Thứ tư, 08/05/2024, 06:25 [GMT+7]

Đa dạng hình thức phát triển kinh tế

Thứ sáu, 26/04/2024 - 22:31'
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển kinh tế hiệu quả và làm thay đổi diện mạo địa phương.

Gắn bó với rừng

Sinh ra và lớn lên tại huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), năm 2006 anh Oanh rời quê hương lên lập nghiệp tại thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ). Vốn tính chăm chỉ, chịu khó, thích trồng trọt, lúc đầu anh mua đất nương của bà con địa phương để trồng các loại hoa màu kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2008, thấy diện tích đất rừng gần nhà xanh tốt nhưng vẫn xảy ra tình trạng người dân lấy cây rừng về làm củi, anh chủ động trao đổi với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và nhận trông coi rừng với mức hỗ trợ rất thấp.

Anh Oanh (thứ 2 từ trái sang) cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ và các thành viên trong HTX tuần tra bảo vệ rừng.

Anh Oanh (thứ 2 từ trái sang) cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ và các thành viên trong HTX tuần tra bảo vệ rừng.

Anh Oanh chia sẻ: “Lúc đó mức hỗ trợ rất thấp, gần như không có gì, trong khi diện tích rừng lớn (297,5ha) bao gồm cả rừng tự nhiên, rừng trồng, đất chưa thành rừng, việc trông coi không hề đơn giản. Tuy nhiên, hiểu rừng có vai trò quan trọng trong cuộc sống, không chỉ giúp giữ đất, giữ nước mà còn điều hòa không khí, chống xói mòn, sạt lở… tôi cố gắng dành thời gian trong 1 ngày (sau những lúc làm nương) thì đi tuần tra, kiểm tra hiện trạng rừng. Tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở để người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, cùng chung tay nâng cao tỷ lệ che phủ rừng”.

Năm 2012 khi có chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, gia đình anh Oanh được hỗ trợ tiền trông coi nhiều hơn, tạo động lực để gắn bó thêm với rừng. Đến năm 2014 anh Oanh đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Xuân Oanh do anh làm Giám đốc với tổng số 10 thành viên, vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng. HTX đăng ký ngành nghề kinh doanh: trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng; chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Hoạt động trong tập thể một cách bài bản hơn, có sự tham gia của nhiều thành viên, công việc càng trở nên hiệu quả. Diện tích rừng được các hộ là thành viên HTX thay phiên nhau chăm sóc, trông coi cẩn thận. Vào mùa hanh khô, các thành viên tuần tra, canh gác, phát thực bì dưới tán rừng, đảm bảo không để xảy ra cháy rừng, cháy thảm cỏ. Hiện nay 160ha rừng của HTX trông coi (diện tích còn lại đã chuyển cho người dân khác bảo vệ) được bảo vệ tốt. Hằng năm HTX được chi trả trên 100 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Đẩy mạnh chăn nuôi

Bên cạnh việc bảo vệ rừng, hưởng lợi từ rừng anh Oanh còn định hướng và dẫn dắt HTX phát triển kinh tế từ chăn nuôi ngựa bạch, nấu cao ngựa bạch bán ra thị trường. Theo chia sẻ của anh, trước năm 2021 trên địa bàn tỉnh có rất nhiều người bán cao ngựa bạch, khiến lượng hàng bán ra thị trường ít, có thời điểm cũng rất khó khăn. Sau khi được các cấp quan tâm, hỗ trợ kinh phí đăng ký thành công sản phẩm OCOP Cao xương ngựa Bạch AZ Phong Thổ. HTX khẳng định được chất lượng sản phẩm kết hợp với làm tốt công tác truyền thông, bán hàng dễ dàng hơn.

Sản phẩm OCOP cao xương ngựa bạch AZ Phong Thổ do HTX Xuân Oanh sản xuất được nhiều khách hàng tin dùng.

Sản phẩm OCOP cao xương ngựa bạch AZ Phong Thổ do HTX Xuân Oanh sản xuất được nhiều khách hàng tin dùng.

Với những khách có nhu cầu sử dụng cao nhiều đã đến HTX của anh mua cả con ngựa và nhờ HTX làm dịch vụ nấu cao ngựa. Điều này giúp lượng hàng hóa bán được cao gấp 3-4 lần. Không những vậy, năm 2022 HTX được hỗ trợ kinh phí làm 330m2 chuồng trại và 48m3 Bioga với tổng trị giá 265 triệu đồng tạo điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi.  

Gần đây, HTX tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia do Chi cục thú y làm chủ đầu tư, cấp 38 con ngựa sinh sản cho 38 hộ dân ở 3 xã: Lản Nhì Thàng, Mường So (huyện Phong Thổ), Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ). Nhờ đó, người dân có được con giống tốt để chăn nuôi, về lâu dài sẽ cung cấp nguồn thịt, xương ngựa bạch hớn hơn cho thị trường. Doanh thu HTX năm 2023 nhờ đó đạt gần 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động, mức lương 7 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ (180.000 đồng/người/ngày). Hiện nay, HTX có trên 20 con ngựa bạch, 50 con nhím, trên 40 con cầy, trồng 2ha cây ăn quả chủ yếu là bưởi, thanh long.

HTX cũng tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Có thể kể đến việc HTX đầu tư đường điện thắp sáng trong thôn Thống Nhất có chiều dài 2.700m trị giá trên 100 triệu đồng vào năm 2019. Hỗ trợ 10 triệu đồng sửa chữa nhà văn hóa thôn vào năm 2022. Ngoài ra, HTX hỗ trợ 60 triệu đồng tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc; hỗ trợ kinh phí cho thôn tổ chức tết trung thu cho các cháu thiếu nhi, thăm tặng quà người có công dịp tết, vào Ngày thương binh liệt sỹ 27/7 hằng năm.

Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, anh Oanh đang làm giàu cho gia đình, khích lệ tinh thần lao động sản xuất trong các thành viên HTX và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...