Thứ sáu, 26/04/2024, 10:20 [GMT+7]

Sâu keo mùa thu phát sinh gây hại mạnh trên cây ngô

Thứ ba, 23/04/2019 - 13:45'
(BLC) - Hiện, nông dân trong tỉnh đã tiến hành làm đất gần 17.000ha, gieo trồng 15.878ha ngô thu đông. Thời gian qua, trên cây ngô ở giai đoạn 3 lá đến xoáy nõn, trỗ cờ xuất hiện sâu keo mùa thu (lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam) gây hại với tốc độ lây lan rất nhanh. Nếu ngày 4/4, diện tích gây hại khoảng 43ha, đến nay tăng lên gần 700ha.

Trên diện tích gần 1.000m2 đất ruộng, các năm trước chỉ trồng mía tím thì năm nay, ông Nguyễn Đăng Tỉnh (khu 32, thị trấn huyện Tân Uyên) quyết định trồng xen ngô nếp và để lại một số mảnh trồng ngô tẻ. Cách đây gần 1 tháng, ông phát hiện ngô trồng xen mía bị sâu ăn lá và nõn. Khi bóc nõn ngô, thấy sâu (gần giống như sâu đất), thân to, dài, cây ít 1 con, nhiều có tới 2 con nằm gọn trong đó. Đặc biệt, có những con đã đục lỗ chui xuống thân. Chỉ 10 ngày sau, một số ruộng, lá ngô như vừa trải qua trận mưa đá.

Ông Tỉnh chia sẻ: Mặc dù nhiều năm làm nông nghiệp nhưng lần đầu tiên tôi chứng kiến một loại sâu có sự tàn phá nhanh như vậy. Tập trung nhiều nhất ở diện tích ngô xoáy nõn và trỗ cờ. Tôi chủ động tìm hiểu, nhờ cán bộ khuyến nông huyện tư vấn mua thuốc bảo vệ thực vật loại Gà nòi 95SP về phun. Riêng diện tích ngô mới trồng, tôi đã phun đến lần thứ 3 nên hạn chế tình trạng sâu gây hại. Qua một số lần thử nghiệm, chỉ có cách phun sớm ngay khi phát hiện sâu và xử lý theo hình thức tách ngọn bắt và chụm vòi phun vào ngọn ngô mới có tác dụng.

Phát hiện trên cây ngô có loài sâu mới gây hại, ông Vũ Văn Hiểu ở bản Tòng Pẳn (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) kịp thời báo cáo với xã. Theo đó, xã Bình Lư cử cán bộ khuyến nông phối hợp với trưởng các bản rà soát, kiểm tra cánh đồng trồng ngô trên địa bàn. Đồng thời, xin ý kiến cơ quan chuyên môn khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phương pháp phòng trừ. Thực hiện phòng trừ theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn huyện cũng như trên bao bì thuốc, ông Hiểu tiến hành phun 3 lần thuốc và sâu bệnh đã giảm.

Được biết, ngày 19/2, Cục Bảo vệ thực vật có công văn về việc điều tra và theo dõi loài sâu keo mùa thu - đối tượng dịch hại mới chưa xuất hiện ở Việt Nam. Đây là loài sâu hại đa thực, gây hại nặng trên nhóm họ hòa thảo như: ngô, lúa, mía... Sâu trưởng thành đẻ trên 800 trứng và có khả năng bay xa 100km/đêm; sau một thế hệ, phạm vi phân bố có thể rộng trên 400km. Tuy nhiên được cảnh báo có khả năng phát tán và gây hại nghiêm trọng, khó kiểm soát nếu không có biện pháp phát hiện và phòng chống kịp thời.

Căn cứ kết quả điều tra, giám sát đồng ruộng của các địa phương trong tỉnh, đầu tháng 4, trên ngô xuân sớm giai đoạn 5 lá đến xoáy nõn xuất hiện sâu keo gây hại tại các huyện: Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, diện tích gây hại khoảng 43ha với mật độ sâu cao, phát tán nhanh, nhiều diện tích nặng. Căn cứ đặc điểm hình thái, triệu chứng gây hại, nghi ngờ đây là đối tượng sâu keo mùa thu đang được cảnh báo, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã gửi mẫu đến Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật để giám định.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra tình hình gây hại của sâu keo mùa thu trên cây ngô tại xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên).

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra tình hình gây hại của sâu keo mùa thu trên cây ngô tại xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên).

Bà Trương Thị Nhàn - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Trước cảnh báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố điều tra, giám sát sự phát sinh gây hại của sâu keo mùa thu. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có diện tích ngô nhiễm loại sâu này lên tới gần 700ha, gây hại chủ yếu ở các huyện: Tân Uyên, Phong Thổ, Tam Đường và thành phố Lai Châu. Một số huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn sâu bắt đầu phát sinh.

Chi cục đã cử cán bộ chuyên môn về cơ sở điều tra, giám sát. Cũng là đối tượng dịch hại mới, trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn cấp trên, Chi cục phối hợp với địa phương giám sát và tư vấn cho nông dân biện pháp phòng trừ. Trước mắt, tập trung vào diện tích ngô 3 lá đến giai đoạn xoáy nõn, đây là giai đoạn mật độ sâu gây hại rất cao. Tiến hành phòng trừ, khuyến cáo bà con sử dụng một số loại thuốc nội hấp, lưu dẫn, đặc biệt giai đoạn ngô xoáy nõn đến trỗ cờ không sử dụng các loại thuốc tiếp xúc, hiệu quả không cao.

Cụ thể, nông dân nên dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật hoạt chất Diazinon, Dimethoate, Cartap có tính nội hấp, lưu dẫn, xông hơi để phòng trừ bằng các biện pháp rắc, phun trực tiếp vào thân, nõn cây bị hại kết hợp áp dụng bẫy bả chua ngọt để bẫy con trưởng thành. Đối với thuốc rắc, xử dụng các loại thuốc: Vibasu 10GR, Diaphos 10GR, Basitox 5GR, Vibam 5GR, Carasan 5GR. Thuốc phun sử dụng Diaphos 50EC, Padan 95SP, Gà nòi 95SP... Bà con chú ý phun, rắc thuốc đúng nồng độ, liều lượng trên bao bì, phun tập trung vào nõn cây ngô, khu vực cây ngô bị sâu keo gây hại. Nơi nào sâu có mật độ, tỷ lệ cao cần xử lý kép 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày.

Vừa kết thúc đợt phòng trừ dịch hại trên lúa rồi phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, giờ thì sâu keo mùa thu gây hại mạnh trên cây ngô. Chưa đầy 4 tháng, nông dân trong tỉnh phải đối mặt với quá nhiều khó khăn trong chăn nuôi, trồng trọt. Do đó, đòi hỏi ngành Nông nghiệp tỉnh, các địa phương phân công, bố trí đội ngũ cán bộ chuyên môn hợp lý đảm bảo vừa kiểm soát tốt dịch tả lợn Châu Phi, đồng thời giám sát và chỉ đạo phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại trên lúa đông xuân, đặc biệt là sâu keo hại ngô.

Kim Hồng Ninh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...