Thứ năm, 12/12/2024, 20:54 [GMT+7]

Nâng cao ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Lai Châu

Thứ ba, 02/04/2024 - 16:56'
70 năm đã trôi qua, những dòng Bác viết, những lời Bác dặn trong thư Bác gửi cho đồng bào và cán bộ Lai Châu ngày 12/12/1953 còn nguyên giá trị, có sức vượt thời gian. Bức thư chỉ có 233 chữ, nhưng từ đầu đến cuối toát lên tinh thần nhân văn hành động triệt để của Bác muốn gửi gắm cho đồng bào và cán bộ Lai Châu.

Thư Bác là những chỉ dẫn thiết thực, thôi thúc đồng bào và cán bộ Lai Châu hành động. Trong thư, Bác căn dặn mấy điều hết sức ngắn gọn, nhưng nó rất cần thiết, cả trước mắt và lâu dài, là những chỉ dẫn thiết thực, thôi thúc đồng bào và cán bộ Lai Châu hành động.

v

Lãnh đạo huyện Tam Đường thăm mô hình trồng sâm của Hợp tác xã Sâm Lai Châu tại xã Khun Há.

Thứ nhất: “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau”. Đại đoàn kết, theo Người là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Đồng thời là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đó là chiến lược tập hợp lực lượng nhằm hình thành sức mạnh to lớn của dân tộc chống kẻ thù của dân tộc, của giai cấp, là nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cốt lõi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân dân lao động mà trước hết là nông dân, công nhân. Người khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết với các tầng lớp nhân dân lao động khác.

Thứ hai: “Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ trừ gian, giữ gìn trật tự”. Phỉ là lực lượng tay sai rất nguy hiểm được trang bị vũ khí, lương thực, thực phẩm, ẩn náu trong rừng sâu, biên giới, hoạt động chống phá cách mạng. Bác căn dặn cán bộ, đồng bào các dân tộc tích cực luyện tập dân quân, tự vệ, thành lập ra các đội du kích… để giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ dân bản, giúp bộ đội tiễu phỉ, trừ gian, để quân chủ lực tập trung lực lượng đánh địch ở Điện Biên Phủ. Người viết: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”[1]. Bác cũng căn dặn “đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ Quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng”. Đây là tư tưởng nhân văn của Bác là, tính nhân đạo của chế độ ta. Trong điều kiện mới, đối tượng chống phá cách mạng Việt Nam không phải là phỉ mà là các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong nước và ngoài nước đang điên cuồng chống phá Đảng, Nhà Nước và chế độ ta. Lúc này mỗi người dân Việt Nam, mỗi người sử dụng mạng xã hội có đủ nhận thức và trí tuệ để nhận diện, phản bác các luận điệu, quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch… nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà Nước và chế độ trong tình hình mới.

Thứ ba: “Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no”. Trong mọi hoàn cảnh lịch sử, kể cả tình thế cách mạng khó khăn, thách thức như “ngàn cân treo sợi tóc”, việc bảo đảm cuộc sống nhân dân Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Người kêu gọi ra sức cứu đói, chống nạn đói, “coi cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm”. Người đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất và tiết kiệm để chống đói. Người đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và mở cuộc lạc quyên cứu đói. Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa... Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”[2]. Trong lúc tăng gia sản xuất chưa đến ngày thu hoạch, công việc khẩn cấp là phát huy truyền thống tương thân tương ái, đùm bọc nhau. Người khởi xướng phong trào “Hũ gạo cứu đói” và gương mẫu thực hiện. Với niềm đồng cảm sâu sắc cùng đồng bào, Người khơi dậy truyền thống nhân văn, tương thân tương ái của dân tộc, động viên mọi người tham gia chống giặc đói.

Thứ tư: “Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Công hòa” (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Hồ Chí Minh khẳng định, ai đã là người Việt Nam thì ít nhiều cũng yêu nước, nên Trung với nước là đạo đức của tất cả các thành phần, các cá nhân trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: “Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác”[3]. Lợi ích của đất nước là độc lập, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân; là lợi ích chung của các giai cấp, tôn giáo, dân tộc và các thành phần trong xã hội. Trung với Đảng chính là “chấp hành triệt để đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, hăng hái thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống”[4]. Không chỉ Trung với nước, theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải Hiếu với dân. Nghĩa là phải kính trọng nhân dân, lễ phép với dân, tin vào dân, lắng nghe ý kiến của dân, gần gũi với dân, hòa với dân thành một khối, thương dân, yêu dân, chăm lo lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân hết lòng. Chăm lo đời sống nhân dân, là làm cho nhân dân được thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi trong một xã hội tiến bộ và công bằng, với hành lang pháp lý đầy đủ và ngày càng hoàn thiện, để nhân dân thực sự là người chủ trong xã hội mới và ngày càng được thụ hưởng đầy đủ về vật chất và tinh thần.

