Chủ nhật, 05/05/2024, 09:19 [GMT+7]

Tin ở cơ sở...

Thứ sáu, 18/01/2013 - 08:18'
Từ 1-1-2013, gần 40 triệu phương tiện cơ giới trên cả nước sẽ  phải đóng phí bảo trì đường bộ. Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Nguyễn Hữu Trí cho biết, chỉ tính đến 14h ngày 2-1, các trung tâm đăng kiểm trên cả nước đã thu hơn 7 tỷ đồng Quỹ Bảo trì đường bộ. Mừng thay! 

Thế nhưng, đó chỉ là với ô tô. Còn với xe máy? Theo Thông tư hướng dẫn số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, chủ xe nộp phí qua UBND xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, đến nay các địa phương vẫn chưa thể triển khai thực hiện, bởi chưa có phương án thu cụ thể được HĐND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt. Cán bộ cấp cơ sở chỉ còn biết đợi HĐND họp, thông qua rồi… tính tiếp.

Lẽ ra, có phương án rồi, cứ thế mà làm, sao phải tính? Nhưng đúng là phải tính thật, đau đầu là khác, bởi ngoài trách nhiệm trực tiếp với cấp trên, cán bộ địa phương còn phải bảo đảm quan hệ với "con dân" địa phương. Lo ngại hơn là mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định sẽ phải truy thu phí kể từ 1-1-2013. Khổ nỗi, việc thu loại phí này với xe máy phải dựa vào tinh thần tự giác, tự kê khai của người dân. Hiện cả nước có khoảng 37 triệu xe máy, rải khắp mọi miền, chẳng biết ai là chính chủ. Thu "tươi" còn chưa biết cách, huống chi truy thu! Chuyện xe chính chủ còn chưa "nguội" cho thấy trở ngại không nhỏ trong việc thu phí bảo trì đối với xe máy. Đến như lực lượng công an hùng hậu còn gặp khó khăn trong kiểm soát phương tiện, nữa là cán bộ cấp cơ sở "quyền rơm, vạ đá", lại phải kiêm nhiệm nhiều, chắc chắn khó khăn gấp bội.

Thu phí bảo trì đường bộ là chủ trương đúng và rất cần thiết. Nhiều năm nay, ngân sách dành cho bảo trì đường bộ chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu. Thời bất động sản đang thịnh, việc đổi đất lấy hạ tầng qua các dự án BT còn thuận, nay "đóng băng" nên không dễ. Vả lại, quỹ đất cũng có hạn.

Còn nhớ, khi mới xây dựng dự thảo Quỹ Bảo trì đường bộ, lãnh đạo Bộ GTVT thiên về ý định thu qua giá xăng dầu, đơn giản bởi sẽ công bằng, chính xác nhất. Đi nhiều phải nộp nhiều, đi ít, nộp ít! Thế nên nhiều doanh nghiệp vận tải đang kêu trời vì sản xuất đình trệ, nguồn hàng giảm, xe "đắp chiếu" mà vẫn phải nộp phí. Tuy nhiên, nếu thu phí qua xăng dầu thì những người sử dụng loại nhiên liệu này phục vụ sản xuất sẽ thiệt thòi. Đáng lý, nếu giải tốt bài toán này, việc thu phí sẽ thuận lợi hơn, tất nhiên, khi đó "vất vả" sẽ chuyển sang một số cơ quan quản lý khác như thuế, vật giá, tài chính... thay vì rơi vào chính quyền cơ sở. Thế nhưng, sau nhiều hồi tính toán, bàn thảo giữa các cơ quan chức năng, "trọng trách" được trao cho cơ quan đăng kiểm và chính quyền cơ sở. Đăng kiểm đương nhiên là mừng vì chủ ô tô phải "tự giác" đến nộp, lại có thêm tiền công thu, nhưng chính quyền địa phương thì khác… "Trát" đã giáng xuống, chỉ còn cách nghiên cứu, sáng tạo thực hiện hiệu quả.

Chính quyền cơ sở vốn có nhiều ý tưởng, phương pháp thực hiện sáng tạo để đưa chính sách vào cuộc sống. Hy vọng, sắp tới tiếp tục có nhiều sáng kiến… để thu và truy thu phí bảo dưỡng đường bộ hiệu quả. Đành tin và chờ vào cơ sở!

Theo Nguyễn Đức (Hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...