Chủ nhật, 05/05/2024, 18:11 [GMT+7]

Tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Thứ hai, 31/07/2017 - 16:23'
(BLC) - Chủ trương thành lập Trung tâm Hành chính công (TTHCC) không chỉ là bước cụ thể hóa, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” mà còn là tiền đề cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 mới đây, đồng chí Đỗ Ngọc An – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, sớm đưa TTHCC đi vào hoạt động là việc làm cấp thiết nhằm thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính của tỉnh.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đã rất kỳ vọng vào những động thái tích cực từ phía chính quyền tỉnh với những quyết tâm rõ ràng hơn trong công tác cải cách hành chính (CCHC); hướng tới mục tiêu xây dựng một nền hành chính nhà nước vì dân, phục vụ Nhân dân. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Lai Châu đã nỗ lực chỉ đạo các cấp, ngành triển khai quyết liệt công tác CCHC. Theo đó, đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 20/20 sở, ban, ngành (bao gồm cả Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng) và 4 cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Công an tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh) đã thành lập Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (gọi tắt là Bộ phận một cửa). Tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở là 1.201 TTHC (trong đó thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả là 1.010 TTHC). Có 167 TTHC thực hiện giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở: Giao thông Vận tải, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông và Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng.

Sau khi thành lập, TTHCC chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, hoạt động của Văn phòng UBND tỉnhTrong ảnh: Cán bộ Văn phòng UBND tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC.

Cũng trong năm 2016, các sở, ban, ngành tỉnh tiếp nhận và giải quyết 47.161 hồ sơ, trong đó: Sở Giao thông Vận tải có số lượng giao dịch nhiều nhất với 31.982 hồ sơ (chiếm 67,81%), Ban Dân tộc có số lượng giao dịch thấp nhất với 8 hồ sơ (chiếm 0,01%). Số TTHC thuộc các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh giải quyết: Công an tỉnh (97 TTHC); Bảo hiểm Xã hội tỉnh (31 TTHC); Cục Thuế tỉnh (30 TTHC); Kho bạc Nhà nước tỉnh (10 TTHC). Ngày 9/9/2015, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Quyết định 21/2015/QĐ-UBND tỉnh về Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa’, “một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Đây là cơ sở pháp lý quy định rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết TTHC chính của từng bộ phận, cơ quan, đơn vị; công khai, minh bạch về TTHC, phí và lệ phí. Từ khi thực hiện Quyết định cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã cơ bản khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh; giảm bớt phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. Qua đó, củng cố được niềm tin của cá nhân, tổ chức vào chính quyền. Mặt khác, cơ chế “một cửa liên thông” cũng đã kết nối được việc giải quyết TTHC giữa các sở, ngành với nhau và giữa các sở, ngành với các đơn vị liên quan, giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại của công dân, tổ chức.

Bên cạnh những kết quả đạt được, so với yêu cầu, hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức của cán bộ, công chức nhất là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị về mục đích, yêu cầu của việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” chưa được đầy đủ nên bố trí công chức hạn chế về năng lực làm việc ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu CCHC. Tính liên thông trong xử lý công việc cho tổ chức, cá nhân chưa cao; thực hiện liên thông giữa các cấp hành chính còn gặp khó khăn nhất là giữa cơ quan hành chính nhà nước với cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, tại các sở, ban, ngành, việc giải quyết TTHC thuộc một số lĩnh vực còn bất cập; một số thủ tục theo quy định chưa đưa ra thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; nhiều cơ quan còn tình trạng không muốn đưa toàn bộ TTHC ra Bộ phận một cửa; vẫn còn tình trạng tiếp nhận hồ sơ ở các phòng chuyên môn dẫn đến dễ nảy sinh tiêu cực. Số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” còn thấp so với tổng số TTHC phải giải quyết của các sở, ban, ngành tỉnh (mới chỉ đạt 80%). Một hạn chế nữa là cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chưa ứng dụng phần mềm “một cửa”. Thiếu phần mềm theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị nên vẫn còn tình trạng quá hạn (đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, thu hút, hỗ trợ đầu tư…). Xuất phát từ thực tiễn trên, Sở Nội vụ đã xây dựng Đề án thành lập TTHCC tỉnh Lai Châu. Theo Đề án, Trung tâm sẽ làm đầu mối và chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết TTHC cho tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện các TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước. Với mô hình này, toàn bộ các TTHC liên quan tới các tổ chức, công dân đều phải đưa vào giải quyết theo quy trình tiếp nhận và trả kết quả tại một đầu mối là TTHCC. Từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hành chính công, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch. Công dân và tổ chức khi đến giao dịch được tôn trọng, được phục vụ, thể hiện sự ưu việt của phương thức làm việc mới theo hướng cải cách, phát triển; nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước và công dân.

Đồng chí Nguyễn Tiến Tăng – Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định: Đề án thành lập TTHCC tỉnh Lai được triển khai thực hiện không chỉ tạo sự thống nhất và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong cải cách TTHC; ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân mà còn tạo bước đột phá mạnh mẽ đối với nhiệm vụ CCHC của tỉnh năm 2017 và những năm tiếp theo. Hoạt động của Trung tâm sẽ được thực hiện theo cơ chế “tiếp nhận, thẩm định tại chỗ các TTHC”, nâng cao chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tạo sự thuận lợi tốt nhất cho tổ chức và cá nhân. Đặc biệt, xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ công; lấy người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết các TTHC của các cơ quan nhà nước. Đảm bảo các thủ tục sẽ được giải quyết nhanh, công khai, minh bạch, không có khâu trung gian; rút ngắn thời gian giải quyết theo quy định.  

Với sự nỗ lực của tỉnh, các ngành chức năng trong việc khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thành lập TTHCH trong thời gian sớm nhất cho thấy sự quyết tâm của tỉnh Lai Châu hướng tới xây dựng một nền hành chính năng động, chuyên nghiệp, trách nhiệm. Qua đó, đáp ứng yêu cầu CCHC, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm tiếp theo. Từng bước nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Lai Châu.

Bích Hạnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...