Thứ năm: “Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”. Đây là điều trong thư Bác căn dặn riêng cán bộ Lai Châu. Cao cả hơn hết trong suy nghĩ và hành động, điểm xuất phát và mục tiêu cuối cùng mà Bác hướng tới là con người với nhu cầu, lợi ích, khát vọng sống. Theo người “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”[5]. Độc lập cho dân tộc gắn liền với tự do và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người nói: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi”[6].

Những lời căn dặn của Bác chỉ cho ta những bài học: Về “đoàn kết (đoàn kết trong Đảng, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, đoàn kết trong Nhân dân); “sống với nhau có nghĩa, có tình”, “lá lành đùm lá rách”. Bài học toàn tâm, toàn ý phục vụ Nhân dân, “tất cả là vì dân”, lợi ích của Nhân dân là tối thượng, là bản chất của chế độ. “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Về “trung thành với Tổ quốc”, chấp hành triệt để đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hăng hái thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống, nhiệm vụ được giao. Về “lòng dân”, “sức dân” “liên hệ chặt chẽ với dân”, phải yêu dân, gần dân, hiểu dân, trọng dân và học dân - cội nguồn của sức mạnh. Về “cán bộ, đảng viên là đầy tớ của Nhân dân chứ không phải là quan nhân dân”, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Về “cách ứng xử khoan hồng, khoa dung, độ lượng đối với những người lầm đường lạc lối”, những người nhẹ dạ cả tin, xúi dục của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

Những giá trị và bài học đó hơn bao giờ hết đã khơi dậy tư tưởng, tình cảm, tinh thần ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên của mỗi người cán bộ, đảng viên và Nhân dân Lai Châu. Tất cả là để bảo vệ và xây dựng tỉnh Lai Châu ngày một phát triển, Nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Cùng với Nhân dân cả nước tạo sức mạnh vô song bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc trên toàn thế giới trong thời đại văn minh, hiện đại. Những điều Bác căn dặn ấy còn có ý nghĩa chung cho đồng bào cả nước. Có những điểm riêng cho đặc thù Lai Châu mà cũng có điểm chung mang tính phổ biến toàn quốc. Hòa hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn cũng là một nét đặc sắc, nổi bật trong cách tư duy và hành động, tư tưởng và sự nghiệp Hồ Chí Minh.

Đồng bào và cán bộ Lai Châu thực hiện lời Bác tự lực, tự cường bảo vệ vững chắc Lai Châu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc

70 năm qua, thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tự lực, tự cường, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, bám sát thực tiễn, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng xây dựng Lai Châu ngày một phát triển.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, Ban cán sự Đảng đã động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa kháng chiến, vừa xây dựng cơ sở, vừa đánh địch bảo vệ hậu phương, huy động sức người, sức của cho chiến trường, góp phần quan trọng, trực tiếp cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những năm đầu sau giải phóng, Lai Châu trong điều kiện rất khó khăn, là địa bàn nhạy cảm, vừa đối phó với hoạt động tạo phỉ, âm mưu chia cắt lãnh thổ dưới chiêu bài “xứ Thái tự trị”, “xứ Mèo tự trị”, vừa phải chống lại những vụ xâm nhập biệt kích của Mỹ. Thấm nhuần sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, Lai Châu xác định mặc dù nhận được sự giúp đỡ to lớn của các tỉnh miền xuôi về sức người, sức của song yếu tố quan trọng nhất vẫn là chính mình. Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền Lai Châu vừa tuyên truyền, vừa vận động quần chúng định canh, định cư, xây dựng bản làng, giữ gìn vệ sinh, tăng gia sản xuất (hợp tác hóa nông nghiệp, cải cách dân chủ,…) thực hiện tốt chủ trương, tạo mọi điều kiện để đồng bào miền xuôi lên xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con các dân tộc, không nghe và tin theo những kẻ xấu. Nhờ đó đã “tạo ra sự biến đổi sâu sắc trong đời sống xã hội của đồng bào các dân tộc, tạo nên sức mạnh mới cho phong trào các mạng ở Lai Châu trong giai đoạn tiếp theo”[7].

