Thứ hai, 06/05/2024, 08:17 [GMT+7]

Pan Khèo từ giã 'ả phù dung'

Thứ tư, 23/11/2016 - 22:16'
Từ trung tâm xã Thèn Sin (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), mất hơn một giờ đồng hồ ngược dốc, chúng tôi mới đến được Pan Khèo. Vẻ yên bình của bản Mông với 48 mái nhà ẩn mình bên vách núi chẳng gợi lên trong chúng tôi sự liên tưởng nào về quá khứ mấy mươi năm người dân nơi đây chìm trong khói thuốc phiện. Tìm hiểu ra mới biết, nhờ có sự thay đổi trong nhận thức của những con người tại cộng đồng dân cư vốn được người đời gán cho cái tên đầy nghiệt ngã - "bản nghiện", mà họ đã vượt qua nỗi khốn khổ vì thuốc phiện để cùng nhau hướng đến tương lai.

Quá khứ buồn

Ở cái tuổi ngoài 60, ông Sùng A Khay không thể nhớ đôi chân của mình đã vượt bao nhiêu đèo, lội qua bao nhiêu con suối và... trồng bao nhiêu nương thuốc phiện. Thời điểm ông Khay nhắc đến cách đây hơn chục năm trước, khi Pan Khèo còn chìm trong hoang vu cỏ dại, giữa tứ bề đá núi với 70% số người trong bản nghiện thuốc phiện. Cái thời mà mỗi khi có người lạ theo con đường độc đạo vào bản, ai cũng được "đón chào" bằng những ánh mắt cảnh giác cùng câu cửa miệng duy nhất là "chi pâu" (không biết) của dân bản. "Tại sao dân bản cứ "chi pâu" như vậy?". Tôi hỏi Sùng A Khay và nhận được câu trả lời ngắn gọn đến không ngờ: "Vì Pan Khèo là một "trọng điểm nghiện" mà...".

Ông Sùng A Khay kể với chúng tôi, trước kia, ở bản Pan Khèo, hầu như nhà nào cũng có người nghiện thuốc phiện. Và như một lẽ đương nhiên, để đáp ứng những "cơn phê" do "ả phù dung" mang lại, mỗi nhà đều có riêng cho mình những khoảnh thuốc phiện trồng gần như công khai bên những nương ngô, vườn cải. Với địa thế hiểm trở cùng những con suối dữ dằn vắt ngang con đường độc đạo vào bản, Pan Khèo trở thành một trọng điểm về người nghiện ma túy và nạn trồng cây thuốc phiện.

Thời gian ấy, trong bản, những phận người sống mòn mỏi với "nàng tiên nâu" cứ vật vờ trong hoang lạnh, đói nghèo và tình trạng nghiện ngập triền miên. "Có nhà cả vợ, chồng, con đều nghiện. Nghiện đến nỗi, nương ngô, con trâu, cái nồi, thậm chí cái cột nhà, bó củi... tất tần tật, đều tan theo khói thuốc phiện. Nghiện thì phải tìm mọi cách có cái để hút, vậy là người Pa Khèo cứ luẩn quẩn mãi với cây thuốc phiện mà không biết mình cũng như con cái, thế hệ tương lai của mình đang chết dần trong làn khói của nó..." - ông Sùng A Khay tâm sự với chúng tôi.

Pan Kheo tu gia 'a phu dung' - Anh 1

Đồng bào Mông ở Pan Khèo đang nỗ lực vượt khó, vượt nghèo để đi lên. Ảnh: Lê Thị Vân

Có một chuyện mà ông Sùng A Khay không nhớ ra, hay nhớ mà không muốn kể, nhưng Bí thư chi bộ bản Pan Khèo Giàng A Cháng thì không quên được. Đó là thói quen đã trở thành tập quán của không ít gia đình ở Pan Khèo xưa kia, hễ có khách quý hay trong nhà có việc là lại tổ chức ngả bàn đèn thuốc phiện. "Đơn giản mà! Vì với người nghiện không có gì quý bằng thuốc phiện. Chính vì vậy, tiếp khách hay đám cưới, đám ma... nếu không có thuốc phiện thì người ta cứ thấy thiếu thiếu cái gì...". Ông Cháng giải thích như vậy, rồi cho chúng tôi biết thêm, sau này, do cấp trên "làm căng", thuốc phiện không được những người nghiện ở Pan Khèo trồng và hút công khai như trước. Nhưng không phải vì thế mà tệ nạn nghiện ngập trong bản giảm đi, và điều đáng lo là theo thời gian, người trẻ "làm bạn" với thuốc phiện ngày càng nhiều thêm, khiến "danh sách nghiện" ở Pan Khèo ngày một dài ra.

Những nhát dao chém cột nhà...

