Thứ tư, 18/09/2024, 05:52 [GMT+7]

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025

Thứ ba, 08/12/2020 - 09:52'
Từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 10 năm 2020, tại thành phố Lai Châu, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức trọng thể, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển.

QUYẾT NGHỊ

I- Tán thành nội dung Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, với những nội dung cơ bản sau:

1. Về kiểm điểm kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020

5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn thách thức, với tư tưởng chỉ đạo là “Hành động, kỷ cương, hiệu quả”, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, các chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đều đạt và vượt, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục phát triển trong những năm tới. Kinh tế phát triển nhanh và khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,55%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015. Văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên; giảm nghèo nhanh, bình quân 4,75%/năm, năm 2020 còn 16,49%, có 2 huyện được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018-2020; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; chính trị xã hội ổn định. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên; truyền thống đoàn kết của đảng bộ và Nhân dân các dân tộc được củng cố, phát huy. Nhiều chỉ tiêu phát triển đạt mức trung bình so với các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc.

Những hạn chế chủ yếu đó là: Quy mô phát triển kinh tế còn nhỏ; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng nông thôn. Chất lượng giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, phát triển chưa đều, chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp. Đời sống Nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo, cận nghèo còn cao, giảm nghèo một số nơi chưa bền vững. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế. Kỷ cương, kỷ luật ở một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị chưa nghiêm. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền một số nơi chưa toàn diện. Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội một số mặt còn hạn chế.

Nguyên nhân kết quả: Các cấp ủy đảng kịp thời quán triệt, triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và các nghị quyết của Trung ương sát với yêu cầu thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đảng, Nhà nước chú trọng tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng miền núi. Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo nguồn lực thực hiện các chủ trương, nghị quyết, đề án, chính sách; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; các cấp ủy đảng; chính quyền, đoàn thể thống nhất ý chí và hành động, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp.

Nguyên nhân hạn chế: Có nguyên nhân khách quan về những khó khăn vốn có của tỉnh miền núi, biên giới; nguồn lực đầu tư và điều kiện phát triển thấp kém; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đồng bộ; các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, kích động, chia rẽ đoàn kết các dân tộc. Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đó là: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đáp ứng yêu cầu, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền một số nơi chưa quyết liệt. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có việc chưa chặt chẽ. Trình độ, năng lực, trách nhiệm gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân chưa thật sự nỗ lực vươn lên.

* Một số kinh nghiệm

Một là, giữ vững đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, từng cấp ủy, thấm nhuần quan điểm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phải đặc biệt chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh. Tăng cường năng lực, bản lĩnh chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phải toàn diện, sâu sát, quyết liệt; chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Hai là, kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sát với thực tiễn. Chủ động nắm, dự báo đúng tình hình, xử lý những vấn đề nảy sinh, không để bị động, bất ngờ. Kịp thời phát hiện những vấn đề mới, bất cập để điều chỉnh, bổ sung và có giải pháp phù hợp.

Ba là, coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, kế thừa những bài học kinh nghiệm sau 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 15 năm xây dựng tỉnh Lai Châu và kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý qua các nhiệm kỳ, đồng thời có tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định.

Bốn là, chú trọng đánh giá đúng nguồn lực, động lực phát triển và phát huy mạnh mẽ nguồn lực toàn xã hội, nhất là nguồn lực trong Nhân dân và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Quan tâm phát triển hài hòa lợi ích của các tầng lớp trong xã hội, các dân tộc, địa bàn đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội thuận lợi cho Nhân dân vươn lên.

Năm là, quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ người dân tộc; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ.

Những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và một số kinh nghiệm nêu trên đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang nêu cao ý thức thẳng thắn tự soi, tự sửa, khắc phục nghiêm túc, hiệu quả trong nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Quan điểm chỉ đạo; mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025

2.1. Quan điểm chỉ đạo

(1) Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quán triệt thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời cụ thể hóa, tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ 2015-2020.

(2) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó mật thiết với Nhân dân, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, gương mẫu, có uy tín cao với Nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

(3) Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Lấy phát triển kinh tế nông nghiệp là trung tâm lan tỏa, thúc đẩy công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Phát triển hài hòa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

2.2. Mục tiêu tổng quát: Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Tiếp tục phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng. Nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và chất lượng dân số; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc tốt đẹp của các dân tộc để xây dựng con người phát triển toàn diện; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước.

2.3. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

* Các chỉ tiêu về kinh tế:

(1) Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9-10%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 12,44%; công nghiệp, xây dựng 42,42%; dịch vụ 36,43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 8,71%.

(2) Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt trên 5%/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 226.000 tấn; diện tích cây chè 10.000 ha, trồng mới 2.400 ha; tăng trưởng đàn gia súc trên 5%/năm. 57,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 15 tiêu chí, 02 huyện nông thôn mới (Tam Đường, Than Uyên). Tỷ lệ che phủ rừng 54%.