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lai Châu vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa chiến đấu, góp phần thắng lợi chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, lần thứ của đế quốc Mỹ và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng Lào anh em. Tiếp tục khôi phục kinh tế, văn hóa, xã hội (tập trung mọi lực lượng đẩy mạnh sản xuất, chuyến hướng phát triển nông nghiệp, tiến hành cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng, xây dựng con người mới, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp..). Do đó, giai đoạn 1970-1975 “Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã giành được nhiều thắng lợi trên mặt trận kinh tế, văn hóa, quân sự, trị an; đã tích lũy được một số kinh nghiệm sản xuất phù hợp; các ngành, các địa phương trong tỉnh ngày càng tiến bộ, đang từng bước tiến lên”[8]. Đặc biệt, huy động sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần cùng quân dân cả nước giành thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, quân và dân Lai Châu đã biến mảnh đất quê hương thành tiền đồn vững chắc ngăn bước quân xâm lược, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành thắng lợi vẻ vang. “Trong cuộc chiến đấu đã có 3.480 thanh niên là con em các dân tộc Lai Châu tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng vũ trang cùng Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã anh dũng ngăn chặn địch ngay từ biên giới, loại khỏi vòng chiến đấu chiến đấu 12.275 tên địch và nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, bảo vệ vững chắc tuyến biên giới phía Bắc Tổ quốc trên địa bàn tỉnh”[9].

Bước vào giai đoạn cách mạng mới, nhất là từ khi chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu mới (1/1/2004), Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân các dân tộc không ngừng được cải thiện; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được ổn định, quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng, phát triển đi vào chiều sâu. Tổ chức bộ máy cán bộ được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ không ngừng được nâng lên; từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội…

Những kết quả đạt được trên đây khẳng định ý chí tự lực, tự cường của cán bộ và Nhân dân Lai Châu, và khát vọng bảo vệ vững chắc tỉnh nhà, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên mảnh đất phên dậu của Tổ quốc. Giai đoạn hiện nay, cơ bản đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng kém phát triển, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mọi mặt với các địa phương trong cả nước.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2020-2025, tuy mới được ½ nhiệm kỳ nhưng cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các ngành, lĩnh vực; có nhóm chỉ tiêu và chỉ tiêu thành phần đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, cụ thể:

(1) Cấp ủy các cấp đã tập trung quán triệt, học tập, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV tạo sự chuyển biến rõ nét và thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Kịp thời cụ thể hóa và phân công cụ thể trách nhiệm, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, nghiêm túc, có chất lượng các mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định.

(2) Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2022 đạt 14,1%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra (Năm 2023 đạt 2.247 tỷ đồng tăng 666 lần so với năm 2005), thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 48,3 triệu đồng đồng/người/năm, tăng 14,6 lần so với năm 2004, tăng 06 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 28,54% (giảm 32,03% so với năm 2004). Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, công nghiệp năng lượng đã phát huy hiệu quả rõ rệt; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp đã dần hình thành. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp, hệ thống giao thông phát triển và hỗ trợ tốt cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Các chỉ số cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư trên một số lĩnh vực tăng nhanh[10].

(3) Chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện rất chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nhân dân, góp phần nhanh chóng phục hồi sản xuất. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả; hoạt động xuất khẩu lao động được triển khai tích cực. Các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi, tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch cấp quốc gia, khu vực; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn, khôi phục, bước đầu phục vụ tốt cho phát triển du lịch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên.

(4) Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh trên tuyến biên giới, góp phần duy trì khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh được xây dựng vững chắc. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng, phát triển đi vào chiều sâu; các hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh thực hiện theo Đề án mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

(5) Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đồng bộ; 100% thôn bản, trường học, trạm y tế có chi bộ. Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, của tỉnh có nhiều đổi mới, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tổ chức bộ máy cán bộ được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (toàn tỉnh giảm 276 tổ chức, 300 lãnh đạo, quản lý các cấp, 1.860 biên chế, giảm 02 đơn vị hành chính cấp xã, 213 bản, khu phố và trên 2.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, bản, khu phố, đảm bảo theo chủ trương lãnh đạo của Trung ương); công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên (Đến nay, toàn tình có 1.575 cán bộ, công chức và 9.653 viên chức có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ lần lượt là 96,44% số cán bộ, công chức và 66,89% số viên chức toàn tỉnh; cán bộ, công chức cấp xã có 8.082 người, trong đó: cán bộ 1.141 người; công chức 941 người). Công tác dân vận, kiểm tra, giám sát, nội chính và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND được nâng lên. UBND các cấp phát huy tốt vai trò quản lý, điều hành, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

(6) Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể có nhiều đổi mới, công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

(7) Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết từ tỉnh đến cơ sở; phát huy tiềm năng, lợi thế và tranh thủ tối đa các nguồn lực, cơ hội phát triển; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết. Từ năm đầu nhiệm kỳ đến nay cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp đã kiểm tra 3.151 tổ chức đảng, 3.922 đảng viên; giám sát 1.580 tổ chức đảng, 4.421 đảng viên; thi hành kỷ luật 02 tổ chức đảng, 565 đảng viên vi phạm.