Thào A Dơ là người có quá khứ nghiện thuốc phiện "ác liệt" nhất nhì bản Pan Khèo, từng một thời lấy hang đá làm nơi trốn chạy gia đình, ban ngày đi làm thuê lấy tiền mua thuốc phiện, để tối về hang co ro với cái tẩu cùng ngọn đèn dầu lập lòa như ánh ma trơi. Trò chuyện với chúng tôi, Thào A Dơ cũng thừa nhận một thực tế, cái bản nhỏ này xưa kia là một "ổ" thuốc phiện của xã Thèn Sin. "Có khi còn là trọng điểm thuốc phiện của cả huyện Tam Đường ấy chứ!".
Thào A Dơ đùa, rồi kể về những ngày phải sống như thân phận con giun, con dế, thân tàn ma dại vì thuốc phiện: "Mỗi lần thấy Công an xã cùng mấy người già trong bản đã cai nghiện thành công đến, tôi biết là mấy người đến vận động từ bỏ thuốc phiện nên vừa thoáng bóng họ đã lủi mất. Nhưng rồi họ cứ đến mãi nên không trốn được. Vả lại, đầu mình đã hiểu tác hại của thuốc phiện nên xác định phải tự giác cai...".
"Mấy người già" mà Thào A Dơ nhắc đến chính là ông Sùng A Khay, ông Giàng A Sử cùng vợ là bà Vàng Thị Dua. Theo lời Dơ, thì khi còn làm bạn với "ả phù dung", trong nhà họ cũng chẳng có gì, lại ốm yếu, người lúc nào cũng thâm tái, bợt bạt. Ấy vậy mà bây giờ nhìn họ vẫn chắc khỏe, minh mẫn, chính là nhờ đã từ giã được thuốc phiện. "Khi đó, trong bản vẫn còn rất nhiều người hút thuốc phiện. Nhưng nhờ những tấm gương cao tuổi đi đầu mà tôi cai thành công. Sau này, tôi còn tham gia vận động dân bản bỏ trồng cây thuốc phiện nữa đấy..." - Thào A Dơ khoe với chúng tôi một cách hồn nhiên.
"Lý lịch cai nghiện" của Thào A Dơ cũng được chính bà Vàng Thị Dơ xác nhận với chúng tôi, đại ý rằng, Thào A Dơ lấy được vợ, sinh con đẻ cái, còn làm được nhà to là nhờ cai thành công thuốc phiện. Bà Vàng Thị Dơ khoe với chúng tôi: "Nghe mồm nó nói, cái tay nó làm mà tôi ưng cái bụng lắm! Phải rồi! Phải cai để còn làm gương cho con cái thôi. Ngày xưa tôi cũng nghĩ thế, làm thế. Nhưng phải mất rất nhiều nhát dao chém vào cột nhà mới bỏ hẳn được thuốc phiện...".

Pan Kheo tu gia 'a phu dung' - Anh 2

Một góc Pan Khèo bình yên. Ảnh: Lê Thị Vân

Đem câu chuyện về những "nhát dao chém" mà cứ ngỡ là cách nói hình ảnh của người Mông trong câu chuyện của bà Vàng Thị Dơ kể với Bí thư Chi bộ bản Pan Khèo, chúng tôi được ông Giàng A Cháng giải thích, đó là những câu chuyện có thật xảy ra trong nhà đôi vợ chồng Sùng A Khay - Vàng Thị Dơ. Sau bao năm bị cái đói, cái nghèo "ghì sát đất" mà "thủ phạm" chính là thuốc phiện, ông Khay, bà Dơ cùng nhau quyết tâm bỏ thuốc phiện. Nhưng đâu phải dễ? Xác định phải cai đến cùng, họ đưa nhau vào rừng sâu "tạm trú" để mỗi khi lên cơn nghiện, người này thay nhau trói người kia vào gốc cây. Sau mỗi lần thế, họ trở về, mang dao chém vào cột nhà để cùng làm tin với nhau, cho đến khi đoạn tuyệt hẳn với thuốc phiện mới thôi.
Cũng theo Bí thư Chi bộ Giàng A Cháng, cái quý của những người cai nghiện thành công như ông Sùng A Khay hay vợ chồng Giàng A Sử - Vàng Thị Dua là ở chỗ, họ cai hẳn rồi mới giúp mọi người trong bản làm theo. Thực tế, quan trọng nhất là người nghiện được động viên tinh thần đúng lúc lên cơn nghiện. Sự xuất hiện cùng với những lời lẽ thuyết phục, giáo dục của những tấm gương cai nghiện thành công sẽ giúp họ quyết tâm hơn rất nhiều.

Rời Pan Khèo khi bóng chiều đã ngả, trên những nóc nhà trong bản nhỏ bắt đầu tỏa ra những làn khói bếp loãng tan vào thung núi, chúng tôi nhớ mãi lời của ông Sùng A Khay khi tiễn khách về xuôi: Đồng bào Mông ở Pan Khèo vẫn một lòng tin vào Đảng và Nhà nước. Trong quá khứ, chỉ vì trình độ dân trí quá thấp nên đồng bào ở đây mới sa đà vào khói thuốc phiện. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ mà đồng bào dần biết cách chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng, không còn u ám như xưa nữa. Chắc chắn Pan Khèo sẽ vượt khó, vượt nghèo để đi lên...

Chắc chắn là như vậy rồi! Bởi đó là niềm tin, cũng là lời cam kết của một người đại diện cho bao người đã quá hiểu những đau khổ do thuốc phiện mang lại cho vùng đất này. Đó cũng là một "nhát dao chém cột nhà" trước những gì mà chính quyền và các đoàn thể địa phương đã làm vì người dân Pan Khèo, để cho họ thấu hiểu nỗi khốn khổ vì ma túy và cái giá của sự đổi đời.

Theo PV/BÁO BIÊN PHÒNG/21/11/2016 17:30 GMT+7

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...