Thứ sáu, 26/04/2024, 16:43 [GMT+7]

Dạy tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số

Thứ hai, 13/09/2021 - 10:04'
Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn I (2016-2020), Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học Huổi Luông (huyện Phong Thổ) tích cực dạy tiếng Việt cho học sinh. Đây là bí quyết giúp học sinh trong trường mạnh dạn khi giao tiếp và học tập hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Huổi Luông được sáp nhập từ hai trường: PTDT bán trú Tiểu học số 1 và PTDT bán trú Tiểu học số 2 từ tháng 8/2019. Trường có 1 điểm trường chính và 12 điểm trường lẻ với tổng số 35 lớp, 885 học sinh (98% là đồng bào dân tộc thiểu số). Thực hiện nhiệm vụ giáo dục trên xã vùng biên giới, xa trung tâm huyện, nhà trường gặp phải không ít khó khăn, trong đó có việc các em học sinh nói tiếng phổ thông chưa thạo, khả năng giao tiếp khá khiêm tốn. Nhiều em nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp, dẫn đến chưa mạnh dạn trao đổi bài trên lớp. Trước thực tế đó, nhà trường tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc.

Cô và trò trong giờ học viết chính tả lớp 3, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Huổi Luông (huyện Phong Thổ).

Thầy giáo Đặng Công Sáu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Xác định tiếng Việt có vai trò quan trọng, thời gian qua, nhà trường đã chỉ đạo việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tăng số buổi trong tuần với tất cả các khối lớp để học sinh có nhiều cơ hội cũng như thời gian giao tiếp bằng tiếng phổ thông với thầy cô, bạn bè. Nhà trường yêu cầu tổng Phụ trách đội, giáo viên chủ nhiệm các lớp tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đội ngũ giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học tiếng Việt với tư cách dạy ngôn ngữ thứ 2, tăng thời gian luyện nói cho học sinh”.

Đối với các tổ, khối, nhà trường chỉ đạo đưa ra các giải pháp đồng bộ các vấn đề, tình huống cụ thể của từng khối lớp trong công tác giảng dạy. Phân công tổ trưởng, tổ phó chuyên môn chịu trách nhiệm việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh tại khối lớp mình. Mỗi giáo viên có kế hoạch cụ thể về chương trình soạn giảng, giờ dạy học, đảm bảo nội dung tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Hình thức dạy học theo hướng phân hóa các đối tượng, bám sát đối tượng, phù hợp và phát huy được tính tích cực của nhiều học sinh trong cùng 1 lớp.

Bên cạnh đó, nhà trường khuyến khích giáo viên tự học tiếng dân tộc để phục vụ công tác giảng dạy; tăng cường làm đồ dùng dạy học và sử dụng đồ dùng tự làm, các đồ dùng có sẵn tại địa phương, đồ dùng được cấp phát hợp lý, tạo hứng thú cho học sinh. Qua đó, làm cho học sinh nhận thấy học tiếng Việt là có ích và thật sự cần thiết, khơi dậy niềm đam mê học tập của các em. Tính đến hết năm học 2020-2021, 100% học sinh trong trường biết giao tiếp bằng tiếng Việt, nhất là học sinh khối 1 có khả năng nói tiếng Việt thành thạo. Năm học mới 2021-2022 này, việc dạy tiếng Việt cho các em học sinh cũng được đẩy mạnh ngay từ đầu.

Đến thăm các lớp khối 1, 2, 3 đúng vào giờ học, từ xa chúng tôi đã nghe thấy tiếng thầy, cô giáo giảng bài, xen lẫn vào đó là tiếng các em học sinh hăng hái phát biểu ý kiến, tạo nên không khí học tập sôi nổi. Dừng chân trước lớp 3A2 - nơi cô giáo Điêu Thị Thực cùng 36 học sinh đang trong giờ học chính tả, tôi có chút lắng lòng khi hồi tưởng lại ngày còn nhỏ ngồi trên ghế nhà trường. Giọng cô Thực ấm áp, lúc trầm, lúc bổng đọc rõ từng nội dung bài: “Quà của đồng nội” để học sinh nghe, viết. Cùng với khuôn mặt ngây thơ, ánh mắt hồn nhiên của các em là những chữ viết gọn gàng, đều và đẹp, không kém gì học sinh vùng thuận lợi.

Theo lời chia sẻ của cô giáo Thực, học sinh trong lớp thuộc các dân tộc: Hà Nhì, Mông và Dao. Để các em có thể nói tốt tiếng Việt, cô giáo tăng cường dạy trong các tiết: tập đọc, tập viết, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn. Dạy trên lớp chưa đủ, khi sinh hoạt hay gặp gỡ các em ở ngoài cô giáo cũng sử dụng tiếng Việt. Với mỗi đợt thi đua chào mừng các ngày lễ lớn, cô giáo đều lồng ghép việc dạy tiếng Việt. Giờ đây, các em học sinh trong lớp lựa chọn nói tiếng Việt thường xuyên, tự tin giao tiếp với mọi người xung quanh.

Em Chu Dô Hôi, học sinh lớp 3A2 bộc bạch: “Trước đây, ở nhà em hay giao tiếp với bố mẹ và mọi người trong bản bằng tiếng dân tộc Hà Nhì. Khi đến lớp, em ít biết tiếng phổ thông nên ngại giao tiếp, việc học gặp khó khăn. Từ khi được các thầy cô giảng dạy tiếng Việt, cho giao tiếp nhiều bằng tiếng Việt thì vốn từ của em phong phú hơn. Giờ em có thể nói, viết bằng tiếng Việt, việc học hiệu quả”.

Dạy tiếng Việt hiệu quả, chất lượng các mặt giáo dục của nhà trường dần nâng cao. Nhiều năm liền trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và tập thể lao động tiên tiến, được UBND huyện tặng Giấy khen. Riêng năm học 2020-2021, nhà trường duy trì sỹ số 100%; 100% học sinh xếp loại hoàn thành, hoàn thành tốt về phẩm chất, năng lực (trong đó hoàn thành tốt chiếm 31%). 149/149 học sinh khối 5 hoàn thành chương trình tiểu học.

Ghi nhận kết quả đó, tháng 11/2020, nhà trường vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn I (2016-2020).

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...