Thứ năm, 02/05/2024, 22:36 [GMT+7]

APEC 2017: Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Thứ hai, 28/08/2017 - 10:31'
Ngày 27/8, tại TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công thương phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc tế tổ chức Đối thoại của APEC về các Hiệp định Thương mại khu vực và Hiệp định Thương mại tự do (RTA/FTA) trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi Đối thoại (ảnh:TTXVN)

Tham dự buổi Đối thoại bao gồm các trưởng SOM APEC, các Quan sát viên chính thức APEC, các vị diễn giả, đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC và Việt Nam, giới học giả và đại diện cộng đồng doanh nghiệp. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 đã tới tham dự và khai mạc Đối thoại.

Tại Đối thoại, các đại biểu tập trung thảo luận về đầu tư thương mại và dịch vụ trong các Hiệp định Thương mại khu vực và Hiệp định Thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương; sự tham gia của các bên vào các hiệp định; chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như đánh giá tác động của các hiệp định... Đồng thời, các đại biểu đưa ra nội dung công việc tiếp theo của APEC trong thời gian tới, bao gồm nội dung thực hiện Tuyên bố Lima về xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Hiện APEC đang trong quá trình phấn đấu hoàn thành mục tiêu Borgo về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 cũng như xác định một viễn cảnh cho APEC về việc thành lập FTAAP.

Đây là sự kiện quan trọng ở cấp Quan chức cao cấp APEC (SOM) và được chờ đợi hàng năm để các thành viên chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm trong đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định Thương mại khu vực và Hiệp định Thương mại tự do tại châu Á – Thái Bình Dương.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017 cho biết: Chủ đề của Đối thoại này phù hợp với chủ đề Năm APEC 2017 là “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Với chủ đề của năm, các nền kinh tế thành viên xác định đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng, tiếp tục là một trọng tâm hợp tác của APEC. Trong đó, có nội dung thúc đẩy Hiệp định Thương mại khu vực và Hiệp định Thương mại tự do và hướng tới hình thành một Khu vực thương mại tự do (FTAAP) trong tương lai, sau khi đã hoàn thành mục tiêu Borgo.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới và khu vực có dấu hiệu phục hồi tích cực, việc tranh thủ tối ưu các lợi ích từ Hiệp định Thương mại khu vực và Hiệp định Thương mại tự do khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực. Nhờ vào tác động của các Hiệp định Thương mại tự do, giao dịch thương mại nội khối của APEC đã tăng trưởng 274%, từ 2.300 tỷ USD lên 6.300 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2016.

Trong gần 30 năm qua, các Hiệp định Thương mại khu vực và Hiệp định Thương mại tự do tại khu vực APEC - nơi tập trung hơn một nửa các Hiệp định Thương mại tự do trên thế giới, đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô và tính chất. Theo thống kê của Ban Thư ký APEC quốc tế, tính đến năm 2016, hiện đã có khoảng 165 Hiệp định Thương mại tự do, trong đó bao gồm ít nhất một thành viên APEC tham gia đã đi vào hiệu lực; gần 60 Hiệp định Thương mại khu vực và Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết và thực thi giữa nội bộ các thành viên APEC. Hiện có ngày càng nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới được đàm phán và ký kết tại khu vực, tập trung vào các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, các vấn đề sau biên giới cũng như các rào cản mang tính phi thuế.

Trên thực tế, các Hiệp định Thương mại tự do mang lại nhiều lợi ích to lớn về tăng trưởng kinh tế, tiếp cận thị trường, thu hút FDI, tác động cải cách thể chế, luật lệ trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu hiện nay, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề đặt ra là cần các giải pháp để tranh thủ tối ưu các lợi ích kinh tế - xã hội của các Hiệp định Thương mại tự do, giảm tác động bất lợi từ chi phí điều chỉnh, sự bất bình đẳng thu nhập gia tăng… Do vậy, việc APEC tiến hành chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận chính sách về đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại khu vực và Hiệp định Thương mại tự do tại châu Á – Thái Bình Dương là hữu ích, thiết thực để cùng phát triển kinh tế, ổn định xã hội và chia sẻ thịnh vượng chung trong toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo VL/dangcongsan/15:59 27/08/2017

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...