Thứ hai, 29/04/2024, 22:55 [GMT+7]

Thực hiện lời Bác dặn: Đồng bào và cán bộ Lai Châu ra sức tăng gia sản xuất để mọi người cùng được ấm no

Thứ tư, 29/05/2013 - 21:39'
(BLC) - Năm 1953 sau khi Lai Châu được giải phóng, 1 lần nữa tư tưởng thương dân, thương đồng bào vùng sâu, vùng cao của người lại được thể hiện qua lời căn dặn giản dị mà chan chứa tình yêu thương trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu. Người dặn đồng bào trước hết phải đoàn kết, sau đó phải ra sức tăng gia sản xuất để mọi người cùng được ấm no. 

>>Lai Châu: 60 năm trọn một niềm tin làm theo thư Bác

Nhìn về lịch sử hào hùng của dân tộc sau cách mạng tháng 8 – năm 1945, sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có tên trên bản đồ thế giới và sau 80 năm bị áp bức, đô hộ. Một trong những việc đầu tiên mà Đảng và Bác Hồ quan tâm chỉ đạo là chống giặc đói. Người chỉ ra rằng đây là loại giặc nguy hiểm không kém gì giặc dốt và giặc ngoại xâm. Người đã phát động cuộc thi đua ái quốc, kêu gọi đồng bào cả nước nhường cơm, sẻ áo, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để vượt qua nạn đói. Đích thân người làm gương: 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa để lấy gạo cứu dân. Hành động giản đơn song lại chan chứa ân tình, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của người dành cho đồng bào nghèo.

Đồng chí Nguyễn Khắc Chử - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ nhất từ bên phải sang) kiểm tra mô hình nuôi cá hồi ở huyện Tam Đường.

Lời dặn ấy đã qua 60 năm song chưa bao giờ nhạt phai bởi đó là kim chỉ nam cho cán bộ và nhân dân Lai Châu. Đi ngược thời gian trở về quá khứ, thời điểm quan trọng quyết định làm lên chiến dịch Điện Phiên phủ hào hùng. Với khẩu hiệu tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân Lai Châu đã dũng cảm, mưu trí, vừa chiến đầu vừa tăng gia sản xuất cung cấp nhu yếu phẩm cho chiến trường. Nhân dân Lai Châu đã cung cấp được gần 3000 tấn gạo, trên 226 tấn thịt và hơn 210 tấn rau, huy động hàng vạn ngày công, hàng trăm ngựa thồ phục vụ chiến dịch. Con số đó chứa đựng mồ hôi, nước mắt thậm chí cả xương máu của nhân dân Lai Châu. Người dân từ các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè… không quản ngại mưa bom, bão đạn, không quản ngại bọn thổ phỉ, việt gian hoành hành, không kể mưa hay nắng, gió lốc hay bão tố vẫn ra đồng, lên nương hiên ngang hát câu hát về Đảng và Bác, hiên ngang lao động sản xuất…

Ông Giàng A Phỏng – nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (cũ) cho biết: “Sau khi tiêu diệt bọn phỉ cuộc sống của người dân trong xã còn nghèo, còn khổ. Song nhớ lời Bác dạy, nhân dân trong xã đã ra sức thi đua lao động sản xuất, không quản ngại khó khăn gian khổ, từ người già đến các em thiếu niên, ai ai cũng tích cực ra ruộng, lên nương lao động sản xuất, nhờ đó xã đã không chỉ giải quyết được nạn đói mà còn cung cấp được nhiều lương thực ra chiến trường cho bộ.

Thực hiện lời Bác dạy, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có những mùa vàng bội thu.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kì gian khổ. Với khẩu hiệu tất cả vì miền Nam ruột thịt, thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu một người. Ban Cán sự Đảng tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm đổi mới sản xuất trong nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật canh tác, khai hoang, tăng vụ. Đặc biệt, nhân dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 1970 – 1975, nhờ đó giành nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực: Tổng sản lượng lương thực năm 1975 tăng 27% so với năm 1965; nạn đói kinh niên dần được đẩy lùi; đời sống của người dân từng bước được cải thiện; hệ thống giáo dục từng bước được hình thành và phát triển; các cơ sở khám chữa bệnh được củng cố, kiện toàn...

