Thứ sáu, 26/04/2024, 20:52 [GMT+7]

Hiệu quả công tác dạy nghề ở Tả Ngảo

Thứ bảy, 25/04/2020 - 10:14'
(BLC) - Những năm gần đây, xã Tả Ngảo (Sìn Hồ) thực hiện tốt các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động và ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động. Chính sách về lao động và việc làm được triển khai đúng ý Đảng, lòng dân, tạo động lực để Tả Ngảo vững bước phát triển.

Đoàn công tác của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện UBND huyện Sìn Hồ thăm mô hình trồng cây đương quy tại bản Thà Giàng Chải (Tả Ngảo, Sìn Hồ).

Đoàn công tác của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện UBND huyện Sìn Hồ thăm mô hình trồng cây đương quy tại bản Thà Giàng Chải (Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ).

Để việc dạy nghề được triển khai hiệu quả, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền nơi đây đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn huyện, tỉnh tổ chức các đợt hướng nghiệp. Chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được triển tại các cuộc họp bản để bà con dân bản cùng nắm bắt. Trong quá trình triển khai, công tác rà soát, lập nhu cầu, xây dựng kế hoạch, tuyển sinh và đào tạo nghề được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo các nghề được đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn.

Trao đổi với ông Vừ A Thề - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Ngảo, chúng tôi được biết: Từ năm 2016 đến nay, UBND xã đã phối hợp tổ chức được 9 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 267 học viên. Các lớp được mở tập trung vào một số ngành nghề: sửa chữa máy nông cụ, sửa chữa xe máy, trồng cây dược liệu, cây ăn quả, thú y. Phần lớn các lớp đều được tổ chức theo hình thức đào tạo ngắn hạn, dưới 3 tháng, quá trình học tập, chú trọng hướng dẫn thực hành. Qua đào tạo nghề đã tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong xã một cách mạnh mẽ. Đa số người học nghề sau khi đào tạo biết cách tiếp cận, vận dụng kiến thức, kỹ thuật mới vào sản xuất.

Anh Giàng A Súa (bản Thà Giàng Chải, xã Tả Ngảo) may mắn được tham gia lớp dạy nghề trồng dược liệu. Với những kiến thức nắm bắt được qua đợt học nghề, anh đã cải tạo khu vườn tạp của gia đình để trồng cây đương quy. Hiệu quả kinh tế thấy rõ, giờ đây anh mở rộng sản xuất chuyển đổi những nương lúa, ngô sang trồng dược liệu để phát triển kinh tế gia đình. Bằng những kiến thức được học qua các lớp dạy nghề ngắn hạn, bà con dân bản Nậm Khăm, Lao Lử Đề, Ka Sin Chảo vận dụng khá hiệu quả trong chăm sóc, mở rộng diện tích cây ăn quả ôn đới và trồng chè thương phẩm, tạo bước đà thuận lợi để Tả Ngảo hình thành vùng sản xuất tập trung, cung cấp sản phẩm ra thị trường, nâng cao giá trị nông sản.

Cùng với việc mở các lớp dạy nghề nông nghiệp, theo nhu cầu học nghề của bà con dân bản, Tả Ngảo cũng triển khai một số lớp dạy nghề phi nông nghiệp, chủ yếu đào tạo các nghề sửa chữa máy nông cụ, điện, hàn. Dẫu chưa mở được các cửa hàng sửa chữa, kinh doanh máy nông cụ, nhưng vận dụng những kiến thức được học giúp học viên có thể tự thay thế, sửa chữa khi máy cày, máy tuốt, máy xay sát của gia đình có sự cố. Anh Giàng A Phùa (bản Lao Lử Đề, Tả Ngảo) chia sẻ, hiện nay việc việc áp dụng máy nông nghiệp vào sản xuất đã trở nên đại trà. Từ làm đất tới thu hoạch, xay xát bà con đều dùng máy, giảm sức lao động mà hiệu suất công việc cao hơn.

Thông qua các đợt đào tạo nghề, được hướng nghiệp một số lao động của Tả Ngảo đã có việc làm, thu nhập ổn định tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi năm có 50 – 70 lao động của xã có việc làm ổn định. Qua đó cho thấy, tỷ lệ người có việc làm ổn định sau đào tạo ngắn hạn chưa cao, phần lớn chỉ áp dụng vào sản xuất tại chỗ. Để giải quyết vấn đề lao động và việc làm, thời gian tới UBND xã tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cùng các cơ quan chuyên môn tiếp tục khảo sát, đào tạo và liên kết với đơn vị tuyển dụng lao động để nâng cao hiệu quả xúc tiến hướng nghiệp, giới thiệu việc làm.

Vẫn còn một số khó khăn, nhưng nhìn chung công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm ở Tả Ngảo đã có những kết quả đáng ghi nhận. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn cần thêm nữa sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc sát sao của các cơ quan chuyên môn để chính những người nông dân trở thành động lực của sự phát triển cho miền quê này.

Bùi Chiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...