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh qua các thời kỳ, tỉnh Lai Châu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao vàng năm 1985, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2009, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2014, 2019, Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2015, 2016), Huân chương Lao động hạng ba (năm 2019, 2020), Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (năm 2011, 2016, 2019, 2021), 03 Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2009, 2013, 2020) và nhiều phần thưởng cao quý khác; Tỉnh được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp...

Đồng bào và cán bộ Lai Châu nguyện tiếp tục thực hiện lời dạy của Người; tự lực, tự cường, nguyện xây dựng, bảo vệ quê hương giàu mạnh, ấm no, văn minh và hạnh phúc, góp phần cùng cả nước xây dựng, bảo vệ và gìn giữ non sông Việt Nam mãi mãi trường tồn; phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động số 09-CT/TU, các nghị quyết chuyên đề, đề án, kết luận của Tỉnh ủy đã xác định, trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, Tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc - nhân tố đảm bảo mọi thắng lợi của Lai Châu trên mọi chặng đường cách mạng. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá các dân tộc; thực hiện quyền dân chủ đầy đủ.

Hai là, Tập trung mọi tiềm năng thế mạnh, mọi nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng; sớm cụ thể hóa, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu trọng điểm, tập trung đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu ngắn hạn. Chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt công tác thu ngân sách trên địa bàn đảm bảo nguyên tắc thu đúng, thu đủ và thu kịp thời; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình MTQG; quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào một số dự án lớn có tính chất lan tỏa... để đạt được tốc độ tăng trưởng cao cùng với chất lượng tăng trưởng bền vững, cải thiện mức sống của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa…

Ba là, Tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời tinh thần cho Nhân dân. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng các loại hình văn hóa, văn nghệ, bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học. Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Nâng cao hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh, nhất là tuyến y tế cơ sở; đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư, thiết bị y tế; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; quan tâm giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, không chỉ xóa đói nghèo về kinh tế mà còn phải xóa “đói nghèo” về văn hóa.

Bốn là, Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng; theo dõi sát tình hình biên giới, kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến biên giới, lãnh thổ quốc gia trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; đấu tranh trấn áp các loại tội phạm. Tăng cường, mở rộng và nâng cao các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch,… tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. 

Năm là, Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện; xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ; quan tâm tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Chuẩn bị tốt nhân sự cho cấp ủy khóa mới, nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và các chức danh lãnh đạo chính quyền nhiệm kỳ 2026-2031. MTTQ và các đoàn thể các cấp thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội. Tích cực củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động; phát huy vai trò của già làng, trưởng dòng họ người uy tín ở khu dân cư.

Sáu là, Cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cấp ủy viên các cấp, cán bộ diện cấp ủy quản lý trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xác định những lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm để tập trung kiểm tra, giám sát; chú trọng việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng, quy chế làm việc, công tác cán bộ và các khâu, lĩnh vực, địa bàn, hoạt động dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực. Đẩy mạnh kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, mở rộng giám sát, ngăn ngừa khuyết điểm vi phạm. Tăng cường tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng; xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm theo thẩm quyền, đồng bộ với kỷ luật hành chính, đoàn thể.

Khắc ghi ân tình và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quan tâm của Đảng, Nhà nước; Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Lai Châu tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, tự lực, tự cường, quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.

[1] Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh“Gửi nam nữ dân quân, tự vệ và du kích toàn quốc” tại Hội nghị dân quân, tự vệ và du kích toàn quốc diễn ra tại Việt Bắc, ngày 27 tháng 5 năm 1947.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.115.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.210.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.111.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr.5.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr.518..
[7] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu (1945-2009), NXB Chính trị quốc gia, 2009, tr.237.
[8] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu (1945-2009), NXB Chính trị quốc gia, 2009, tr.326.
[9] Tỉnh ủy Lai Châu-Học viện Chính trị Quốc gia Hồ chí Minh, tham luận Hội thảo khoa học Đảng bộ tỉnh Lai Châu 70 năm xây dựng, trưởng thành – Những vấn đề thực tiễn và lý luận, tr.47.
[10] Năm 2022 chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Lai Châu xếp vị trí thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp vị trí thứ 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 hạng so với năm 2021; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp vị trí thứ 27/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình cao của cả nước, cao nhất khu vực các tỉnh Tây bắc, tăng 3 bậc so với năm 2021.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...