Thứ ba, 08/10/2024, 19:53 [GMT+7]

Nguy cơ cao sạt lở tại bản tái định cư Nậm Manh

Thứ hai, 09/09/2024 - 10:50'
Đứt gãy đường vào bản, nước phun lên giữa nhà vào những ngày mưa to, nứt chân tà-luy âm là những hiện tượng đã và đang diễn ra với 36 hộ tại bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).

Năm 2007, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và để hoàn thành xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La theo đúng kế hoạch, hàng trăm hộ đã di dời lên bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh). Sau gần 20 năm sinh sống trên vùng đất mới, cuộc sống ổn định, kinh tế có bước phát triển và đời sống người dân ngày một ấm no. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, do ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài, sự thay đổi của dòng chảy các con suối bên cạnh bản đã khiến khu vực có 36 hộ sinh sống bị lún, nứt. Mỗi năm, các điểm lún, nứt trên ngày càng lớn hơn và nguy cơ sạt lở cao nếu không sớm được khắc phục, khiến nhiều hộ sống trong khu vực bất an.
Anh Vàng Văn Quyết ở bản Nậm Manh cho biết: Khi xảy ra hiện tượng trên, bà con kiến nghị nhiều lần với xã và thông qua các buổi họp HĐND cấp xã, huyện nhưng chưa được giải quyết. Những ngày mưa to, kéo dài, người dân vô cùng lo lắng. Có những hôm phải chuyển đến sống nhờ gia đình người quen ở bản nhưng rất bất tiện. Vì vậy, sau đợt mưa gia đình lại thu dọn chăn màn, quần áo trở về nhà cũ sinh sống.
Giống như anh Quyết, chị Vàng Thị Phớ ở cùng bản cho biết thêm: Có những hôm mưa to, tôi và các con không dám ngủ ở nhà mà phải lên nhà văn hóa của bản ở. Có hôm đang ngủ mà nước từ dưới nền nhà phun lên, nền nhà bị nứt ra. Mong Nhà nước sớm quan tâm để người dân có nơi ở mới an toàn hơn, chứ cứ như thế này chúng tôi cũng không yên tâm lao động, sản xuất được.

Điểm lún, nứt tại khu vực 36 hộ sinh sống bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh).

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay đường chính dẫn vào khu vực 36 hộ sinh sống đường bê-tông đã nứt, đứt gãy có thể nhìn thấy hằng ngày. Nguy hiểm hơn khu vực tà-luy sau bản xảy ra hiện tượng nứt, lở lớn ở phía chân kè đá. Đêm đến, nhiều hộ có thể nghe rõ tiếng nước chảy ngay dưới nền nhà thông qua các vết nứt. Phía dưới bản, việc đất bị xê dịch, bùn đất bị đùn lên thường xuyên xảy ra sau những cơn mưa lớn. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và đã được xử lý bằng hệ thống kè chắn, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra. Nguy cơ sạt lở cuốn đi nhiều ngôi nhà cùng tài sản của bà con là rất lớn.
Bà Hảng Thị Mỷ - Chủ tịch UBND xã Nậm Manh cho biết: Nhiều năm trước, xã kiến nghị, UBND huyện đã cho xây dựng hệ thống kè nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn ra. Có những hôm mưa to kéo dài, tôi cũng lo lắng không ngủ được và trực tiếp vào bản vận động bà con tạm thời đến ở nhà người quen để tránh nguy hiểm. Tuy nhiên đây không phải là giải pháp lâu dài, người dân vẫn sống trong bất an, nhất là vào mùa mưa. Trong thời gian qua, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hiện tượng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn về người, tài sản của người dân, Nhà nước. Vì vậy, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sạt lở là việc làm cần phải thực hiện trong thời gian sớm.
Ông Hà Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Sau khi có kiến nghị, báo cáo của UBND xã Nậm Manh, lãnh đạo huyện cũng như các sở, ngành tỉnh đã vào kiểm tra, đánh giá thực tế. Hiện nước đã chảy ngầm xuống dưới bờ kè bảo vệ bản, ngấm xuống khu vực dân cư sinh sống khiến hiện tượng lún, nứt xảy ra ở bản. Huyện cũng đã đề xuất, kiến nghị nhiều lần nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết do khó khăn về vốn và các nguyên nhân khác. Huyện cũng tính toán, khắc phục bằng cách đưa nội dung trên đăng ký vào nguồn vốn tái định cư để hỗ trợ di chuyển cho người đến nơi ở mới trong thời gian sớm nhất.
Để ổn định đời sống cũng như tinh thần của nhân dân, không để sạt lở làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân, UBND huyện Nậm Nhùn cần khẩn trương có phương án di dời các hộ ở bản tái định cư Nậm Manh đến nơi ở mới trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, đưa các hộ đến ở ghép tại các gia đình người thân, người quen hoặc ở tạm tại các trường học, nhà văn hóa bản trong thời gian mưa lớn kéo dài.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...