Thứ bảy, 27/04/2024, 11:57 [GMT+7]

Thấy gì qua vụ đắm đò ở huyện Mường Tè?

Thứ hai, 08/08/2011 - 10:41'
>> tìm thấy thi thể nạn nhân Lù A Chớ(BLC) – Sông Đà vẫn cuồn cuộn cuốn đi hy vọng về những người sống sót. Bù vào đó là nỗi đau đến tột cùng của những người còn lại trong gia đình bất hạnh…

Vậy là đến ngày 7/8, 5 nạn nhân xấu số của vụ đắm đò trước đó ba ngày xảy ra ở huyện Mường Tè mới chỉ tìm thấy thi thể của 2 người là chị Lù Thị Chu (20 tuổi) và cháu Lù A Chớ (7 tuổi) cùng trú tại bản Hua Ít, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên. Các lực lượng chức năng vẫn đang túc trực dọc bờ sông Đà mong sớm tìm thấy những người đang mất tích.

Các chuyến đò tự phát thường không có áo phao hay các phương tiện an toàn khác.

Trong tâm thức của người dân bản địa sống dọc bờ sông Đà, đây là nơi ngự trị của một vị thần hào phóng mà khó tính. Nhiều người sống nhờ sông Đà và cũng nhiều người chết vì sông Đà. Đồng bào sống dọc sông vẫn truyền nhau câu nói như để răn đe: “Năm nào ít nhất cũng phải nạp một mạng người”. Có thể năm nay vị thần ấy khó tính hơn!

Qua vụ việc ta có thể thấy việc quản lý các phương tiện giao thông đường thuỷ trên địa bàn tỉnh ta là vấn đề phải bàn. Dọc sông Đà, trên địa bàn huyện Mường Tè đến nay vẫn chưa có con số cụ thể về số thuyền, suồng. Thuyền là phương tiện tất yếu phục vụ cuộc sống và giao thông của người dân sống dọc sông Đà. Còn kinh nghiệm sông nước thì cha truyền con nối nên đồng bào ven sông khá thành thạo nghề sông nước. Có lẽ cũng bởi lý do đó mà chuyện lái thuyền, bè không có giấy phép là thường thấy.

Ở đây người ta coi việc đi lại trên sông nước rất bình thường và ai biết bơi, biết chèo là có thể ra sông. Song sông Đà lại không chấp nhận như vậy. Những vụ đắm đò, lật thuyền trên sông hầu như năm nào cũng có và khó quản lý hết, chỉ khác là năm nay thiệt hại về người nghiêm trọng.

Lái đò Lưu Hiểu Dũng mới 15 tuổi (chưa đến tuổi vị thành niên) đương nhiên là vi phạm nghiêm trọng về Luật Giao thông đường thuỷ nội địa khi điều khiển phương tiện thuỷ nội địa mà không đủ điều kiện đảm bảo an toàn và chưa được phép điều khiển phương tiện này. Nhưng với các nhà quản lý thì trách nhiệm cũng có phần liên đới.

Cha của Lưu Hiểu Dũng là ông Lưu Sủi Mằn đã bị bắt từ ngày 16/5/2011, như vậy việc Dũng dùng thuyền để kiếm tiền dẫn đến tai nạn không phải là lần đầu. Tuy nhiên sự tuyên truyền giáo dục của chính quyền địa phương đối với một gia đình đặc biệt (trụ cột gia đình mới bị bắt vì tội buôn bán ma tuý) dường như không được quan tâm đúng mức. Cho đến khi vụ việc xảy ra, việc bắt giữ là cần thiết nhưng với gia đình nạn nhân đó là hành động quá muộn! 

Trường hợp của Lưu Hiểu Dũng như giọt nước làm tràn ly khiến ta phải đặt câu hỏi hiện nay dọc sông Đà trên địa phận huyện Mường Tè có bao nhiều tầu, thuyền đủ điều kiện hoạt động và đủ điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách? Ông Phạm Tuấn Anh – Trưởng phòng Công thương huyện cho biết: Đã có nhiều người đăng ký học, tập huấn về an toàn, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa; nhiều người đã được cấp chứng chỉ thuyền trưởng, thuyền viên. Song không phải tất cả các lái tầu, thuyền trên địa bàn đều như vậy.

Sự thiếu sự quản lý giám sát của lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ mặc nhiên khiến người dân chấp hành luật không nghiêm chỉnh vì chế tài xử lý, quản lý ít được thực thi. Giao thông đường thuỷ không chỉ trên đoạn sông này mà trên cả tỉnh Lai Châu dường như đang được thả nổi.

Sự chủ quan của người dân cũng là điều đáng nói. Đối với Lưu Hiểu Dũng, sự chủ quan dẫn tới phạm tội là rõ ràng. Song với gia đình nạn nhân cũng có phần chủ quan. Theo lãnh đạo chính quyền địa phương thì gia đình anh Lù A Minh có thể đã không gặp tai nạn nếu đi theo đường bộ, qua cầu Km43. Có lẽ vì không muốn mất thời gian, gia đình anh đã chọn vượt sông bằng cách nguy hiểm này. Chưa hết, nếu gia đình anh không lên thuyền do một cậu thiếu niên điều khiển thì có lẽ gia đình anh đã may mắn hơn. Nếu trên thuyền có áo phao thì thiệt hại có thể sẽ không lớn…

Sông Đà sẽ vẫn là con sông hung dữ bậc nhất Việt Nam dù con người đã bắt nó mang sức mạnh phục vụ con người. Và, thuyền bè cũng sẽ mãi là phương tiện không thể thiếu của người dân sống ven sông. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại đáng tiếc thì việc quản lý, kiểm soát các hoạt động trên sông là cần thiết. Nếu điều đó được thực hiện tốt thì đã không có vụ việc đáng tiếc vừa qua.

Văn Khánh Vinh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...