Thứ hai, 06/05/2024, 05:12 [GMT+7]

Ban hành Quy chế quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số trình độ văn hóa quá thấp

Thứ ba, 01/10/2013 - 10:19'
(BLC) - Ngày 30/9/2013, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND ban hành Quy chế đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp trên địa bàn tỉnh.

Lai Châu là tỉnh miền núi có 20 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%; có 23 xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, kinh tế đặc biệt khó khăn, là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc Si La, Mảng, Cống, La Hủ, Khơ mú…

Hiện nay, Lai Châu đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, tuy nhiên, số người dân tộc thiểu số chưa biết đọc, biết viết còn rất nhiều. Do đó, yêu cầu phải có giấy phép lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng biết ít và không biết chữ và tìm hiểu, nắm được nội dung Luật Giao thông đường bộ gặp rất nhiều khó khăn.

Lực lượng CSGT – Công an tỉnh phổ biến Luật Giao thông đường bộ tới đồng bào dân tộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường.

Để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, ngày 30/9/2012, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND ban hành Quy chế đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng là người dân tộc thiểu số từ 18 tuổi trở lên, có trình độ văn hóa thấp (là người có trình độ học vấn dưới lớp 5/12 hoặc là người không biết nói tiếng việt hoặc nói tiếng việt nhưng nói chậm, hiểu chậm tiếng việt, biết đọc chậm nhưng không biết viết hoặc viết chậm hoặc hoàn toàn không biết đọc, biết viết), có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lai Châu có nhu cầu học và thi lấy giấy phép lái xe mô tô hạng A1.

Nội dung đào tạo yêu cầu giáo viên phải là người biết nói tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với người học; nếu không có giáo viên biết nói tiếng dân tộc phù hợp với người học, cơ sở đào tạo phải thuê người phiên dịch, kinh phí thuê do cơ sở đào tạo tự chi trả, không được thu thêm học phí của học viên.

Giáo trình đào tạo cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp được cơ sở đào tạo biên soạn lại trên cơ sở giáo trình đào tạo lái xe hạng A1 do Tổng cục Đường bộ ban hành và được Sở Giao thông vận tải phê duyệt. Lớp học cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp phải được tổ chức giảng dạy riêng. Ngoài thời gian đào tạo theo quy định, giáo viên có thể hướng dẫn thêm cho học viên về nội quy, quy chế và cách thức tổ chức thi sát hạch.

Phương pháp sát hạch: đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp được sát hạch riêng về phần lý thuyết. Bộ đề thi lý thuyết được biên soạn trên cơ sở bộ đề thi của Tổng cục Đường bộ do Sở Giao thông vận tải ban hành và thống nhất quản lý.

Phần sát hạch thực hành thao tác kỹ thuật lái xe được thực hiện theo đúng quy trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam  ban hành: mỗi bộ đề thi có 14 câu hỏi, gồm 6 câu lý thuyết Luật Giao thông đường bộ, 7 câu về biển báo, sa hình.

Đối với thi sinh là người không biết đọc, biết viết thời gian sát hạch là 15 phút cho mỗi thí sinh; Sát hạch lý thuyết theo phương pháp vấn đáp trực tiếp, giám khảo gọi tên thí sinh, kê khai các trích ngang trong giấy thi cho thí sinh, yêu cầu thí sinh xác nhận hoặc điểm chỉ vào biên bản và giấy thi.

Thí sinh tự chọn rút đề thi trong tổng số bộ đề in sẵn, 01 giám khảo đọc câu hỏi và các đáp án trả lời, 01 giám khảo giúp thí sinh đánh dấu theo đáp án mà thí sinh lựa chọn; thí sinh trả lời đúng 10/14 câu trở lên là đạt yêu cầu.

Để Luật Giao thông đường bộ đi vào cuộc sống, đặc biệt những đối tượng là đồng bào các dân tộc vùng cao biết ít chữ và không biết chữ, Sở Giao thông vận tải cần chủ động lập kế hoạch và thống nhất với các cơ sở đào tạo, các huyện, thị, các xã về lịch học và lịch thi, địa điểm học, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được học, thi cấp giấy phép lái xe; chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe biên soạn chương trình giáo trình giảng dạy, kiểm tra và phê duyệt chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo; tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở đào tạo về việc thực hiện quy chế này; phối hợp với UBND các huyện, thị, tuyên truyền về lớp học dành cho đồng bào có trình độ văn hóa thấp được học và thi lấy giấy phép lái xe.

Quy chế nghiêm cấm UBND cấp xã thu thêm tiền lệ phí xác nhận trình độ văn hoá cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hoá thấp khi làm hồ sơ học và thi lấy giấy phép lái xe.Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác minh và xác nhận đúng trình độ văn hoá của người đến xin xác nhận hồ sơ đi học và thi lấy giấy phép lái xe. Không được xác nhận sai sự thật về trình độ văn hoá hoặc xác nhận không rõ, khai man về trình độ văn hoá để lợi dụng học và thi theo quy chế này. Uỷ ban nhân dân cấp xã phải có trách nhiệm thông báo đến từng thôn, bản để nhân dân biết để tham dự và thi lấy giấy phép lái xe…

Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế  Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND ngày 18/12/2012 của UBND tỉnh Lai Châu về việc Ban hành quy chế quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe môto hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hoá thấp. Quy chế này ra đời sẽ góp phần tích cực vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.

Nghiêm Đẳng (theo Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND tỉnh).

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...