Và lời dạy của Bác tiếp tục là hành trang cho cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong thời kì đổi mới, hội nhập và phát triển. Được chia tách, thành lập năm 2004, Lai Châu có không ít khó khăn, thử thách: Giao thông đi lại khó khăn, địa hình chia cắt lại cách xa các trung tâm kinh tế lớn; nông nghiệp sản xuất manh mún, đời sống người dân nghèo nàn lạc hậu. Các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của nhân dân. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định: Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.

Cấp ủy các cấp, các ban ngành đoàn thể và nhân dân các dân tộc đã phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước như: thi đua khai hoang, thâm canh tăng năng suất; phong trào ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất xây dựng cánh đồng 50triệu đồng/1ha; phong trào thi đua lao động sáng tạo, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi… Nhờ đó tỉnh đã đạt được những thành tích nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh cơ bản thoát ra tình trạng đặc biệt khó khăn; tốc độ tăng trưởng bình quân GDP đạt 13%/năm; thu ngân sách trên địa bàn năm 2012 đạt gần 500 tỷ, tăng 20 lần so năm 2004. Sản lượng lương thực năm 2012 đạt 175 nghìn tấn, tăng 70 nghìn tấn so năm 2004; bình quân lương thực đạt trên 430 kg/người/ năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng, tăng 9 triệu so năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 31% theo tiêu chí mới. Công tác y tế, giáo dục, y tế từng bước được chăm lo. Bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều đổi mới. Từ chỗ lương thực không đủ tự cung tự cấp đến nay hình thành nhiều vùng thâm canh lương thực theo hướng sản xuất hàng hóa…

Đồng chí Nguyễn Khắc Chử - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Sau 60 năm làm theo thư Bác, đặc biệt sau 10 năm chi tách và thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội; AN – QP; công tác an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của người dân từng bước được nâng cao… Những kết quả đó sẽ là tiền đề, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ra sức đoàn kết, nỗ lực thi đua làm theo thư bác để chung sức xây dựng Lai Châu phát triển”.

Cũng từ học và làm theo thư Bác và các phong trào thi đua yêu nước mà trong tỉnh đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, nỗ lực vượt khó, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi làm giàu cho gia đình và quê hương. Rời quân ngũ trở về địa phương, hành trang vào đời của ông Võ Phúc Cường - xã Bình Lư, huyện Tam Đường chỉ là chiếc ba lô làm kỉ niệm. Cuộc sống tuy có nhiều khó khăn, vất vả song không thể khuất phục được tinh thần, ý chí của người lính bộ đội cụ Hồ. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật phòng chống các loại dịch bệnh từ sách báo, từ các mô hình của đồng đội trong và ngoài tỉnh. Đến nay ông đã xây dựng được mô hình tổng hợp VAC mỗi năm cho xuất hàng tấn cá, lợn giống và gần chục tấn chè búp tươi. Trừ chi phí cho thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Không những làm giàu cho gia đình mà ông còn tạo công ăn việc làm cho bà con trong bản.

 Với sự đồng lòng chung sức của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, từ những đồi hoang hóa, những cánh rừng nghèo thưa thớt, dưới bàn tay của người dân đã trở thành những cánh rừng cao su bạt ngàn, xanh mướt. Sau hơn 6 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh đã trồng mới được hơn 9.000ha cao su, tập trung ở 2 huyện sìn Hồ và Mường Tè. Cây cao su sau hơn 6 năm trồng đã phát triển xanh tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương. Chương trình trồng và phát triển cao su đã góp phần sắp xếp, ổn định lại dân cư, tạo công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống cho người dân trong vùng Dự án.

60 năm trọn vẹn một niềm tin làm theo thư Bác, Đảng bộ và nhân dân Lai Châu đang tích cực khắc phục mọi khó khăn, không ngừng đổi mới, nỗ lực đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất để xây dựng Lai Châu giàu đẹp, no ấm như Bác hằng mong muốn.

Hữu Tiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...