Chủ nhật, 05/05/2024, 18:58 [GMT+7]

Người bán báo

Thứ tư, 27/04/2011 - 14:43'
Trời đang sẫm dần. Cả thành phố trong chốc lát đã chìm trong bóng tối, chỉ còn ánh sáng của đèn đường, xe cộ qua lại. Đây là giờ làm ăn của các quán xá. Như nhiều năm trước thì bây giờ mọi người đã về nhà tụ tập, xì xụp cơm nước với gia đình nhưng giờ đời sống cao người ta lại có xu hướng ra ăn tối bên ngoài thì phải? 

Quán Hùng mập nằm ngay sát bên lề phải của một con đường trên một phố lớn của Hà Nội. Người ra, người vào tấp nập. Tiếng hò "zô" ồn ã. Tiếng cốc chạm nhau chan chát. Tiếng cười, tiếng nói rộn rã, náo nhiệt cả dãy phố dài. Quán có vẻ làm ăn được. Ông chủ to béo đứng chỉ tay hướng dẫn nhân viên của mình. Đám nhân viên ít nhất cũng phải vài chục người mà chạy đi chạy lại, bưng bê chóng mặt.

Cả một cái quán rộng phải có đến trăm bàn nhậu. Cũng chỉ cần đầu tư có một vài cái bàn nhựa, ghế nhựa là ổn. Đồ nhậu được đem ra là các thực khách bắt đầu thả phanh uống, ăn và mở miệng hết cỡ. Bàn nào cũng vậy, ê hề thức ăn, bia chai đã mở, rượu đã khui. Thức ăn thừa thãi vương vãi khắp bàn, chưa hết món này món khác đã được bưng lên. Bia rượu tràn ra, đổ lênh láng cũng chưa kịp uống cho hết.

Các thực khách bắt đầu vào cuộc nhậu hăng say, tăng hết công suất uống, ăn và "zô" hò. Điện thoại bắt đầu réo tin tít. Những lời nói dối bắt đầu được sử dụng một cách nhuần nhuyễn để không gì có thể ảnh hưởng đến cuộc nhậu.

Ảnh: wn.com

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: wn.com

Đường phố bắt đầu vắng dần, không còn tấp nập người xe nữa. Giờ chỉ còn tiếng hò hét, đấu khẩu, khích bác của dân nhậu. Một người đàn ông thấp lùn bước vào quán. Bộ cánh rách rưới và thân hình mất cân đối với cặp chân như "cẳng gà" khiến ông trông giống một kẻ dị dạng. Ông lầm lũi đi vào quán, trên tay là rổ báo. Thì ra ông bán báo dạo chứ không phải là ăn xin.

Ông đi lần lượt từ bàn này sang bàn khác nhưng hình như không phải là đi mà là lê chân. Chậm rãi từng bước, từng bước một, ông xuất hiện trước các bàn nhậu đột ngột như kẻ phá đám. Không một ai để mắt đến bởi sự xuất hiện của người đàn ông lạ dường như gây cảm giác khó chịu cho các khách khứa đang mải mê trong cuộc vui của mình. Không một tiếng nào được thốt ra. Không một con mắt nào ngó nhìn. Con người khổ sở đó chỉ giơ giơ rổ báo ra trước mắt mọi người như một lời mời mua hàng. Ông ta câm? Hay còn lý do gì khác?

Nhìn kỹ một chút, khuôn mặt chữ điền tuy hơi đen nhưng khá cân đối và sáng sủa. Hai hốc mắt sâu hoắm chứa đầy vẻ mệt mỏi, thiểu não. Ánh mắt dường như đang mời mọc, đang gợi ý dân nhậu mua cho vài tờ báo. Ánh mắt như của một kẻ đói ăn đã nhiều ngày, một kẻ có những nỗi đau đớn vô tận trong cõi lòng và như muốn tuôn ra cả suối nước mắt ngay lập tức. Ánh mắt như thể ngày mai sẽ vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng nữa thì phải? Ánh mắt như muốn nói: tôi mệt mỏi lắm rồi, tôi đau đớn lắm rồi, tôi sắp chết rồi đây. Ánh mắt như van lơn, như cầu xin khẩn thiết dân nhậu hãy thương xót mà mua cho vài tờ báo. Ánh mắt như muốn nói rằng nếu không có ai mua báo thì tôi sẽ chết, nhà tôi cũng sẽ chết đói hết thôi.

Dường như không có ai để ý thân hình nhỏ bé ấy đang di chuyển một cách chậm chạp từ bàn này sang bàn khác, không ai để ý đến sự khẩn thiết, van lơn từ ánh mắt của con người khốn khổ ấy. Không ai liếc nhìn hắn hay những tờ báo dù chỉ là nửa con mắt. Họ vẫn đang "zô" hò và khích bác nhau uống cho cạn, cho say đến không biết đường về. Bỗng nhiên chủ quán xuất hiện và thấy chướng mắt khi có một kẻ rách rưới đang đi lại trong quán. Hắn thét lên:

- Cút ngay. Ai cho mày vào đây. Chỗ này là chỗ tao làm ăn chứ không phải để mày vào vạ vật ở đây đâu nhé!

Người đàn ông thẫn thờ bước ra khỏi quán. Cũng từng bước, từng bước chậm chạp nhưng đầu chúc hẳn xuống. Dáng đi như nghẹo sang một bên. Từng bước đi như không còn hơi sức nữa và rồi ông ta ngã khuỵu xuống vệ đường ngay trước cửa quán.

Cũng không một ai hay biết, không một ai để ý.

Vài nét về tác giả truyện ngắn:

Theo ngoisao

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...