45 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Để lịch sử không lặp lại đau thương
Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.
Nhìn lại lịch sử bi hùng của dân tộc để không ai được phép quên lãng. Ghi nhớ để sống tốt hơn, ghi nhớ để thêm yêu chuộng hòa bình và ghi nhớ để rút ra bài học trong ứng xử bang giao.
45 năm đã trôi qua, nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc để thêm một lần nữa khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Thời gian đủ dài giúp cả Trung Quốc và Việt Nam bình tĩnh, khách quan nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học, đầy đủ và chân thực nhằm tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại và rút ra nhiều bài học quý giá.
Thời gian lùi xa nhưng không làm thay đổi sự thật và bản chất
Mờ sáng 17/2/1979, dưới chiêu bài "Phản kích tự vệ”, 60 vạn quân Trung Quốc bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Quân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ biên cương, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân, nhưng trên thực tế "cuộc chiến đấu mới” này phải kéo dài tới 10 năm (1979-1989) đầy ác liệt, mất mát, đau thương.
Mở cuộc tiến công xâm lược Việt Nam, Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được 5 mục tiêu cơ bản sau :
Một là, cứu bọn Pol Pot. Ý đồ của họ là chiếm một số khu vực đất đai của Việt Nam ở gần biên giới, nếu thuận lợi sẽ tiến sâu vào sâu, buộc ta phải đàm phán, ép ta phải rút quân khỏi Campuchia.
Hai là, thông qua chiến tranh chống Việt Nam để tranh thủ Mỹ và các nước đồng minh giúp họ thực hiện "Bốn hiện đại hóa”.
Ba là, phá hoại tiềm lực kinh tế và quốc phòng của Việt Nam, làm Việt Nam suy yếu. Ý đồ của họ là tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang ta, nhất là bộ đội chủ lực, phá hoại kinh tế, tàn sát dân thường, gây tâm lý khủng khiếp trong nhân dân, kích động bạo loạn, hạ uy thế của Việt Nam sau khi thắng Mỹ năm 1975.
Bốn là, uy hiếp Lào từ phía Bắc, buộc Lào phải trung lập hoặc theo họ chống lại Việt Nam, uy hiếp Việt Nam từ phía Tây; gỡ thể diện trước các nước Đông Nam Á sau thất bại ở Campuchia.
Năm là, thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận quốc tế để chuẩn bị cho những bước phiêu lưu tiếp theo.
Tổn thất lớn lao
Cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ biên giới phía Bắc trong giai đoạn đầu chỉ diễn ra khoảng một tháng, thực chất là 17 ngày (từ 17/2/1979 đến khi Trung Quốc tuyên bố rút quân 5/3/1979) nhưng sự tổn thất về người và của lại không thua kém một cuộc chiến tranh dài ngày.
Trung Quốc là bên chịu tổn thất không hề nhỏ. Theo tác giả Trường Sơn, "Chiến tranh biên giới 1979 : Cuộc chuyển quân thần tốc” đăng trên Infonet ngày 18/2/2015 thì trong tuần đầu tiên của chiến tranh, lực lượng vũ trang 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.000 quân Trung Quốc. Con số này tiếp tục tăng lên 27.000 quân vào ngày 28/2 và 45.000 quân vào ngày 5/3/1979.
Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ, chính xác về tổn thất, mới chỉ có con số ước tính là: Có 320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, trạm xá, 38/42 lâm trường, 41/41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ ở khu vực chiến sự bị tàn phá.
Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân ở biên giới phía Bắc Việt Nam bị mất nhà cửa, tài sản, phương tiện sinh sống.
Các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Cam Đường gần như bị hủy diệt hoàn toàn. Nhiều di tích lịch sử văn hóa bị quân Trung Quốc cố ý phá hoại như hang Pắc Bó (Cao Bằng), động Tam Thanh, Nhị Thanh (Lạng Sơn)...
Mặt trận Hà Giang từ 1979-1989 có 4.760 liệt sĩ, trong đó khu vực chiến trận Vị Xuyên từ 1984-1989 có hơn 4.000 chiến sĩ thuộc 9 sư đoàn chủ lực hy sinh, riêng Sư đoàn 356 có khoảng 1.200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Trung Quốc thực hiện chiến tranh phá hoại nhiều mặt
Sau chiến trận toàn tuyến biên giới đầu năm 1979, Trung Quốc thực hiện chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống lại Việt Nam bằng các hoạt động vũ trang như phục kích, tập kích, pháo kích, tấn công lấn chiếm... gây rất nhiều tổn thất về người và của cho quân dân Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn 1984 - 1989, Trung Quốc quay lại và duy trì trận chiến Vị Xuyên (Hà Giang) với cường độ cao, mật độ dày tạo ra tình trạng căng thẳng, bất ổn ở khu vực biên giới Việt - Trung, gây ra nhiều tổn thất và hậu quả nghiêm trọng cho quân dân Việt Nam.
