Thứ sáu, 26/04/2024, 09:45 [GMT+7]

Bằng những việc làm giản dị

Thứ hai, 01/06/2020 - 17:22'
Trong công tác, ông Đinh Công Ninh (tổ dân phố Bệnh viện, thị trấn Tân Uyên) luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục về nghỉ hưu ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, duy trì lối sống giản dị, cần kiệm, đóng góp nhiều ý kiến quý báu xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Bởi vậy, ông luôn là hình mẫu lý tưởng của bà con lối xóm, con cháu và cán bộ, đảng viên ở khu dân cư.

Nhà giáo mẫu mực
Dù cuộc sống rất khó khăn, nhưng nỗ lực học tập, chàng thanh niên Đinh Công Ninh (xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) sớm tốt nghiệp trung cấp sư phạm (trung học hoàn chỉnh) và bước vào nghề khi còn rất trẻ (17 tuổi). 12 năm công tác tại quê nhà, ông tận tâm, tận lực dìu dắt bao thế hệ học trò, nhờ đó, năm 1964, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Năm 1967, ông quyết định xin nghỉ công tác cùng bố mẹ lên huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đi xây dựng kinh tế mới. Năm 1968, ông xin vào ngành Giáo dục và Đào tạo của huyện công tác. Trình độ chuyên môn vững, tinh thần trách nhiệm cao, ông Ninh trở thành một trong số giáo viên nòng cốt của ngành. 44 năm dạy học và làm công tác quản lý, nhiều năm liên tục ông đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh. Năm 2010, vợ chồng ông quyết định rời Văn Chấn lên sinh sống tại thị trấn Tân Uyên (Lai Châu) để gần các con.
Mẫu mực trong công tác, cuộc sống đời thường ông giáo dục, chỉ bảo các con lối sống giản dị, đoàn kết, yêu thương nhau và phấn đấu học tập. 6 người con của ông (người con trai thứ 5 đã mất) không phụ lòng của cha mẹ đã trưởng thành. Trong đó, 4/5 người con ruột và nhiều dâu, rể theo nghề dạy học. Có những người được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng Hai, Ba.

Ông Ninh tự hào khi có 2 tập thơ được xuất bản.

Ông Ninh tự hào khi có 2 tập thơ được xuất bản.

Mặc dù các con phương trưởng, có điều kiện kinh tế nhưng vợ chồng ông quyết định ở riêng. Ông Ninh hài hước: Các con, các cháu đều bận việc và có cuộc sống riêng, mình già rồi nhưng có thể tự chăm được nhau. Vợ chồng tôi thống nhất, nhu cầu cuộc sống thì vô cùng nhưng cần phải tiết kiệm.
Lời ông nói giúp tôi giải tỏa những thắc mắc khi đặt chân vào nhà. Sự giản dị ngay từ chính những vật dụng sinh hoạt hàng ngày; niềm nở, gần gũi trong giao tiếp pha chút hài hước của đôi vợ chồng ở tuổi “bát thập” khiến tôi thấy thật ấm cúng và ấn tượng. Ông Ninh bảo: Đồ dùng giản tiện tối đa, cái gì còn tốt, có thể tận dụng thì vẫn giữ. Như cái phích nước, gia đình sử dụng vài chục năm nhưng vì giữ nhiệt tốt và chỉ hỏng cái nắp bên ngoài, tôi bảo bà thay bằng cái cốc và dùng đến giờ. Các cháu về bảo sao ông không bỏ đi rồi mua cái mới giờ đẹp hơn nhiều, tôi bảo tận dụng được sao phải bỏ đi. Giờ trong nhà còn nhiều đồ “cổ” như vậy lắm! Đó cũng là cách giáo dục con, cháu học cách cần kiệm của Bác, tuy nhiên tiết kiệm chứ không phải ki bo.
Xây dựng chi bộ đoàn kết, thống nhất
Nhắc đến ông Ninh, các đảng viên Chi bộ 13 đều thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn kính và hết lời khen ngợi. Bởi 10 năm tham gia sinh hoạt là từng đó thời gian ông luôn phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, góp sức xây dựng chi bộ đoàn kết, thống nhất, nêu cao tinh thần tự phê binh và phê bình.
Ông Ninh chia sẻ: Đối với công tác Đảng, phải lãnh, chỉ đạo trên nguyên tắc; phê bình xong cần giúp nhau khắc phục, sửa chữa, không thể vì tư thù cá nhân gây mất đoàn kết nội bộ, khiến đảng viên nao núng, quần chúng không đồng thuận. Cũng vì sự việc này đã nảy sinh tại Chi bộ, tôi không đồng ý quan điểm đó nên đã thẳng thắn tham gia, góp ý kiến.
Với những ý kiến tâm huyết, ủng hộ cái đúng, tích cực, phê phán tiêu cực, ông Ninh đã góp sức xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Chi bộ 4 năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh (2015 - 2019); đặc biệt năm 2019 đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc.
Một điều đáng khâm phục nữa ở người đảng viên Đinh Công Ninh là tạo điều kiện tốt nhất để Chi bộ có địa điểm tổ chức sinh hoạt. Khu phố không có nhà văn hóa, nhiều năm Chi bộ thay đổi địa điểm sinh hoạt luân phiên giữa các nhà đảng viên hoặc mượn phòng học của Trường THPT huyện. Khi chuyển về sinh sống và tham gia sinh hoạt Đảng, ông nhận thấy rõ những bất cập nên quyết định mời đảng viên, đề xuất Chi bộ chuyển về sinh hoạt cố định tại nhà ông.
Ông Ninh cho biết: Mặc dù không gian phòng khách không rộng nhưng vợ chồng tôi quyết định tối giản mọi đồ dùng sinh hoạt, mua thêm bàn, ghế nhựa, lắp đặt thêm bóng điện, bộ ấm chén mới. Những điều này đều từ thấm nhuần phong cách, đạo đức của Bác. Tôi tâm huyết nhất là Bác có đời sống giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn coi trọng quyền lợi tập thể, Nhân dân. Vì thế, Chi bộ khó khăn, tôi không ngại giúp đỡ.
Được biết thêm, các vật dụng của Chi bộ như tăng âm, loa đài đặt tại nhà, ông bảo quản, vệ sinh cẩn thận; sử dụng thông báo tin tức, các quy định mới của địa phương, treo cờ Tổ quốc trong các ngày lễ, tết. Hiện nay, ông là hội viên tích cực của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Câu lạc bộ Hoa Ban (Hội Người Cao tuổi thị trấn Tân Uyên). Ông đã xuất bản 2 tập thơ, trong đó tập thơ Đường Đời đoạt giải C trong cuộc thi của tỉnh. Năm 2019, sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông là 1 trong 13 cá nhân điển hình tiên tiến được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen.

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...