Thứ sáu, 26/04/2024, 10:31 [GMT+7]

Đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

Thứ năm, 09/12/2021 - 17:09'
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” góp phần làm sáng rõ những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tập trung phân tích những yêu cầu mới về phạm vi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới...

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”.

Các đồng chí: Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: HL)

Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu tại điểm cầu Hà Nội, là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; Bộ Công an; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; các nhà khoa học, tướng lĩnh, sĩ quan từ các đơn vị, các cơ sở đào tạo trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân cùng hơn 2.000 đại biểu là đại diện lãnh đạo tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương, ban giám đốc, lãnh đạo cấp phòng của lực lượng Công an nhân dân tại các điểm cầu trực tuyến trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc là chủ trương chiến lược nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong mỗi thời kỳ. Thực tiễn đã chứng minh, chỉ khi lợi ích, độc lập chủ quyền được toàn vẹn, lợi ích quốc gia được bảo vệ, hòa bình đất nước được giữ vững thì nhân dân mới được hưởng hạnh phúc thực sự, có điều kiện thuận lợi để xây dựng đất nước hùng cường.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: HL)

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới, đó là “không gian mạng”. Không gian mạng là mạng lưới kết nối hạ tầng thông tin bảo đảm mạng viễn thông, Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Không gian mạng đã trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ rộng và khó kiểm soát.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6/2021, số người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu người, chiếm gần 70% dân số. Việt Nam đang là quốc gia có sự phát triển Internet mạnh mẽ, đây được xem là động lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế. “Mỗi người dân Việt Nam đều có thể tự do chia sẻ thông tin, bày tỏ quan điểm cá nhân qua Internet, nhất là qua mạng xã hội. Đó là minh chứng sống động cho việc Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin và tự do Internet” – đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, sự phát triển của các thiết bị thông minh, có kết nối mạng đã đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý. Các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, chống phá những tư tưởng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy giảm niềm tin của cán bộ đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Hàng loạt chiến dịch tuyên truyền phá hoại nền tư tưởng của Đảng, chia rẽ nội bộ, kích động bạo loạn, gây rối an ninh trật tự liên tục diễn ra. Các vụ tấn công mạng ngày càng gia tăng, trong khi đó, hệ thống văn bản pháp quy vi  phạm pháp luật còn bất cập. Quản lý  nhà nước về an ninh, an toàn thông tin mạng còn nhiều sơ hở, chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục thay đổi nhanh chóng và khó lường, dịch bệnh COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, an ninh đối ngoại và đời sống nhân dân của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó an ninh mạng và nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch được đặt ra một cách cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. "Vì vậy, Hội thảo sẽ có ý nghĩa thiết thực, góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Những yêu cầu bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong tình hình mới được đề cập trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phát huy vai trò và sự phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là lực lượng công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này" - đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đại tướng Tô Lâm phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HL)

Theo PGS.TS Phạm Minh Tuấn, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ở Việt Nam những năm gần đây là vấn đề khá mới và đặt ra nhiều thách thức trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đất nước. Đây cũng là chủ đề của nhiều công trình nghiên cứu, của các hội thảo khoa học ở các cấp độ khác nhau, của nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là của ngành công an.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhận định, bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng là lĩnh vực hoàn toàn mới, khó, rất rộng lớn, phức tạp và nhạy cảm. Đồng chí Phan Đình Trạc đề cập các vấn đề liên quan đến nội dung hội thảo, trong đó trước hết cần nâng cao nhận thức trách nhiệm về bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng. Từ nhận thức đó mới xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng; xây dựng các hệ thống, phương châm, nguyên tắc, giải pháp, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng.

Ngoài ra, cần chú trọng hợp tác quốc tế về bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng. Đầu tư phương tiện, kinh phí, điều kiện đảm bảo chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng. Tổ chức và nhân lực chuyên trách, nòng cốt bảo vệ An ninh Quốc gia trên không gian mạng.

Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, đội ngũ nhân lực chuyên trách, nòng cốt về lĩnh vực này phải giỏi về chuyên môn, chuyên nghiệp và có bản lĩnh vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HL)

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ nội hàm của khái niệm “chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”, mối liên hệ biện chứng giữa “không gian mạng” và “chủ quyền quốc gia”; vấn đề an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng; dự báo nguy cơ gia tăng bất đồng, tranh chấp, thậm chí là xung đột giữa các quốc gia trong áp dụng chủ quyền không gian mạng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung làm rõ những dự báo thay đổi của tình hình quốc tế và trong nước, những thuận lợi, khó khăn, những thách thức cũng như những vấn đề phải đối diện trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; các giới hạn và biên độ của chủ quyền không gian mạng trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế về; vấn đề đấu tranh chống tội phạm mạng và các hành vi vi phạm pháp luật khác đe dọa an ninh, chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Những yêu cầu mới đặt ra về quản lý, bảo vệ lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các văn kiện khác của Đảng. Yêu cầu, định hướng và các giải pháp tổng thể và các giải pháp cụ thể nhằm bảo bảo vệ vững chắc và hiệu quả chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Các đại biểu xem những cuốn sách tiêu biểu của Bộ Công an xuất bản tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. (Ảnh: HL)

Phát biểu kết luận Hội thảo, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh: Bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng, chống vi phạm và tội phạm mạng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt.

Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Đại tướng Tô Lâm đề nghị lực lượng Công an cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Bộ Công an về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, trọng tâm là Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về Chiến lược an ninh mạng quốc gia; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Kế hoạch số 43/KH-BCA-A05, ngày 18/02/2020 của Bộ Công an về thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng. Tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an với các bộ, ban, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh mạng; tổ chức phổ biến, tập huấn để nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ an ninh mạng cho các tổ chức, cá nhân, cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách quản lý và vận hành hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng./.

Cập nhật Thứ tư, 08/12/2021 15:30 (GMT+7)/Huy Lê/dangcongsan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...