(3) Thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.000 tỷ đồng.

(4) Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trung bình 11,5%/năm, trong đó xuất khẩu hàng địa phương tăng bình quân 10%/năm. Tổng lượt khách du lịch tăng bình quân 20%/năm.

(5) 100% số thôn, bản có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi; 97% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. 100% trường học và trạm y tế xã được xây dựng kiên cố. Trên 93% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 99% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung.

* Các chỉ tiêu về văn hóa, xã hội:

(6) Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2 trở lên và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 1 trở lên. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường: Mẫu giáo đạt 98%, Tiểu học đạt 99,8%, Trung học cơ sở đạt 95%, Trung học phổ thông đạt 60% trở lên. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 66%.

(7) 70% dân số được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử; 13 bác sỹ/1vạn dân; mức giảm tỷ suất sinh 0,4‰/năm; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%, thể thấp còi xuống 20%.

(8) Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, riêng huyện nghèo giảm 4%/năm; giải quyết việc làm cho 8.500 lao động/năm; đào tạo nghề cho 8.000 lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%.

(9) 80% thôn, bản, khu dân cư có nhà văn hóa; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; 86% hộ gia đình, 75% thôn, bản, khu phố, 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa.

* Chỉ tiêu về môi trường:

(10) Trên 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý, 75% số xã, phường, thị trấn tại các huyện, thành phố được thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

* Chỉ tiêu về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị:

(11) Trên 80% đảng bộ trực thuộc tỉnh, 90% trở lên tổ chức cơ sở đảng, 90% trở lên đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; hằng năm kết nạp từ 1.000 đảng viên trở lên. Trên 80% tổ chức chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở đạt từ khá trở lên.

2.4. Chương trình trọng điểm, nhiệm vụ đột phá

* Chương trình trọng điểm

(1) Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung.

(2) Chương trình phát triển rừng bền vững.

(3) Chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

(4) Chương trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã.

* Nhiệm vụ đột phá

(1) Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chú trọng các công trình giao thông huyết mạch kết nối trong tỉnh và các tỉnh khu vực.

(2) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút doanh nghiệp, chú trọng phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã tại địa phương; tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào quản trị và sản xuất.

(3) Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế. Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

(4) Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung tạo sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản có giá trị, hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước và xuất khẩu.

2.5. Nhiệm vụ trọng tâm

(1) Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm vào cơ cấu sản phẩm có ưu thế, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”; ổn định vùng cao su hiện có, khi có điều kiện đề nghị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư mở rộng theo kế hoạch; mở rộng vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng mới 4.000 ha cây mắc ca, 5.000 ha cây quế, 1.600 ha cây ăn quả; hình thành phát triển vùng dược liệu,...; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp, trang trại, gia trại và nuôi trồng thủy sản; bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất trên 10.000 ha. Đẩy mạnh phát triển rừng cây phân tán, tập trung ưu tiên nguồn lực cao nhất để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Quan tâm phát triển mở rộng quy mô các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đồng thời xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp, mở rộng sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung vào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định, nâng cao đời sống vùng đồng bào tái định cư các công trình thủy điện, vùng thiên tai, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

(2) Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, ngân hàng; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Phát huy hiệu quả nguồn lực tài chính, ngân hàng; tăng cường các biện pháp thu ngân sách, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Đẩy nhanh phát triển công nghiệp thủy điện vừa và nhỏ, phấn đấu nâng tổng công suất lắp máy các dự án điện đạt trên 3.200 MW, hoàn thành hệ thống lưới điện truyền tải cao thế 220 KV, 110 KV. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản hàng hóa, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu, chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, nhất là xuất khẩu các mặt hàng của địa phương. Khai thác tiềm năng phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng. Chú trọng phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, kinh tế hộ, phấn đấu đạt 3.000 doanh nghiệp và hợp tác xã. Thực hiện hiệu quả định hướng phát triển các vùng kinh tế, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển của từng vùng.

(3) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng, các công trình động lực cho quá trình phát triển, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông; phối hợp Bộ Giao thông - Vận tải đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nâng cấp hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện. Đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là phát triển hệ thống giao thông nông thôn, liên xã, liên bản. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng điện nông thôn, nước sinh hoạt, thủy lợi, hạ tầng vùng sản xuất, hạ tầng văn hóa - xã hội ở cơ sở. Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, nông thôn.

(4) Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ. Tập trung thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung các mục tiêu phát triển bền vững giáo dục, đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn, tâm huyết, trách nhiệm cao. Giữ vững và nâng cao chất lượng đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh; đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nhất là các dịch vụ kỹ thuật cao; chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, từng bước thực hiện được vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng dân số, giảm nhanh tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn cao, tài năng trẻ trên tất cả các lĩnh vực.

