Thứ sáu, 03/05/2024, 19:36 [GMT+7]

Khó khăn xây dựng chính quyền điện tử cơ sở

Thứ hai, 12/01/2015 - 14:38'
(BLC) – Xây dựng chính quyền điện tử đã được triển khai đến khắp tỉnh thành trong tiến trình cải cách hành chính. Theo đó, những năm gần đây, cấp xã, phường ở tỉnh ta chú trọng đầu tư trang thiết bị: máy vi tính, máy in, scan để thay đổi cách làm việc bàn giấy. Tuy nhiên, muốn phát huy hiệu quả đầu tư, cần chú trọng đến đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin.

Tại các xã, phường ở thành phố Lai Châu, số máy móc được đầu tư đã phát huy hiệu quả ở mức nhất định khi được sử dụng để đánh máy văn bản và đọc báo, cập nhật kịp thời tin tức trên mạng internet. Hiện đã có phường Quyết Thắng, Tân Phong áp dụng được các phần mềm hữu ích trong quá trình quản lý, làm việc nhưng chỉ là số ít. Một số nơi, máy vi tính dùng để cán bộ in ấn, soạn thảo văn bản trình ký nhưng Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã lại điều hành, làm việc hoàn toàn trên giấy tờ.

Đến Phòng tiếp nhận và trả kết quả ở một số xã, chúng tôi nhận thấy cán bộ tuy nhiệt tình nhưng giải quyết việc chứng thực, công chứng chủ yếu trên giấy tờ. Trong khi các cơ quan, ban, ngành đã làm việc, trao đổi qua thư điện tử thì ở xã phường, phần lớn mọi công văn, giấy tờ vẫn gửi qua đường bưu điện. “Lực cản” lớn nhất trong ứng dụng công nghệ thông tin hầu như đều do nguyên nhân trình độ tin học của cán bộ, lãnh đạo cấp xã thấp và quan trọng nhất là việc tự học còn chưa nhiều.

Trình độ tin học của cán bộ xã, phường là "Lực cản" khi xây dựng chính quyền điện tử. Trong ảnh: UBND xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) được trang cấp công nghệ thông tin để làm việc.

Chị Mùa Thị Thoa – cán bộ Phòng Tiếp nhận và trả kết quả phường Tân Phong, thành phố Lai Châu chia sẻ với chúng tôi: “Khi phường áp dụng mô hình một cửa điện tử, chúng tôi đã được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ tin học song chủ yếu là nắm được những ứng dụng của phần mềm. Còn đối với các thuật ngữ phức tạp hơn hay việc đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng thì cần khoảng thời gian dài hơn mới nắm được”.

Trong câu chuyện với ông Trần Văn Vấn – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, chúng tôi được biết, từ các nguồn đầu tư, hiện nay nhiều xã, phường đã có mạng LAN (mạng nội bộ) và kết nối internet. Song thực trạng chung là dù văn phòng UBND các xã đều có máy vi tính bàn song cán bộ, lãnh đạo xã không thành thục trong sử dụng. Có nơi máy chỉ để bám bụi mà công việc vẫn hoàn toàn trên giấy tờ như cách làm trước đây. Khi hỏi về vấn đề này, câu trả lời chúng tôi nhận được từ lãnh đạo xã thường là: “Do cán bộ được nhận vào công tác tại đơn vị còn yếu về tin học”. Điều này phản ánh rõ rằng nếu chỉ đầu tư máy móc mà không thay đổi từ phía con người thì tính ứng dụng không cao, còn gây lãng phí.

“Hiện, một số sở: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp… tỉnh ta đã triển khai các phần mềm để làm việc hiệu quả hơn. Nhưng ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc ở xã, phường cần có thời gian và quan trọng hơn cả là các cơ quan chức năng phải chú trọng mở các lớp tập huấn, đào tạo nguồn cán bộ, lãnh đạo có kiến thức tin học ở cơ sở.” – ông Trần Văn Vấn – Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết.

Trong thời đại “số hóa”, áp dụng công nghệ thông tin là cách tiếp cận hiện đại, rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi. Đầu tư cơ sở vật chất song song với đầu tư đào tạo nhân lực là cách làm phù hợp với yêu cầu thực tại để mọi công việc được thực hiện nhanh hơn, tiện hơn.

Hoa Đá

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...