo
Phong trần và bụi bặm! Không môi son má phấn, cũng chẳng trang phục hợp thời… nhành lan rừng vô hình trung đã “tiết lộ” rằng, nhân ảnh đó có khả năng là một cô gái, vận chiếc áo màu xanh cỏ úa đặc trưng của lực lượng thanh niên xung phong, hòa vào phố đông thong dong vành nón tai bèo và ba lô con cóc. Hình ảnh ấy có khiến bao người ngẩn ngơ, bồi hồi xúc cảm?
Câu trả lời là không và có! Không, bởi ở nơi phồn hoa, con người ta thường bị cuốn phăng vào vòng xoáy mưu sinh, toan tính, vui chơi… Chiếc áo màu xanh cỏ úa ấy cũng theo đó mà nhạt nhòa. Có, vì những người từng một thời lên rừng xuống biển với lòng nhiệt thành tuổi trẻ, như tìm thấy hình ảnh của mình thời xa xưa qua dung mạo ấy…
Phố dài hay phố ngắn
Sao ta đứng lại bâng khuâng
Ai vừa từ rừng về phố
Có phải là em xưa không?
Dù năm qua năm, nhưng bao kỷ niệm thuở nào vẫn vẹn nguyên, ùa về da diết...
Ngắm nhìn hàng cây thay áo
Se se gió lạnh thay mùa
Tự dưng thèm hơi lửa ấm
Đồng đội ngày xưa ngày xưa
Để rồi giật mình, tự hỏi :
Ta về phố bao lâu rồi nhỉ ?
Có khi nào nhớ hương rừng
Có khi nào quên vai áo
Vết hằn vai bạc trên lưng
Dòng đời cứ trôi mãi, khiến mỗi người chúng ta tạm quên chứ không thể xóa đi những ký ức. Đã một đôi lần, ta vô tình tìm lại chúng qua một hình ảnh xa lạ nào đó trên phố đông, chật chội...
Tháng năm trôi tưởng chừng chớp mắt
Cám ơn ai đã vô tình
Mang hương rừng về phố cũ
Cho người gặp lại vời trông…
Bóng áo xanh màu cỏ úa vô tình mà chừng như hữu ý... rằng, thế hệ nối tiếp thế hệ, tuổi trẻ tiếp nối tuổi trẻ. Thời nào cũng có nhiều thanh niên không ngại gian khó, sẵn sàng rời phố, lên rừng xuống biển chung tay xây dựng quê hương, đất nước.
Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà tuổi trẻ được ví như mùa xuân, tràn đầy sức sống và nhiệt thành. Hôm nay, ngày mai và mãi mãi, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”...
Gặp rừng ở phố Nhạc: Quỳnh Hợp Ca khúc Gặp rừng ở phố nằm trong album Cỏ hát - chùm ca khúc Thanh Niên Xung Phong của nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ thơ nhiều tác giả, phát hành nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập lực lượng TNXP TP HCM (28/03/1976 - 28/3/2011). Khoảng hơn 20 bài thơ của Ông Văn Chiến, Cao Vũ Huy Miên, Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Trần Mạnh Hảo, Bùi Chí Vinh, Lê Thị Kim, Thanh Nguyên, Phạm Trường Phục, Đào Công Điện, Vạn Lý, Bùi Thị Trinh, Hữu Sơn, Đào Cử, Nguyễn Văn Ta, Bích Ngọc… được nữ nhạc sĩ chọn để phổ nhạc. Quỳnh Hợp tâm sự: "Tôi dành album Cỏ Hát để hát về thời tuổi trẻ của mình, ngợi ca, chia sẻ với một thế hệ trẻ đã hồ hởi dấn thân vào khó khăn gian khổ sau ngày đất nước giải phóng để cùng dựng xây đất nước". Album Cỏ Hát sẽ phát hành trên toàn quốc đầu tháng 3. |
Theo VnExpress
Bình luận