Thứ sáu, 26/04/2024, 15:34 [GMT+7]

Khó khăn trong quản lý chó, mèo thả rông

Thứ tư, 24/04/2019 - 16:51'
(BLC) - Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định có nội dung quy định rất cụ thể về việc đăng ký nuôi, rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng... và mức xử phạt các hành vi vi phạm. Nhưng hiện nay, việc thực hiện các nghị định này trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ý thức của hộ chăn nuôi chưa cao

Theo Điều 6, Nghị định 05/2017/NĐ-CP về việc phòng, chống bệnh dại ở động vật do Chính phủ ban hành ngày 9/1/2017 quy định rất rõ ràng: “Chủ nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt...”. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Lai Châu, việc khai báo, đăng ký với chính quyền cơ sở của các hộ gia đình có nuôi chó, mèo hầu như chưa được thực hiện do ý thức của các hộ chăn nuôi chưa cao. Người dân nuôi chó, mèo chủ yếu là nuôi thả rông. Việc xích, nhốt giữ chó trong chuồng, cũi hoặc khi đưa chó ra ngoài, nơi công cộng, phải có rọ mõm và có người dắt rất ít được thực hiện, ngay cả ở khu vực thành phố và các thị trấn, thị tứ. Tại một số huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ, chính quyền cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, triển khai tới các hộ gia đình có nuôi chó, mèo để thực hiện việc khai báo, đăng ký với chính quyền cơ sở, nhưng việc triển khai chưa được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và triệt để.

Tình trạng chó thả rông không rọ mõm vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn thành phố Lai Châu.

Tình trạng chó thả rông không rọ mõm vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn thành phố Lai Châu.

Năm 2018, trên địa bàn một số huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên và thành phố Lai Châu đã tổ chức bắt chó thả rông. Công tác xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống bệnh dại trên động vật theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ đã được áp dụng nhưng còn hạn chế. Cụ thể mới xử lý 3 trường hợp vi phạm tại huyện Phong Thổ với số tiền phạt 1,8 triệu đồng. Các địa phương khác chỉ thực hiện cảnh cáo, nhắc nhở hộ gia đình có chó thả rông bị bắt và thu tiền thức ăn, công chăm sóc nuôi dưỡng trong thời gian chó bị bắt giữ. Việc có rất ít trường hợp bị xử phạt hành chính là do chính quyền cơ sở chưa kiên quyết, mạnh tay trong xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, việc bắt và xử lý chó, mèo thả rông không được thực hiện thường xuyên, chỉ thực hiện khi có dịch và có người chết vì chó dại cắn hoặc trong các chiến dịch của các cấp chính quyền tổ chức phát động.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phạm Anh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, công tác quản lý chó, mèo thả rông gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên có thể kể đến đó là phương thức chăn nuôi. Đặc thù chăn nuôi chó, mèo trong các hộ dân là làm cảnh, trông giữ nhà, nhiều hộ nuôi làm kinh tế, nuôi lấy thịt, vì vậy, số lượng nuôi thông thường từ 1 - 3 con và có thể nhiều hơn. Việc chăn nuôi chó, mèo hầu hết theo phương thức thả rông, đặc biệt là ở đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa còn rất phổ biến. Đó là một thách thức không nhỏ trong công tác quản lý đàn chó mèo, giám sát dịch bệnh dại, triển khai tiêm phòng nói riêng, phòng chống dịch bệnh nói chung. Công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai báo với chính quyền và quản lý chó, mèo không được thả rông hay phải đeo rọ mõm khi mang ra nơi công cộng gặp không ít khó khăn, bất cập. Trong quá trình nuôi, người dân chưa có ý thức đăng ký nuôi chó, số chó nuôi nhiều nhưng đăng ký ít; nơi nào làm tốt việc tuyên truyền thì người dân chỉ đăng ký định kỳ, không đăng ký mới khi phát sinh thêm như việc mua mới hoặc chó, mèo sinh sản tại gia đình. Chưa ý thức được việc nuôi nhốt, xích chó, đeo rọ mõm, nên chất thải được thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan đô thị. Đa số chính quyền địa phương chưa quản lý tốt chó nuôi, nhất là chó mới phát sinh, việc quản lý hiện mới chủ yếu là thống kê để thực hiện tiêm vắcxin phòng dại. Việc buôn bán, giết mổ chó mèo gần như tự do, chưa có sự quản lý của cấp chính quyền, chưa có quy trình giết mổ chó nên cơ quan Thú y rất khó kiểm tra, quản lý đối với các cơ sở, điểm giết mổ chó trên địa bàn.

Cần kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm

Để quản lý hiệu quả tình trạng trên, cần cương quyết yêu cầu chủ nuôi chỉ nuôi trong khuôn viên gia đình, quản lý nuôi xích, nhốt hoặc đeo rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng và tổ chức tiêm phòng vắcxin bắt buộc cho chó theo quy định. Cần công khai và có biện pháp xử lý nghiêm các hộ không đăng ký chó nuôi, thả rông chó, không chấp hành tiêm vắcxin phòng dại cho chó. Thành lập và duy trì tổ bắt chó thả rông theo quy định và áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi không chấp hành quy định về quản lý cho nuôi theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Thực hiện việc thông tin trên các phương tiện truyền thông của địa phương và niêm yết tại trụ sở của UBND xã, phường, khu dân cư, tổ dân phố đối với các hộ có nuôi chó vi phạm các quy định trong phòng chống bệnh dại.

Các địa phương cần chủ động tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung trong Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 09/5/2018 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo hệ thống mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn chó, phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định; chỉ đạo việc quản lý và tổ chức thống kê tổng đàn chó mèo, theo dõi rà soát biến động đàn chó, mèo trên địa bàn; lập sổ sách theo dõi số lượng chó, mèo của từng hộ gia đình; phối hợp với ngành y tế trong thông tin dịch bệnh, xử lý ổ dịch; phối hợp với các cơ quan báo, đài thông tin tuyên truyền về những quy định khi nuôi chó mèo, tính chất nguy hiểm của bệnh dại và biện pháp phòng chống hiệu quả. Chính quyền các địa phương cần vào cuộc, quyết liệt có biện pháp quản lý chó mèo, cấm thả rông, tiêm phòng triệt để, đồng thời tăng cường lực lượng kiểm tra, xử phạt theo quy định để răn đe các trường hợp cố tình không chấp hành.

Đối với người chăn nuôi cần chủ động và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc quản lý đàn chó mèo cũng như trong công tác phòng chống bệnh dại; đăng ký, khai báo và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó mèo, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trong chăn nuôi, chỉ được nuôi thả chó trong khuôn viên của gia đình, chuồng nuôi phải được che chắn, cách ly. Khi đưa chó ra khỏi khuôn viên của gia đình phải có dây xích, rọ mõm và có người dắt. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin, đặc biệt là vắcxin phòng dại định kỳ hàng năm. Khi phát hiện chó, mèo có những biểu hiện bất thường như: bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, hung dữ khác thường thì báo ngay cho nhân viên thú y xã, trưởng bản, tổ dân phố và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Phương Thảo

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...