Thứ hai, 02/12/2024, 00:05 [GMT+7]

Bao giờ Mù Sang hết thiếu nước?

Thứ hai, 08/04/2024 - 11:20'
Đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân xã Mù Sang, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Phong Thổ đã có nhiều giải pháp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến thời điểm này, tình trạng thiếu nước trong mùa khô vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Bao giờ Mù Sang hết thiếu nước? - câu hỏi đó vẫn bỏ ngỏ.

Mù Sang là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ. Xã có 603 hộ dân với trên 3.600 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông, Dao, sinh sống ở 10 bản. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với hệ thống ống dẫn, bể chứa đã đưa nước về từng hộ gia đình. Cùng với đó, nhân dân còn được cấp, trao tặng téc nhựa chứa nước. Tuy nhiên, vào mùa khô, đặc biệt là từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, tình trạng thiếu nước sinh hoạt lại diễn ra.
Ông Phàn A Chinh - Chủ tịch UBND xã Mù Sang cho biết: “Xã có 10 bản thì hầu hết thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. Có nơi thiếu nước 1-2 tháng, có nơi đến vài tháng, tập trung chủ yếu ở 3 bản: Sin Chải, Khoa San và Mù Sang với tổng số 276 hộ dân sinh sống”.
Năm 2019, các bản trong xã, trong đó có 2 bản: Khoa San, Sin Chải được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, nhưng sau 1 thời gian vận hành, năm 2023 máy bơm và một số thiết bị bị cháy. Xã đã bố trí 50 triệu đồng để sửa chữa và hệ thống cấp nước hoạt động trở lại. Vậy nhưng, gần đây hệ thống tiếp tục hư hỏng, xã đã liên hệ đặt mua nhưng chưa có thiết bị thay thế. Bản Mù Sang, cư dân sinh sống phân tán nên được cấp miễn phí téc nhựa chứa nước nhưng do thời tiết khô hạn, đã lâu chưa có mưa, đầu nguồn không có nước nên téc cũng chỉ để không.
Thiếu nước sinh hoạt khiến cuộc sống của người dân ở Mù Sang bị ảnh hưởng nhiều. Bà con hằng ngày đều phải bố trí nhân lực, thời gian đi vận chuyển nước bằng can về nhà. Quãng đường xa, nhiều dốc, đá lởm chởm rất tốn sức. Mùa khô, bà con phải tiết kiệm nước tối đa nên toàn bộ việc tắm, giặt quần áo đều phải di chuyển ra mó nước, rất bất tiện.

Người dân bản Sin Chải (xã Mù Sang) chờ lấy nước phục vụ sinh hoạt.

Thực tế tại xã những ngày cuối tháng 3 chúng tôi nhận thấy, bà con chủ yếu đi lấy nước tại mó hay đường ống dẫn vào sáng sớm và chiều tối, lượng nước chảy nhỏ giọt, phải chờ đợi lâu. Anh Giàng A Phìn ở bản Sín Chải bộc bạch: “Gia đình tôi đông người, nhu cầu sử dụng nước nhiều. Ngày nào tôi cũng phải dùng xe máy ra mó ở cuối bản cách nhà hơn 1km chở nước. Đường dốc dựng đứng, khó đi, mỗi chuyến cũng chỉ chở 2 can, ngày đi 3-4 chuyến. Nhiều khi vì đông người đến lấy nước, tôi phải chờ đợi, xếp hàng mất thời gian, công sức”.
Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân trong xã thuê ôtô chở nước từ các xã lân cận về. Có thể kể đến hộ gia đình các anh, chị: Hảng A Lồng, Tẩn Seo Phìm (bản Khoa San), Ma A Phừ, Lừu Thị Sớ (bản Sin Chải)… Chị Lừu Thị Sớ cho biết: “Thiếu nước nên phải ra các mó nhưng vì chờ đợi rất lâu, gia đình tôi đã chi 1 triệu đồng thuê ôtô chở 2 chuyến với trên 10 khối nước từ xã Dào San về, mặc dù sử dụng rất tiết kiệm thì cũng chỉ được 2 tuần”.
Thiếu nước sinh hoạt không chỉ cuộc sống của người dân bị đảo lộn, kinh tế hao hụt ngay cả phát triển chăn nuôi cũng ảnh hưởng. Nhiều hộ dân muốn mở rộng quy mô nuôi lợn theo hướng hàng hóa nhưng vì thiếu nước đành bó tay. Đối với các trường học có học sinh ở bán trú, ăn bữa trưa tại trường càng khó hơn. Thương thầy trò vất vả, các tổ chức, nhà hảo tâm đã hỗ trợ trên 200 triệu đồng làm hệ thống giếng khoan và máy bơm cung cấp nước cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mù Sang. Song vào cao điểm mùa khô (tháng 2, 3), nước vẫn không đủ dùng.
Đóng quân trên địa bàn xã Mù Sang, Đội Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356) không tránh khỏi tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Khi được hỏi về nguyên nhân, ông Phàn A Chinh - Chủ tịch UBND xã Mù Sang cho biết thêm: “Nguyên nhân chính khiến tình trạng thiếu nước của xã mãi không giải quyết được là do địa hình nhiều núi cao, khu vực người dân sinh sống cao hơn nguồn nước, dẫn đến khó tìm nguồn nước phù hợp. Ví như tại 3 bản: Sin Chải, Khoa San và Mù Sang cũng chỉ có 6 mó nước, lượng nước ít, không đủ cung cấp cho nhu cầu sử dụng của người dân”.
Cán bộ xã và người dân đã nhiều lần ý kiến lên cấp trên thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, buổi làm việc, tuy nhiên đến thời điểm này các giải pháp triển khai vẫn chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn, chưa bền vững. Bà con mong muốn cấp trên tiếp tục quan tâm tìm giải pháp (có thể là đầu tư hệ thống dẫn nước từ các xã lân cận: Dào San, Tung Qua Lìn) để đời sống của nhân dân thuận lợi hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...