Thứ sáu, 26/04/2024, 11:57 [GMT+7]

Đề nghị công khai đại biểu 'bấm nút' để dân giám sát

Thứ ba, 29/03/2011 - 09:55'
Đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị, Quốc hội cần công khai danh sách đại biểu bấm nút thông qua các vấn đề đưa ra tại nghị trường để người dân có thể giám sát hoạt động của đại biểu.> Cần tăng điều kiện để đại biểu Quốc hội thực quyền hơn

Sáng 28/3, tại buổi thảo luận về báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội khóa 12, nhiều đại biểu thẳng thắn chia sẻ quan điểm về việc xây dựng luật, công tác giám sát cũng như tổ chức bộ máy của các cơ quan Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang cho hay, sau 4 năm Quốc hội đã thông qua 68 luật, trung bình mỗi năm làm được 17 luật. Và chỉ nhiệm kỳ 11-12, Quốc hội đã xây dựng được 152 trên tổng số 288 luật được làm từ năm 1946 tới nay.

Ông Vang đánh giá mức kinh phí trung bình dành cho công tác xây dựng, thẩm tra mỗi dự án luật hiện nay là quá thấp, chỉ 300 triệu đồng. "Chi phí cho 17 luật hằng năm chỉ có 54 tỷ đồng (gần 3 triệu USD) là quá ít so với yêu cầu để xây dựng một luật chất lượng. Nhiều nước chi trung bình một triệu USD cho mỗi luật", ông nói.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, muốn có luật tốt thì phải đầu tư tốt, không chỉ tiền bạc mà cả thời gian. Quốc hội không nên chạy theo số lượng mà nên vì chất lượng các luật.

Cho rằng, "Chính phủ trình gì, Quốc hội làm cái đó" mà chưa có sự chọn lọc, ưu tiên những luật cấp bách, đại biểu Ngô Minh Hồng ví von: "Hiện Quốc hội ở trạng thái được đưa món gì, ăn món đó. Có thể còn những món ngon hơn nhưng chúng ta không biết nên không thể yêu cầu". Còn đại biểu Phạm Thị Loan cho hay, hiện nhiều luật cần thiết (như Luật Đất đai) vẫn chưa được ưu tiên làm trước.

Ảnh: Tiến Dũng.
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Trên thế giới, hiện nhiều nước công khai và nhiều nước không công khai danh sách đại biểu bấm nút biểu quyết". Ảnh: Tiến Dũng.

Đồng quan điểm với đại biểu Hoàng Văn Toàn về việc địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội chưa rõ ràng, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào nêu ví dụ: "Có đại biểu xuống địa phương bị lãnh đạo xã khóa cửa, giữ xe thế mà người ấy không bị xử lý, vẫn là thường vụ huyện ủy. Điều này tôi thấy vô lý".

Là đại biểu được đề cập tới trong ví dụ trên, bà Phạm Thị Loan cho rằng, quyền năng của đại biểu hiện rất mờ nhạt khiến cho nhân dân thiếu tin tưởng vào đại biểu cũng như việc thực thi pháp luật của các cơ quan hành pháp.

"Chúng tôi rất trăn trở mỗi khi nhận được khiếu nại của nhân dân, bởi hiện đại biểu chỉ giống như cái cầu chuyển thông tin của cử tri đến các cơ quan hành pháp mà không biết người ta sẽ giải quyết thế nào.", bà chia sẻ.

Cùng đề nghị Quốc hội sớm thành lập Ủy ban Dân nguyện để tăng cường việc xử lý đơn thư khiếu nại của nhân dân, đại biểu Nguyễn Đăng Vang và Hoàng Văn Toàn cho hay, hiện nay ý kiến cử tri được các đại biểu chuyển đi nhưng "không có tác dụng gì".

Để tăng cường sự giám sát của người dân trước những vấn đề lớn được thông qua tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị công khai danh sách đại biểu "bấm nút". "Trên thế giới, hiện nhiều nước công khai và nhiều nước không công khai danh sách này. Vậy tại sao chúng ta không lựa chọn sự công khai để người dân giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội?", ông Quốc nói.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân ủng hộ: "Cử tri muốn biết đại biểu nào nhất trí, đại biểu nào không nhất trí khi biểu quyết những vấn đề đưa ra tại nghị trường".

Ảnh: Tiến Dũng.
Nhiều ý kiến cho hay, trong điều kiện hiện nay, không nhất thiết phải tăng số lượng đại biểu chuyên trách mà cần nâng cao tính chuyên nghiệp của các đại biểu. Ảnh: Tiến Dũng.

Đánh giá về chất lượng hoạt động của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Loan thẳng thắn: "Tôi thấy những đại biểu ngoài Đảng, không tham gia cơ quan hành pháp thì phát biểu rất tốt, còn những đại biểu tham gia các cơ quan này rất khó phát biểu". Đại biểu Nguyễn Đình Xuân bổ sung: "Không tỉnh nào muốn làm mất lòng trung ương nhưng nếu ai cũng muốn nói lời dễ nghe thì làm sao có thể tiến bộ được".

Từng tham gia một số đoàn giám sát của Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Phương Anh cho hay, hoạt động giám sát hiện vẫn mang tính hành chính bởi đại biểu đến nơi chỉ nghe đơn vị báo cáo, trong khi lẽ ra phải đi kiểm tra thực tế.

"Chúng ta giám sát rất nhiều, nhưng lại chưa đi đến cùng công việc, và chính quyền thì làm theo cách của họ", đại biểu Nguyễn Ngọc Đào dẫn chứng.

Lắng nghe 23 ý kiến đóng góp thẳng thắn và xây dựng của các đại biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến và sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội hoàn thành báo cáo nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng: "Tôi xin kiến nghị, Quốc hội nhiệm kỳ tới cần ưu tiên, tập trung trí tuệ để thông qua Luật sửa đổi Luật đất đai (hiện bất hợp lý, cản trở sự phát triển của đất nước) và Luật biển (để đưa đất nước giàu lên từ kinh tế biển).

Thực hiện chức năng của Quốc hội là quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia, tôi đề nghị Quốc hội nhiệm kỳ 13 cần thông qua nghị quyết khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa và trên biển Đông.

Tôi tin rằng, một nghị quyết như thế sẽ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước. Và cũng để cho mọi người hiểu rằng, cho dù người ta có vẽ bản đồ lưỡi bò hoặc lưỡi trâu trên biển Đông thì cũng không có ý nghĩa, không có giá trị gì đối với chúng ta".

Theo vnexpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...