Thứ sáu, 26/04/2024, 14:16 [GMT+7]
Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15/4-15/5/2021)

Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm

Thứ tư, 05/05/2021 - 15:20'
Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (gọi tắt là Chỉ thị 08), thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP được quan tâm, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm nhiều so với trước.

Cuối năm 2019, ở bản Ma Sao Phìn Thấp (xã Khun Há, huyện Tam Đường) xảy ra vụ nghi bị ngộ độc thực phẩm, có 124 người có biểu hiện nôn ói, chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy… 32 người phải nhập viện điều trị. Trong đó, có 28 người điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, 4 người được theo dõi, xử lý tại Trạm Y tế xã, số người còn lại được Trung tâm Y tế huyện kê đơn điều trị tại nhà. Tuy vụ việc không có người tử vong nhưng số lượng người mắc nhiều, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Anh Sùng A Viễn - Bí thư Chi bộ bản Ma Sao Phìn Thấp nhớ lại: Đám cưới hôm đó tôi cũng dự nhưng không bị làm sao, số người bị ngộ độc ngày hôm đó chủ yếu là bà con trong bản. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm đầu tiên xảy ra tại bản và khiến không ít người dân sợ hãi và hoang mang. Từ đó, tôi luôn nhắc nhở, tuyên truyền bà con chọn những thực phẩm tươi sạch và đảm bảo khâu chế biến “ăn chín, uống sôi”.

Cán bộ nhắc nhở người dân bản Ma Sao Phìn Thấp (xã Khun Há, huyện Tam Đường) nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm.

Cán bộ nhắc nhở người dân bản Ma Sao Phìn Thấp (xã Khun Há, huyện Tam Đường) nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm.

Ngành Y tế với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, ngành kịp thời tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh và hướng dẫn UBND các cấp kiện toàn Ban Chỉ đạo để phù hợp với tình hình thực tế từng giai đoạn và thời điểm. Đến nay, 100% Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP từ cấp tỉnh đến xã được kiện toàn và duy trì hoạt động. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Tiến Thanh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngành Y tế kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Liên ngành ATTP tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tuyến dưới triển khai công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Theo đó, thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATTP được chú trọng và đa dạng hóa dưới nhiều hình thức. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về ATTP. Từ năm 2017 đến nay, Đội kiểm tra liên ngành tỉnh tiến hành kiểm tra 18.558/21.533 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có 16.122 cơ sở đảm bảo ATTP đạt 87%, 26 cơ sở bị đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, công tác giải quyết thủ tục hành chính được các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP thuộc ngành Y tế giải quyết đúng trình tự, thủ tục và kịp thời cho các tổ chức, công dân. 100% thủ tục hành chính được giải quyết đúng thời gian theo quy định.
Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ ngộ độc liên quan đến thực phẩm với 224 người bị mắc làm 10 người tử vong. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, các vụ ngộ độc trên địa bàn tỉnh hầu hết do người dân thu hái, đánh bắt từ rừng, núi các động thực vật độc như: nấm độc, côn trùng lạ độc, hoa chuông, rau dại, quả lạ… Do đó, còn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Ngoài yếu tố khách quan, còn do nguyên nhân từ nhận thức của người dân và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo ATTP, đặc biệt cho người dân vùng sâu, vùng xa, ngành Y tế sẽ nỗ lực cùng với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp tới người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động, thực vật (nấm độc, côn trùng lạ…). Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn có nhiều khó khăn vì đang là thời điểm bước vào mùa hè, thời tiết nắng nóng làm thức ăn nhanh phân hủy, nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, virus phát triển. Do đó, đảm bảo ATTP khi thời tiết nắng nóng cần được triển khai thực hiện.
Theo ông Bùi Tiến Thanh, muốn đảm bảo vệ sinh ATTP cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, cơ quan quản lý Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP. Triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về ATTP, từ đó giúp thay đổi hành vi của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước.
Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ có thể được giải quyết tốt nếu có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Sự đồng lòng thực hiện tốt các giải pháp sẽ góp phần nói không với ngộ độc thực phẩm.

Đức Bình

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...