Đi đến đâu, quân đội Trung Quốc cũng phá phách, phá hủy tất cả các cơ sở hạ tầng, tàn sát người dân vô tội. Vụ thảm sát tàn bạo nhất mà quân đội Trung Quốc gây ra ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (Cao Bằng). Ngày 9/3/1979, 4 ngày sau khi tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, lính Trung Quốc đã tấn công vào một trại nuôi lợn ở bản Tổng Chúp, giết chết 43 người gồm phụ nữ, trẻ em và vùi xác dưới giếng. Từ ngữ trên tấm bia xi măng còn sót lại ở Tổng Chúp là không đủ và không bao giờ là đủ để diễn tả hết sự bạo tàn bởi những tội ác mà quân Trung Quốc đã gây ra khi đang trên đường rút quân về nước.
Vào những ngày Tết của xuân Giáp Thìn 2024, Cao Bằng đã khánh thành công trình Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp gian thờ tưởng niệm tại nơi xảy ra vụ thảm sát tàn bạo đó 45 năm về trước.
Bình thường hóa quan hệ theo 5 nguyên tắc
Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa, sau thời gian băng giá, với sự nỗ lực và thiện chí của mỗi bên, tháng 11/1991, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức bình thường hóa quan hệ theo 5 nguyên tắc : Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Không xâm phạm lẫn nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình.
Chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc là gác lại quá khứ đau thương, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Cuối năm 2023, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam và Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai.
Việt Nam và Trung Quốc đã vượt qua nhiều ngáng trở, thách thức để trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, cùng hợp tác và phát triển trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.
Nhắc lại cuộc chiến này để tôn trọng những sự thật lịch sử, để tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì cuộc chiến và điều quan trọng nhất là rút ra những bài học lịch sử quý giá từ quá khứ cho hiện tại và tương lai.
Cảnh giác luôn là bài học đầu tiên và lớn nhất
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta luôn là thực tiễn sinh động khẳng định một nguyên lý : trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn đề cao cảnh giác trước sự dòm ngó và xâm lược từ bên ngoài.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) và chống đế quốc Mỹ và tay sai (1954-1975), vấn đề kẻ thù đã rất rõ ràng. Tinh thần và ý thức cảnh giác luôn được đề cao. Nhưng chính sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta đã có những bất ngờ về đối tượng tác chiến mới.
Với tinh thần chiến đấu cao, với tư duy quân sự dày dạn, sau những bất ngờ đầu tiên khi cuộc chiến vừa diễn ra, chúng ta đã có những quyết định đúng đắn ở cả tầm chiến thuật và chiến lược để đem lại chiến thắng. Từ bài học này, cùng với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước nhất là về kinh tế, chúng ta đã đổi mới trên lĩnh vực quốc phòng, trong đó nổi bật nhất là quan điểm về đối tác và đối tượng trong thực tiễn.
Có cảnh giác mới giữ được thế chủ động trong mọi ứng xử.
Bảo vệ lợi ích quốc gia và giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ
Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc 1979-1989 mà chúng ta đã giành thắng lợi, trước hết là vì chính nghĩa, vì hành động xâm lược của đối phương đã "kích hoạt” lòng yêu nước mãnh liệt của quân và dân ta.
Bài học vô giá cho sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay là giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.
Thế giới đang trong xu thế hội nhập mạnh mẽ, quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều vận hội và thách thức cho các quốc gia. Hòa đồng với lợi ích chung của thế giới trong lợi ích của từng quốc gia dân tộc là điều cốt lõi của đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ngày càng lùi xa nhưng thắng lợi và cả những sự hy sinh, tổn thất to lớn của quân dân Việt Nam đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đan xen những thuận lợi và khó khăn, chúng ta luôn phải đề cao cảnh giác, nhận rõ bản chất của đối tác và đối tượng, từ đó có ứng xử phù hợp, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển.
Theo Báo Yên Bái
Bình luận