Nguy cơ không thể đong đếm
Năm 1825, Nhà hóa học người Thụy Sĩ chính thức tìm ra chất nicôtin trong khói thuốc lá. Và người ta đã chứng minh được rằng, chất nicôtin trong một điếu thuốc lá đủ làm chết một con chuột, trong 20 điếu thuốc lá đủ giết chết một con bò... Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), riêng trong thế kỷ XX trên trái đất có khoảng 100 triệu người chết liên quan tới sử dụng thuốc lá. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, trong 25 năm đầu của thế kỷ XXI, con số đó sẽ là 150 triệu.
Vào thời điểm hiện tại, trong vòng 60 giây trên phạm vi toàn cầu có 8 người tử vong vì các căn bệnh liên quan tới thuốc lá.
Tại Việt Nam, theo tính toán, hậu quả của tai nạn giao thông còn nặng nề hơn cả chiến tranh khi mỗi ngày trung bình có 31 người thiệt mạng. Tuy nhiên, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu lại là các căn bệnh có liên quan tới thuốc lá khi mỗi năm có tới 40.000 ca tử vong, nghĩa là trung bình mỗi ngày có hơn 100 người chết vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Với trên 47% nam giới hút thuốc lá, Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ này cao nhất thế giới...
Không chỉ có vậy, 10 năm trước, thống kê cho thấy hằng năm số người hút thuốc lá hút hết số thuốc lá có trị giá là gần 6.000 tỷ đồng. Hai năm sau đó, con số này tăng lên hơn 8.000 tỷ đồng. Và số tiền hằng năm "đốt ra khói" cứ "leo thang" như vậy. Thêm vào đó, mỗi năm còn trên 1.000 tỷ đồng là tổng chi phí của xã hội cho việc chữa trị 3 loại bệnh phổ biến có nguyên nhân do hút thuốc lá là ung thư phổi, nhồi máu cơ tim và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Cũng theo tính toán, một người hút thuốc trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 lần dành cho lương thực, gấp rưỡi số tiền chi cho giáo dục và gấp 5 lần chi phí y tế (theo bình quân đầu người). Số tiền mà dân nghiền bỏ ra mua thuốc lá hằng năm tương đương với số tiền mua lương thực đủ nuôi trên 10 triệu người trong 365 ngày, và 11,3% hộ nghèo có người hút thuốc sẽ thoát nghèo nếu số tiền chi cho thuốc lá được dùng để mua lương thực...
Thông điệp của WHO nhân Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay là "Thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá". Đây là công ước được WHO xây dựng vào năm 2003 nhằm ngăn chặn việc hút thuốc lá trên toàn thế giới bao gồm các biện pháp giảm cung và giảm cầu về thuốc lá. Công ước này chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ đầu năm 2005 nhằm tạo ra khung pháp lý, kiểm soát thuốc lá và hướng tới hạn chế tối đa tác hại do thuốc lá gây ra cho xã hội.
Tuy nhiên trên thực tế, đẩy lùi vấn nạn hút thuốc lá là không đơn giản khi chúng ta đang thiếu cả về kinh phí, con người (tổ chức lực lượng) và các quy định cụ thể của pháp luật. Do đó, ở một tỉnh có thể coi là tiêu biểu của cả nước trong việc nói không với thuốc lá thì một năm rưỡi cũng chỉ xử phạt được 10 người vi phạm với tổng số tiền là 1,5 triệu đồng. Mặt khác, khi vẫn còn thái độ và những nụ cười coi thường sự an nguy về tính mạng của bản thân cũng như những hệ lụy liên quan tới gia đình và xã hội của việc hút thuốc lá thì vấn nạn này vẫn chưa được kiểm soát và đẩy lùi. Giải quyết các tồn tại đã nêu chính là vì sức khỏe của mỗi người và lợi ích cộng đồng để tiến tới môi trường lành mạnh trong xã hội không bị khói thuốc lá bao phủ với hàng loạt nguy cơ mà thiệt hại luôn theo cấp số nhân, không thể đong đếm.
Theo Hanoimoi
Bình luận