Thứ sáu, 26/04/2024, 17:32 [GMT+7]

Đẩy mạnh tái, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản

Thứ năm, 09/01/2020 - 16:07'
(BLC) - Ngày 31/12/2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3093/UBND-KTN về đẩy mạnh tái đàn trong chăn nuôi lợn và tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).

Mô hình nuôi gà của gia đình anh Thào Văn Hoan bản San Thàng 2 (xã Sang Thàng, thành phố Lai Châu).

Bệnh DTLCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu từ ngày 19/3/2019, đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện tại 5.874 hộ/579 bản/93 xã của 08/08 huyện, thành phố; tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 21.392 con với trọng lượng gần 900 tấn. Sản lượng thịt các loại toàn tỉnh hết năm 2019 ước đạt 13,2 nghìn tấn (trong đó thịt lợn 8,7 nghìn tấn), dự báo thiếu khoảng 2,31 nghìn tấn thịt lợn, gây mất cân đối nguồn cung thực phẩm từ thịt lợn (chiếm trên 70% sản lượng thịt các loại), ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Hiện nay tình hình dịch bệnh đang có xu hướng suy giảm (toàn tỉnh hiện còn 40 xã của 08/08 huyện, thành phố đang có dịch bệnh DTLCP; trong đó có 21 xã đã qua 30 ngày không phát sinh gia súc mắc bệnh mới); tuy nhiên, vi rút gây bệnh DTLCP có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây lan dịch bệnh rất phức tạp, hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, khả năng tái phát và lây lan dịch trong thời gian tới vẫn rất cao. Thực hiện Công văn số 13/BCĐDTLCP ngày 19/12/2019 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh DTLCP về việc tái đàn trong chăn nuôi lợn; Công văn số 9523/BNN-TY ngày 19/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chỉ đạo tổ chức đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do bệnh DTLCP. Để việc tái đàn trong chăn nuôi lợn được đảm bảo và đạt hiệu quả, giảm nguy cơ lây lan và tái phát dịch bệnh; đồng thời, tập trung phát triển các loại gia súc, gia cầm, thủy sản khác nhằm bù đắp sản lượng thịt thiếu hụt do ảnh hưởng của bệnh DTLCP, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố

Chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị chức năng, chính quyền cơ sở tập trung tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn; chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Chỉ thực hiện và cho phép tái đàn lợn tại những trang trại, cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, có thể áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Chủ các trang trại, hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi tái đàn lợn phải thực hiện kê khai với chính quyền cơ sở và được cơ quan chuyên môn từ cấp huyện trở lên kiểm tra, thẩm định về điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học trước khi thực hiện nhập lợn từ nơi khác về để tái đàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi của các trang trại, hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là công tác tái đàn lợn; kiên quyết không thực hiện tái đàn nếu không đủ các điều kiện an toàn dịch bệnh, không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Các tổ chức, cá nhân nhập lợn để tái đàn không khai báo và kê khai, đăng ký với chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn theo quy định để thẩm định các điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, nếu xảy ra dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh sẽ không được hưởng hỗ trợ và chịu các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Xây dựng kế hoạch, sử dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư, hỗ trợ con giống, tập trung vào phát triển đàn trâu, bò, gia cầm, thủy sản hoặc các loại vật nuôi khác phù hợp với tình hình của từng địa phương để tăng số lượng tổng đàn, đảm bảo ổn định nguồn cung cấp thực phẩm.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, giám sát tình hình chăn nuôi ở các địa phương, thực hiện nghiêm quy định điều kiện về tái đàn lợn; các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học để phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố nắm bắt thông tin về nguồn cung thực phẩm và biến động giá thịt lợn trong và ngoài tỉnh, để có phương án đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn của địa phương.

3. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố theo dõi sát tình hình, diễn biến cung cầu, thị trường đối với mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm khác từ lợn để chủ động có phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng bất ổn thị trường trong tỉnh.

Chủ động thu thập thông tin, nắm bắt tình hình địa bàn, kiểm tra, kiểm soát tại khu vực trọng điểm nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán động vật và các sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới; các trường hợp lợi dụng trục lợi, đầu cơ tăng giá.

4. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh cho động vật, đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi, các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học, việc thực hiện tái đàn đảm bảo các điều kiện theo quy định. Đồng thời, thông tin đầy đủ, kịp thời về giá cả thị trường, nhất là mặt hàng thịt lợn tránh tình trạng người dân hiểu không đầy đủ; người sản xuất, kinh doanh thiếu trách nhiệm có thể đầu cơ găm hàng, làm tăng giá bất thường nhằm trục lợi, gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các chủ trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, quy định chăn nuôi an toàn sinh học, việc thực hiện tái đàn đảm bảo các điều kiện theo quy định; đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò, gia cầm, thủy sản hoặc các loại vật nuôi khác phù hợp với tình hình của từng địa phương; đồng thời tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi, đầu cơ tăng giá.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...