Thứ sáu, 17/05/2024, 08:41 [GMT+7]

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em

Thứ năm, 02/05/2024 - 08:54'
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi gia đình, cộng đồng trong công tác phòng ngừa đuối nước cho trẻ em.

Từ đầu tháng 4 đến nay, nhất là dịp cuối tuần và dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch, tức ngày 18/4 dương lịch), tại các bể bơi trên địa bàn thành phố Lai Châu số người đến tắm, tập bơi rất đông, nhất là 2 bể: San Thàng và Limo 2 (xã San Thàng) tăng đột biến.
Có mặt tại bể bơi Limo 2 vào 15 giờ ngày 18/4/2024, chúng tôi thấy bể dành cho người lớn gia chủ tạm ngừng hoạt động để bảo trì; bể dành cho trẻ nhỏ có cả người lớn tắm cùng nhằm quản lý, giám sát các con. Vì số lượng khách quá đông, chủ bể bơi đã phải đề nghị khách đến sau ngồi chờ. Bên trong, nhân viên cứu hộ thường trực quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong quá trình tắm.

Nắng nóng, nhiều gia đình đưa con đến tắm mát, bơi tại các bể bơi trên địa bàn thành phố Lai Châu.

Theo chị Chu Thị Hiền - Chủ bể bơi Limo 2, đối với đặc thù thời tiết tại Lai Châu thì 2 bể bơi chỉ hoạt động từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. Khoảng gần 1 tháng nay, do nắng nóng, lượng khách đến tắm rất đông. Không chỉ xây dựng hệ thống bể bơi đảm bảo các điều kiện về nguồn nước, dụng cụ bơi (áo phao, phao bơi), cử nhân viên cứu hộ thường trực, gia đình chị còn đầu tư hệ thống camera giám sát; nhắc nhở phụ huynh coi chừng con em. Gia đình chị chú trọng cử nhân viên cứu hộ tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Bình quân mỗi ngày, tại bể bơi có từ 40 - 50 khách, chủ yếu là trẻ em. Sau 2 năm hoạt động, tại bể bơi đảm bảo an toàn cho khách, không xảy ra trường hợp đuối nước.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 25 bể bơi cố định và lắp ghép. Bước vào kỳ nghỉ hè hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cấp bộ đoàn, ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực phối hợp tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; tổ chức dạy bơi an toàn, xây dựng các mô hình, tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định của pháp luật về an toàn phòng, chống đuối nước cho đoàn viên, thanh niên, học sinh… Tuy nhiên, các hoạt động chỉ tập trung ở địa bàn trung tâm - nơi có các bể bơi và đối tượng tham gia chủ yếu là con em cán bộ, công chức, viên chức. Còn tại các ao, hồ, sông, suối, hình ảnh các em nhỏ tự tắm mà không có sự theo dõi, quản lý của người lớn khá phổ biến.

Trẻ em bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) nô đùa dưới ao. Ảnh chụp hồi 16 giờ 30 phút ngày 18/4/2024.

Điển hình như ở bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường). Theo quan sát của chúng tôi, nơi đây có khá nhiều ao nuôi cá với diện tích rộng. Tại một số ao, thời điểm chiều 18/4/2024, trẻ em vô tư bơi lội, đùa nghịch. Có em còn bơi ra giữa ao, thậm chí đứng trên bờ hoặc tảng đá nổi dưới ao rồi nhảy xuống nước. Điều đáng nói, phần lớn không có người lớn quản lý. Qua trò chuyện, chúng tôi được bà Vàng Thị Lớn (bản Nà Bỏ) cho hay: Mấy đứa trẻ này bố mẹ đi làm nên ở nhà với ông, bà. Do tắm ao từ nhỏ, phần lớn các cháu biết bơi nên phụ huynh cũng yên tâm.
Chính tâm lý chủ quan, thiếu quan sát, lơ là trong việc trông coi, quản lý đã khiến tình trạng đuối nước ở trẻ em diễn ra trong cả mùa khô trên cả nước nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, riêng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Đây không chỉ là nỗi đau khôn nguôi của các gia đình nạn nhân mà còn là sự day dứt của toàn xã hội.
Còn gần 1 tháng nữa học sinh sẽ kết thúc năm học 2023-2024, bước vào kỳ nghỉ hè. Tỉnh ta có mạng lưới sông suối tương đối dày đặc (khoảng 500 suối lớn, nhỏ); tại các thôn, bản ở xã vùng sâu, vùng xa tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ còn phổ biến. Do đó, các bậc phụ huynh, nhà trường, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng, ý thức phòng, chống tai nạn đuối nước cho các em; dựng các biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, hạn chế tối đa những vụ tai nạn thương tâm.

Nam Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...