Thứ hai, 29/04/2024, 01:57 [GMT+7]

Kim chỉ nam cho mọi hành động

Thứ sáu, 22/03/2013 - 20:51'
(BLC) - Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Hội Nông dân huyện Phong Thổ đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần quan trọng trong việc vận động, khích lệ cán bộ, hội viên tích cực học tập, lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Chính vì vậy, nhiều nông dân trong huyện ví cuộc vận động là “Kim chỉ nam cho mọi hành động”.

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có dịp đến các xã: Lản Nhì Thàng, Mường So, Khổng Lào, Hoang Thèn, Ma Ly Pho, Mù Sang… của huyện Phong Thổ. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi đến các xã là hình ảnh nhiều bà con nông dân đồng loạt lên nương phát cỏ, ra đồng chăm sóc: ngô, lúa, rau... Đáng nhớ nhất là hình ảnh các bà, các chị gùi gừng, chuối, rau, măng, cua, ốc… của gia đình ra ven đường quốc lộ 4D để bán cho khách hàng trong và ngoài huyện khi có dịp qua xã. Đi tìm lời giải cho những hình ảnh bình dị nhưng lại mang nét mới này, chúng tôi gặp ông Teo Văn Kho - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Thổ, ông cho biết: “Những năm gần đây, nông dân trong huyện không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Mọi người nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, hăng hái phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xóa bỏ hình thức “tự cung, tự cấp”.

Cán bộ Hội Nông dân huyện thường xuyên gần gũi để hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được các cấp Hội Nông dân huyện Phong Thổ thực hiện từ năm 2007. Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội trực thuộc triển khai sâu rộng những nội dung của cuộc vận động đến đông đảo cán bộ, hội viên bằng nhiều hình thức: nói chuyện trực tiếp, tọa đàm, kể chuyện, tổ chức các cuộc thi... Các cấp hội xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng chuyên đề phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, các cấp hội đã gắn cuộc vận động với các phong trào lớn của Hội như: “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”… Nhờ đó, cán bộ, hội viên nông dân có nhiều việc làm thiết thực như: chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia công tác hội; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa các giống cây, con mới vào nuôi trồng; thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp nhằm thay đổi phương thức canh tác lạc hậu; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện nhờ vậy có nhiều khởi sắc. Chỉ tính riêng năm 2012, tổng diện tích gieo trồng của huyện là 14.049,9ha (tăng 1.411,2ha so với năm 2007), tổng sản lượng lương thực đạt 36.464,40 tấn (tăng 1.707,26 tấn), bình quân thu nhập đầu người đạt 460kg/người/năm (tăng 70kg/người/năm so với năm 2007). Từ năm 2007 - 2012 đã có 2.983 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Học theo Bác, nông dân thị trấn Phong Thổ chăm chỉ lao động, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Ông Lò Văn Giải, dân tộc Thái ở thị trấn Phong Thổ vui vẻ cho hay: “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm hết sức có ý nghĩa. Học Bác, hàng ngày tôi dậy sớm tập thể dục cho cơ thể khỏe mạnh, sau đó mới bắt tay vào lao động. Trong quá trình lao động tôi cố gắng làm việc chăm chỉ, chi tiêu tiết kiệm. Do vậy, 1 năm trừ chi phí gia đình tôi thu lãi 60 - 70 triệu đồng từ chăn nuôi lợn, gà, trồng lúa và nấu rượu…”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cán bộ, hội viên nông dân còn tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đảm bảo quốc phòng - an ninh, hưởng ứng phong trào tương thân tương ái. Cụ thể, trong 5 năm (từ năm 2007 - 2012) các cán bộ, hội viên nông dân đã đóng góp khoảng 53.000 ngày công để làm mới, sửa chữa 254 phòng học, trạm xá; 62km kênh mương; 120,6km đường giao thông liên xã, thôn, bản; 86 cầu cống; 27 công trình điện. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức được hơn 350 buổi tuần tra biên giới với 950 lượt hội viên tham gia, cung cấp hơn 2.250 tin có giá trị cho cơ quan công an, cảm hóa giáo dục 960 đối tượng, ngăn ngừa phạm pháp được 32 vụ, giải quyết 196 vụ tranh chấp, vận động 53 hộ, 270 nhân khẩu không nghe, không theo đạo trái phép. Ủng hộ các quỹ: vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, đồng bào bị thiên tai lũ lụt… hàng năm được trên 900 triệu đồng.

Nhờ thực hiện tốt các hoạt động nên số lượng hội viên nông dân được đứng trong hàng ngũ của Đảng ngày càng cao (hiện số hội viên nông dân là đảng viên ở nông thôn là 1.654 đồng chí). Số cán bộ hội viên nông dân trúng cử vào HĐND cấp xã, thị trấn, huyện nhiệm kỳ 2011 - 2016 là 292 đại biểu. Hàng năm, nhiều tập thể, cá nhân được Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên nông dân trong huyện. Đó là cơ sở vững chắc để các cấp Hội phát huy tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần xây dựng huyện Phong Thổ ngày càng phát triển.

Hội Nông dân huyện Phong Thổ hiện có 11.415 hội viên, sinh hoạt ở 18 cơ sở trực thuộc, 185 chi hội thôn, bản. Qua đánh giá phân loại chất lượng tổ chức Hội hàng năm, số cơ sở đạt vững mạnh là 14 cơ sở, số cơ sở đạt khá là 2 cơ sở, trung bình là 2 cơ sở, không có cơ sở yếu kém; 112 chi hội đạt vững mạnh, 35 chi hội đạt khá, 32 chi hội đạt trung bình. 

 

 

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...