Thứ bảy, 21/09/2024, 07:55 [GMT+7]

Tam Đường “cứng hóa” đường giao thông nông thôn

Thứ ba, 30/08/2016 - 16:29'
(BLC) - Thực hiện Đề án Phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011 – 2015, huyện Tam Đường được đầu tư, nâng cấp, mở mới 241,42km đường, trong đó có 32km đường liên xã; 160,30km đường trục xã, nội bản và 49,12km đường nội đồng với tổng vốn đầu tư 240.952 triệu đồng.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong đó, Nhà nước đầu tư vật liệu xây dựng, nông dân tích cực đóng góp ngày công lao động, hiến đất để tạo diện mạo mới cho mạng lưới giao thông, tạo sự kết nối liên thông trong cả 4 mùa. Đến nay, 141/156 bản có đường giao thông cứng hóa đi lại thuận lợi.

Bản Nà Khan (xã Bình Lư) được cứng hóa 100% đường giao thông vào năm 2014 với tổng chiều dài hơn 1,5km, đảm bảo giao thông thuận lợi cho người dân trong quá trình sản xuất, sinh hoạt và cho con em trong bản đến trường. Hay tuyến đường nội bản Thèn Pả (xã Tả Lèng) trước đây rất lầy lội, nhất là về mùa mưa khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản vốn đã khó lại càng thêm khó. Từ nhiều nguồn tài trợ, hỗ trợ của Nhà nước, Ngân hàng thế giới, sự đóng góp công sức của người dân, đường nội bản được bê tông hóa tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Anh Giàng A Dua bản Thèn Pả (xã Tả Lèng) cho biết: “Từ khi bản được đầu tư cứng hóa đường giao thông nông thôn, việc đi lại của chúng tôi thuận tiện kể cả trong những ngày mưa. Người dân trong bản thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường ngõ bản, không để việc vận chuyển nông sản, đồ dùng làm hỏng đường”.

Người dân xã Bình Lư tu sửa đường làng ngõ bản.

Không chỉ đường giao thông nội bản, trên các cánh đồng Bình Lư, thị trấn hay vùng sản xuất chè… đường nội đồng được đầu tư xây dựng với kết cấu bê tông, láng nhựa đã giúp xe cơ giới đến tận nương chè, ruộng lúa để vận chuyển nông sản như: chè, thóc, ngô về phục vụ sản xuất hoặc đi tiêu thụ. Tỷ lệ đường nội đồng được cứng hóa đạt 54/161km. Anh Vàng Văn Xè ở bản Cốc Phung (xã Bản Bo) tâm sự: “Trước đây muốn đi làm nương, người dân phải đi bộ bằng đường mòn, lối nhỏ. Việc vận chuyển nông sản bằng sức người là chính. Từ năm 2011 chúng tôi dần chuyển sang trồng chè và được nhà nước đầu tư đường giao thông đến vùng sản xuất. Giờ đây đi hái chè, làm cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật bà con đều đi bằng xe máy và các lái thương đưa xe ô tô đến tận chân các đồi chè thu mua chè”.

Trong 5 năm thực hiện Đề án với nhiều nguồn vốn khác nhau, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Tam Đường đã được nâng cấp, cải tạo, 100% tuyến đường giao thông đến tất cả các xã, thị trấn được cứng hóa, giao thông đi lại thông suốt trong 4 mùa. 13/13 xã được phê duyệt bản đồ quy hoạch mạng lưới giao thông. Đến hết năm 2015 toàn huyện có 5 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm các xã: Bản Bo, Bản Giang, Bình Lư, Bản Hon, Nà Tăm. Để bảo vệ, quản lý sử dụng các tuyến đường liên xã, liên bản, nội đồng, nội bản sau đầu tư, UBND các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động, huy động Nhân dân tiến hành khơi thông cống, rãnh thoát nước, phát quang bụi rậm, lấp ổ gà, hố sụt nhỏ trước, trong và sau mùa mưa nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt.

Hết năm 2015, hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện đã đảm bảo 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa. Huyện Tam Đường tiếp tục nâng cao chỉ tiêu phấn đấu đạt 100% đường giao thông nội bản, đường trục bản được cứng hóa đi lại thuận tiện trong 4 mùa vào năm 2020. Cùng với đó, tiếp tục cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường huyện, xã, bản. Trong đó, đầu tư mới 7,2km đường giao thông đến xã và 67,891km đường thôn, bản ra khu sản xuất; đầu tư cải tạo, nâng cấp 16,25km đường giao thông huyện, 58,34km đường giao thông cấp xã và 36,1km đường thôn, bản ra khu sản xuất. Hiện nay, huyện còn 15 bản chưa có đường cứng hóa thuộc thị trấn Tam Đường (1 bản), Giang Ma (3 bản), Sùng Phài (3 bản), Khun Há (3 bản), Thèn Sin (2 bản), Tả Lèng (3 bản). Trong năm 2016, một số đường nội bản thuộc các xã, thị trấn đã được phê duyệt đầu tư, triển khai thi công và đưa vào sử dụng, huyện cũng đang huy động các nguồn vốn, cùng sự đóng góp của Nhân dân, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 100% số bản được cứng hóa giao thông từ nay đến năm 2020.

Kim Oanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Sớm có phương án di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
(BLC) - Ngày 12/9 bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) xuất hiện tình trạng sụt lún, sạt lở, kèm theo hố cát tơ và các vết nứt nhỏ trên hệ thống đường bêtông nội bản. Do đó, sớm có...
Thư, điện, thông điệp thăm hỏi Việt Nam về ảnh hưởng của cơn bão số 3
Bày tỏ tình đoàn kết và sẻ chia với Việt Nam về những thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, lãnh đạo các nước trên thế giới tiếp tục gửi thư, điện, thông điệp tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô...
Nữ y sỹ nhiệt tình với công việc
Với tấm lòng tận tâm vì sức khỏe của nhân dân, y sỹ Đỗ Thị Kiều (Trạm Y tế xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) luôn tận tụy hết mình với công việc, được bà con trên địa bàn tin yêu.