(5) Chú trọng phát triển văn hóa, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Phát triển văn hóa đi đôi với tăng trưởng kinh tế; chú trọng xây dựng, phát huy truyền thống yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo của Nhân dân các dân tộc Lai Châu. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, phát triển văn hóa gắn với du lịch. Xây dựng đời sống văn hóa văn minh, tiến bộ; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, chú trọng phát triển văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng. Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền, phát thanh, truyền hình; phát triển, phổ cập Internet băng rộng và điện thoại đến vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh. Tập trung giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, trọng tâm vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.

(6) Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường ở các cấp. Chú trọng bảo vệ rừng hiện có, phục hồi, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng sản xuất gắn với bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

(7) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng, phát triển quan hệ đối ngoại. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh, củng cố “thế trận lòng dân”. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền biên giới quốc gia. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và ba tỉnh phía Bắc, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, các đại sứ quán.

(8) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giữ vững trật tự kỷ cương, pháp luật, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch trong quản lý nhà nước và thu hút đầu tư.

(9) Phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết các dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Xây dựng, củng cố tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh; phối hợp chặt chẽ, thống nhất hành động, hướng về cơ sở, sâu sát với Nhân dân, đoàn viên, hội viên, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Xây dựng các phong trào thi đua, các cuộc vận động bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương, cơ sở. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Phát huy truyền thống đoàn kết, lấy đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên làm nền tảng để xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc.

(10) Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng; công tác tổ chức cán bộ, vai trò hạt nhân của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ; nâng cao chất lượng quy hoạch, luân chuyển, tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng kết nạp đảng viên. Tăng cường công tác dân vận của hệ thống chính trị theo phương châm “Gần dân, sát dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân”; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Thực hiện tốt công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng. Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

2.6. Những giải pháp trọng tâm

(1) Các cấp ủy, tổ chức đảng kịp thời tổ chức quán triệt, học tập và quyết liệt triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội và đảm bảo nguồn lực để tổ chức thực hiện. Tổng kết các nghị quyết, đề án nhiệm kỳ 2015-2020, xem xét kết luận tiếp tục thực hiện cho giai đoạn 2020-2025. Rà soát, xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát huy nguồn lực, tiềm năng lợi thế, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

(2) Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, gương mẫu, kỷ cương, hiệu quả; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo trong cộng đồng, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

(3) Xây dựng, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm, hằng năm. Tập trung nguồn lực cao nhất, cơ chế, chính sách tạo động lực tốt nhất cho phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển. Tăng cường phối hợp với các tỉnh trong khu vực, các tỉnh biên giới trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

(4) Chú trọng khai thác hiệu quả lợi thế kinh tế biên mậu cửa khẩu, nắm bắt cơ hội thị trường, thúc đẩy phát triển hàng hóa có lợi thế ổn định, bền vững; đẩy mạnh quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả hợp tác hữu nghị, ổn định với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên các mặt kinh tế, thương mại, du lịch, văn hóa, quốc phòng, an ninh.

(5) Thực hiện đồng bộ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua rộng khắp trên các lĩnh vực, chú trọng phong trào thi đua trong lao động sản xuất của Nhân dân, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

(6) Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tăng cường trách nhiệm tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nhất là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Đại hội và các nghị quyết, đề án. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng.

II- Thông qua Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV cần tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

III- Thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức đảng các cấp và Nhân dân đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đại hội, bổ sung, hoàn chỉnh văn bản báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

IV- Cho ý kiến vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

V- Thông qua kết quả bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ về kết quả bầu cử, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ban đảng Trung ương chuẩn y theo quy định.

VI- Giao Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV, trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và ý kiến chỉ đạo của Trung ương, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác để đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn cuộc sống.

Các huyện uỷ, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.

Đại hội kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết và ý chí tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nậm Nhùn khó đạt chỉ tiêu trồng rừng
Năm 2024, huyện Nậm Nhùn được giao chỉ tiêu kế hoạch trồng 325ha rừng, trong đó trồng rừng phòng hộ 50ha và rừng sản xuất 275ha. Theo kế hoạch, việc triển khai trồng rừng sẽ được hoàn thành trước...
Thư, điện, thông điệp thăm hỏi Việt Nam về ảnh hưởng của cơn bão số 3
Bày tỏ tình đoàn kết và sẻ chia với Việt Nam về những thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, lãnh đạo các nước trên thế giới tiếp tục gửi thư, điện, thông điệp tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô...
Nữ y sỹ nhiệt tình với công việc
Với tấm lòng tận tâm vì sức khỏe của nhân dân, y sỹ Đỗ Thị Kiều (Trạm Y tế xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) luôn tận tụy hết mình với công việc, được bà con trên địa bàn tin yêu.
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.