Thứ sáu, 03/05/2024, 01:16 [GMT+7]

Nỗi buồn năm cũ!

Thứ sáu, 01/02/2013 - 15:53'
Tết đến là dịp nhà nhà đoàn viên, người người đoàn tụ. Mỗi người Việt, dù vất vả "tha phương" ở đâu, mỗi dịp tết đến, xuân về đều cố gắng trở về, thắp nén nhang trước ban thờ gia tiên, tri ân, báo hiếu cha mẹ. Nhưng không phải ai cũng may mắn kiếm cho mình phương tiện đi lại thuận lợi, thích hợp. Nguyên nhân thì vẫn như muôn năm cũ: Phương tiện quá tải, không thể đáp ứng nhu cầu vào dịp cao điểm.

Tết Nguyên đán năm nay được nghỉ dài, thời gian đi lại "xông xênh" hơn, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc dễ kiếm tìm phương tiện. Tại TP Hồ Chí Minh, đầu mối giao thông lớn của cả nước, nhu cầu đi lại trong những ngày áp tết năm nào cũng căng. Tàu hỏa là phương tiện đi lại phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động, nhưng không dễ mua vé. Đơn giản bởi, năng lực của ngành đường sắt có hạn, chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu tăng cao trong những ngày cao điểm. Dù đã "xoay" đủ cách từ tự động lấy phiếu xếp hàng, xếp hàng qua tin nhắn, bán vé qua internet… nhưng kết quả vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Ngành đường sắt đã phải "biến" giường nằm thành ghế ngồi, bán thêm ghế phụ để tăng số lượng chuyên chở, nhưng… người vẫn nhiều hơn ghế. Theo quy định, mỗi đoàn tàu chỉ được tăng thêm 15% ghế phụ nhưng với quan điểm không để người lao động nghèo không có vé tàu, năm nay Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng thêm 5% ghế phụ nữa. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ đủ làm "dịu" phần nào cơn "khát" vé.

Không có vé tàu hỏa, "thượng đế" ít tiền đành tìm đến ô tô, loại phương tiện kém an toàn hơn. Và trên thực tế, những ngày giáp tết thường xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm. Thế nhưng, ở TP Hồ Chí Minh, xe chất lượng cao, có thương hiệu cũng đã hết vé đi vào dịp cao điểm từ nhiều ngày trước, không nhiều tiền đành nhắm mắt, đưa chân lên xe không bảo đảm. Hà Nội, dù không "nóng" như TP Hồ Chí Minh, nhưng không ít nhà xe đã tính chuyện tăng tới 50-60% giá vé. Lý do đưa ra lúc nào cũng có lý: bù đắp chi phí cho chiều vắng khách. Cơ chế thị trường, biết làm sao?

Đúng là không dễ giải quyết bài toán mất cân đối cung cầu. Việc tăng ghế phụ tàu hỏa, tăng chuyến xe khách tối đa là một nỗ lực đáng ghi nhận. Nhưng ghế phụ tàu hỏa cũng chỉ phục vụ người đi tuyến ngắn, chứ ngồi quá nửa ngày, về đến nhà có khi… mất tết vì ốm. Cũng chẳng ai dám liều mình lên xe nếu biết tài xế chạy như "ăn cướp", bất chấp sinh mạng bản thân và hành khách. Tuy nhiên, không hẳn là không có giải pháp. Một số doanh nghiệp, đơn vị đã có sáng kiến thuê ô tô chở công nhân về quê ăn tết, thậm chí là tài trợ vé miễn phí! Vào ngày 26, 27 tháng Chạp, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng lập đoàn tàu Bắc Ninh - Thanh Hóa để chở 5.000 công nhân của một doanh nghiệp về quê. Tất nhiên, việc tổ chức những chuyến xe, chuyến tàu như vậy không dễ và chỉ có thể thực hiện khi có nhiều hành khách cùng đi một tuyến. Một doanh nghiệp không đủ người cho một chuyến xe, một chuyến tàu, nhưng 10 doanh nghiệp, 20 doanh nghiệp, một khu công nghiệp… thì hoàn toàn có thể. Vấn đề là cách thức tổ chức và trách nhiệm của doanh nghiệp, công đoàn với người lao động.

Chắc hẳn, nếu được đi những chuyến tàu, chuyến xe an toàn, bảo đảm chất lượng, dù có đắt thêm một chút, "thượng đế" vẫn vui vẻ chấp nhận, bởi không ai muốn bước chân lên những chuyến xe vừa không an toàn, vừa bị "chém đẹp"! Nếu sáng kiến trên được phát huy, người lao động sẽ đón tết vui hơn, bởi bớt đi những "nỗi buồn năm cũ"!

Theo Nguyễn Đức (Hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...