Thứ sáu, 26/04/2024, 17:08 [GMT+7]

Chuyện dạy học ở Nậm Khao

Thứ tư, 09/09/2020 - 10:33'
(BLC) - Xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) có 2 dân tộc thuộc diện đặc biệt khó khăn cùng sinh sống là: Cống và La Hủ. Trình độ của bà con còn hạn chế, đời sống còn tồn tại hủ tục. Với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền xã, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện cũng như tập thể cán bộ, giáo viên các nhà trường trên địa bàn đã giúp người dân hiểu hơn giá trị, ý nghĩa của việc học, chủ động cho con em đến lớp theo đuổi "con chữ".

Đến thăm các nhà trường thuộc 3 cấp học của xã Nậm Khao những ngày đầu năm học mới, chúng tôi cảm nhận rõ không khí học tập sôi nổi, đầy hứng khởi của học sinh nơi đây. Trước giờ vào lớp, học sinh tiểu học, THCS mặc đồng phục gọn gàng, vai đeo cặp sách tung tăng đến trường. Với nhiều bé học mầm non dù mẹ dắt vào lớp mắt vẫn ngấn lệ nhưng chỉ vài phút sau là vui vẻ chơi với các bạn, trò chuyện với cô giáo và hát vang bài hát thiếu nhi.

Được biết, trước đây, sự học ở Nậm Khao gặp nhiều khó khăn không chỉ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mà các bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm, coi trọng việc học của con em. Nhà nghèo lại đông con, khi còn bé, ban ngày, các em cùng bố mẹ lên nương trồng sắn, đào củ mài, tối về phải trông em, lo cơm nước cho gia đình và lớn lên dựng vợ gả chồng. Thậm chí có em mắc tệ nạn xã hội, tương lai mù mịt...

                            Buổi học ngoại khóa của cô-trò Trường PTDTBTTHCS xã Nậm Khao.

  Giờ học ngoại khóa của cô, trò Trường PTDTBTTHCS xã Nậm Khao.

Với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm "ươm mầm" nơi đất khó, các thầy, cô giáo không ngại khó khăn, ngại khổ, bất đồng ngôn ngữ về bản, đến từng gia đình, thậm chí tìm đến lán nương tuyên truyền, vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con em đến trường. Trong những trường hợp đặc biệt, có thể cùng ăn, cùng ở, cùng làm với gia đình học sinh để các em sớm được quay lại lớp, thậm chí giáo viên còn mang theo giáo án tranh thủ dạy học để các em không quên kiến thức. Thầy giáo Trần Văn Sơn - Hiệu trường Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú trung học cơ sở (PTDTBTTHCS) xã Nậm Khao chia sẻ: Thương hoàn cảnh của các em, chúng tôi còn quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ phụ huynh ngày công lao động, mua đồ dùng học tập, đưa đón học sinh đến trường. Làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền từ xã đến bản trong huy động học sinh ra lớp.

Mưa dầm thấm lâu, Nhân dân trong xã đã chủ động đưa con em ra lớp học; phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục các em. Đảm bảo các em "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", nhất là học sinh bán trú yên tâm sinh hoạt tại trường, các nhà trường chỉ đạo giáo viên đổi mới phương thức giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin giúp bài giảng sinh động, dễ hiểu. Tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, thể thao, văn nghệ; tăng cường kèm cặp, dạy phụ đạo cho học sinh yếu ngoài giờ học chính khóa. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm gần gũi, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư của học sinh để kịp thời báo cáo ban giám hiệu có biện pháp can thiệp nếu có nguy cơ nghỉ học hoặc bất ổn về tâm lý... Công tác bán trú được chú trọng đảm bảo học sinh được ăn, ở đảm bảo theo quy định. Nâng cao chất lượng bữa ăn, các nhà trường tận dụng không gian khuôn viên để trống trồng rau xanh, chăn nuôi. 

Em Lò Thị Huyền - học sinh lớp 7, Trường PTDTBTTHCS Nậm Khao tâm sự: Nhà nghèo nhưng được thầy, cô vận động, bố mẹ tạo điều kiện cho đến trường, em vui lắm. Các thầy, cô ân cần dạy em kiến thức và động viên cố gắng học tập để sau này thành người có ích cho xã hội. Em luôn cố gắng học tập thật tốt và 6 năm liền đạt học sinh khá, giỏi.

Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cũng được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Theo đó, cán bộ, giáo viên thường xuyên được cử đi tập huấn nghiệp vụ. Hàng tháng, các tổ chuyên môn tổ chức dự giờ để kiểm tra, đánh giá năng lực. Trường đang cố gắng đạt chuẩn mức độ 2 trong thời gian sớm nhất.

Năm học 2020-2021, xã Nậm Khao có 25 lớp, 56 cán bộ quản lý, giáo viên, 528 học sinh (140 học sinh bán trú) ở 3 bậc học. Hiện, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 97%. Tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nhân dân trên địa bàn, sự nghiệp giáo dục của Nậm Khao sẽ ngày càng khởi sắc.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...