Thứ hai, 29/04/2024, 05:40 [GMT+7]

Thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2014

Thứ năm, 13/03/2014 - 14:44'
Chiều 12/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp thứ 14 về thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong năm 2014.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh VGP/Lê Sơn

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TW, trong năm qua, tuy KTXH đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác cải cách tư pháp vẫn được các cấp uỷ, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả thiết thực.

Các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tiếp tục có chuyển biến tích cực, hạn chế  tình trạng oan sai, án tồn đọng quá hạn luật  định, nâng cao tỷ lệ giải quyết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp, góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định và phát triển KTXH đất nước.

Phần lớn các cấp uỷ, tổ chức Đảng đã chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn và đề xuất các nội dung quan trọng khác có liên quan đến hoạt động tư pháp. Qua đó, làm rõ hơn vai trò, vị trí và chức năng của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước, đồng thời, đã tập trung chỉ đạo tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và tổ chức nghiên cứu xây dựng một số đề án, báo cáo chuyên đề làm sáng tỏ một số vấn đề được Bộ Chính trị giao phục vụ tổng kết Nghị quyết 49-NQ/TW…

Về nhiệm vụ năm 2014, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TW sẽ tập trung phổ biến và quán triệt thực hiện nghiêm túc Kết luận của Bộ Chính trị về kết quả tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW. 

Trong đó, cần tập trung chỉ đạo hoàn thiện Đề án tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối; Đề án chi tiết tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân 4 cấp; Đề án đổi mới các cơ quan tư pháp trong quân đội; Đề án mô hình tố tụng dân sự và hình sự Việt Nam; Đề án về thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); các văn bản pháp luật về tố tụng tư pháp khác và các văn bản pháp luật có liên quan đã được xác định trong Chương trình xây dựng luật của Quốc hội khoá XIII.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tuyển chọn, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ tư pháp và xây dựng chế độ, chính sách tiền lương, khen thưởng phù hợp với tính chất hoạt động của các chức danh tư pháp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, các đề án đưa ra cần khắc phục được những bất cập, hạn chế, phát huy được mặt mạnh hiện nay và tìm ra được các giải pháp mới. Tránh chồng chéo, trùng dẫm về cơ cấu tổ chức đối với các cơ quan tư pháp dẫn đến dư thừa, kém hiệu quả.

Cũng tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến về  chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2014; dự thảo Kế hoạch phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về kết quả tổng kết Nghị quyết 49-NQ/TW; dự thảo Đề án quy hoạch tổng thể phát triển các cơ quan tư pháp, cơ quan hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân đến năm 2020.

Theo Lê Sơn chinhphu.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...