Thứ sáu, 26/04/2024, 13:13 [GMT+7]

Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới

Thứ hai, 24/01/2022 - 10:04'
Những năm qua, các cấp, các ngành huyện Phong Thổ triển khai đồng bộ các giải pháp dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới (BĐG) trên địa bàn. Tuy nhiên, đây được coi là một bài toán khó đối với vùng biên giới; cần nhiều thời gian để thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành động của người dân.

Mất bình đẳng giới - hệ lụy khó lường

Chúng tôi cùng cán bộ xã Pa Vây Sử đến thăm gia đình anh Sùng A Dì (ở bản Pờ Xa). Đây là một trong những hộ nghèo, đông con của xã. Tiếp đón chúng tôi khi chưa hết mùi rượu, anh Dì chỉ cười, rồi bảo: Tôi chỉ uống một chút khi có việc vui hoặc nhà nấu được rượu thôi.

Vào trong nhà, cảnh tượng trước mắt chúng tôi là chiếc bàn nhỏ cũ kỹ, chiếc máy khâu chân đã mòn bên cạnh. Hai con trai nhỏ của anh đang hí hoáy xem điện thoại bên bếp lửa hồng. Trời lạnh, chúng tôi phải mặc mấy chiếc áo khoác dày mới đủ ấm, ấy mà các con của anh Dì mặc một áo mỏng. Tài sản quý nhất của gia đình là mấy bao thóc để góc nhà, một ít sắn đang hong trên bếp; 3 con trâu và hơn chục con ngan. Được biết, gia đình anh Dì có 6 người con, 4 con gái và 2 con trai. Đứa lớn đi lấy chồng, đứa bé nhất đang học lớp 2.

Cán bộ xã Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ) tuyên truyền công tác bình đẳng giới tới người dân.

Biết sinh con đông sẽ kéo theo nghèo đói, con không được học hành tử tế, nhưng người dân vùng sâu, vùng khó khăn vẫn lựa chọn. Tâm sự với chúng tôi, đồng chí Mùa A Hồ - Chủ tịch UBND xã Pa Vây Sử cho hay, ở đây có những hộ sinh 7 cháu gái, có ý định để sinh tiếp khi nào có được con trai mới dừng lại. Chúng tôi đi tuyên truyền, vận động suốt nhưng không được. Thiếu đất canh tác, dân số đông là những nguyên nhân khiến cho kinh tế - xã hội trên địa bàn chưa có nhiều khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 70%.

Qua tìm hiểu thông tin trên địa bàn, được biết, sự chênh lệch về giới, mất bình đẳng giới do phong tục tập quán, hủ tục. Đặc biệt vùng sâu, vùng xa mang nặng tư tưởng và quan niệm: phụ nữ chỉ làm việc nội trợ và chăm con; nam giới là trụ cột, lo phát triển kinh tế. Từ đó, đã dẫn đến những vụ bạo lực gia đình; áp lực quan niệm sinh con trai, con gái mà một số phụ nữ tự tử để giải thoát cho bản thân. Nhiều gia đình ly tán, những đứa trẻ trở thành nạn nhân của tội phạm xã hội. Xa hơn, thiếu nguồn nhân lực nữ để đào tạo làm cán bộ các xã biên giới trong tương lai. Thực tế cho thấy, hiện nay ở trụ sở của các địa phương, tỷ lệ nữ cán bộ, công chức làm việc thấp, có xã chỉ duy nhất Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã là nữ.

Đa dạng nội dung, hình thức thực hiện

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới trên địa bàn, hàng năm huyện chỉ đạo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (BVSTBPN) xây dựng kế hoạch hành động gắn với công tác bình đẳng giới với 5 mục tiêu và 26 chỉ tiêu thực hiện đồng bộ.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mai Thị Hồng Sim - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Thực hiện chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, theo kế hoạch của UBND tỉnh, UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị, địa phương triển khai các nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Vận động người dân phát huy các phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Chỉ đạo Phòng Dân tộc tiếp tục thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện”. Đồng thời, huyện quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn; vay vốn phát triển kinh tế.

Cùng với đó, Hội LHPN huyện thường xuyên phối hợp với tổ chức Plan Lai Châu triển khai các mô hình, câu lạc bộ cho phụ nữ, trẻ em nữ tham gia. Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững; đứng lên làm chủ kinh tế gia đình. Thực hiện lồng ghép giới trong các chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo và việc làm của Chính phủ, hội các cấp. Ngoài ra, các trường học trên địa bàn huyện tăng cường công tác bồi dưỡng, giảng dạy nội dung giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới cho giáo viên, học sinh. Các cơ quan, đơn vị chú trọng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; tích cực phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái.

Đồng chí Mai Thị Hồng Sim cho biết thêm: Với nhiều giải pháp đó, nhận thức của người dân về bình đẳng giới đã có chuyển biến tích cực. Số vụ bạo lực gia đình giảm. Tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn huyện tăng, năm 2021 toàn huyện có 80,6% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; hội viên phụ nữ tự tin, mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế, làm chủ gia đình; nhiều chị em chủ động tham gia vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với vai trò là bí thư chi bộ bản.

Theo đánh giá của huyện Phong Thổ, tuy có nhiều kết quả khả quan, song công tác bình đẳng giới trên địa bàn còn chưa sâu; chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới; tỷ lệ mất cân bằng giới tính, các hộ sinh nhiều con vẫn ở mức cao. Vì vậy, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự thay đổi nhận thức, hành động của Nhân dân.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...