Thứ bảy, 04/05/2024, 23:10 [GMT+7]

Diễn đàn kỳ họp

Thứ sáu, 17/07/2015 - 10:24'
(BLC) - Trong chương trình kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2015, các tờ trình, dự thảo các Nghị quyết của kỳ họp, phóng viên Báo Laichâu Online ghi lại một số ý kiến.

Sớm xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su

Đại biểu Dì A Xà – Tổ đại biểu HĐND huyện Phong Thổ: Những năm qua, Nhân dân trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả sang góp đất trồng cây cao su. Qua đó, giúp người dân giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Riêng huyện Phong Thổ đến thời điểm này, tổng diện tích cây cao su đạt gần 1.200ha, trong đó có 700ha của huyện trồng từ năm 2006 ở các xã Khổng Lào, Mường So, Hoàng Thèn đã cho khai thác mủ. Hiện nay, bà con chủ yếu bán mủ cao su sang Trung Quốc nhưng bị thương lái ép giá. Cuối năm 2014, 1kg mủ cao su thương lái mua với giá 40 nghìn đồng nhưng đến thời điểm này chỉ còn 20 nghìn đồng nên người dân đang lo lắng đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đề nghị tỉnh, các công ty cao su cần có cơ chế hỗ trợ rõ ràng, sớm xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su tại huyện Phong Thổ, Sìn Hồ giải quyết đầu ra cho sản phẩm để người dân yên tâm gắn bó lâu dài với cây cao su.

Hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đại biểu Lý Anh Hừ - Tổ đại biểu HĐND huyện Mường Tè: 6 tháng đầu năm thực hiện toàn tỉnh thực hiện thu hồi, giao đất cho các tổ chức với diện tích 232,77ha, cấp 48 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức đạt 77,4% kế hoạch. Cấp cho hộ gia đình và cá nhân 2.055 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đạt 12% kế hoạch.

Tuy nhiên tỷ lệ cấp GCNQSDĐ cho gia đình, cá nhân đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân thời gian tới các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho Nhân dân về công tác đăng ký cấp GCNQSDĐ. UBDN tỉnh cần đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các huyện đang vướng mắc. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương phối hợp với các sở, đơn vị chức năng cùng thực hiện.

Nâng cao chất lượng cung ứng giống


Đại biểu Sùng Lừ Páo – Tổ đại biểu HĐND huyện Tam Đường: Ba năm trở lại đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đã tích cực khảo nghiệm và đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương vào gieo trồng. Đặc biệt với cây ngô, tỉnh cũng đưa vào nhiều giống ngô mới như: CP999, CP989, VN10… hướng tới hình thành các vùng chuyên sản xuất ngô hàng hóa. Hiện nay, các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên đều đã hình thành các vùng sản xuất ngô hàng hóa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương.

Tuy nhiên vụ ngô xuân hè năm nay tại các xã: Khun Há, Bình Lư (huyện Tam Đường) có 4,3ha giống ngô NK4300 do Công ty Cổ phần Giống Vật tư Lai Châu cấp có bắp nhưng không có hạt, tỷ lệ ngô có hạt chỉ đạt 30 – 40%. Đây là lần đầu tiên huyện đưa giống NK4300 vào trồng thử nghiệm, tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm kiểm tra và có giải pháp khắc phục. Bà con cũng mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ giống để bổ sung vào diện tích trồng ngô đông xuân sắp tới, song khi cấp giống cần kiểm tra chất lượng giống có phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của địa phương.

Có chính sách hướng nghiệp cho thanh niên


Đại biểu Khoàng Thị Thanh Nga – Tổ đại biểu HĐND huyện Phong Thổ: Hiện nay, tỷ lệ con em trên địa bàn tỉnh học xong ở các trường trung cấp, cao đẳng nghề khi ra trường không xin được việc làm chiếm khá cao. Tỉnh ta chưa có các khu công nghiệp nên nhu cầu việc làm rất ít. Hơn nữa do các em học ở các trường nghề nên không nằm trong diện thi tuyển công chức để vào các xã, ban, ngành. Vì vậy, các em ra trường vẫn chưa tìm được việc làm. Nhiều gia đình như ở các xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ), Bum Nưa (huyện Mường Tè) đã vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội cho con đi học nhưng hiện nay vẫn chưa có tiền trả, chủ yếu rơi vào các hộ nghèo, cận nghèo.

Để tránh tình trạng này, các trường học cần chú trọng làm tốt khâu tuyên truyền, hướng nghiệp để các em lựa chọn các ngành nghề phù hợp. Đồng thời mong muốn UBND tỉnh bổ sung kinh phí theo Đề án 1956 cho thanh niên để tổ chức tốt định hướng nghề nghiệp, xây dựng nhiều mô hình kinh tế tạo công ăn việc làm cho thanh niên, giúp thanh niên có kiến thức, tiếp cận nhiều mô hình mới.

Quan tâm phát triển du lịch

Đại biểu Lò Văn Chỉnh - Tổ đại biểu HĐND thành phố Lai Châu: Tỉnh ta có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc trưng riêng, điều đó tạo sự đa dạng về bản sắc văn hóa, phong phú về nét sinh hoạt cộng đồng. Hơn nữa tỉnh cũng có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Thác Tác Tình, động Pusamcap… Đây là tiềm năng để tỉnh phát triển du lịch. Trong những năm qua, tỉnh cũng đã quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 song việc thực thi còn hạn chế, số lượng du khách đến thăm quan tại tỉnh còn ít. Nguyên nhân là do đường giao thông đến các điểm du lịch còn khó khăn, chưa có hướng dẫn viên du lịch, thiếu điểm ăn nghỉ, dịch vụ bán quà lưu niệm… Mong rằng thời gian tới, HĐND, UBND tỉnh quan tâm hơn nữa đến phát triển du lịch, coi phát triển du lịch là một ngành kinh tế chính, có nhiều giải pháp phát triển du lịch thông qua việc tăng cường quảng bá, tạo cơ chế thông thoáng, môi trường hấp dẫn cho nhà đầu tư, đào tạo bồi dưỡng hướng dẫn viên du lịch, có cơ chế quản lý “mềm”. Từ đó, giúp Nhân dân tăng thu nhập, nâng cao mức sống.

Đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của tình trạng tảo hôn

Đại biểu Sần Thị Mý – Tổ đại biểu huyện Tân Uyên: Theo số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm 2015 toàn tỉnh có 631 cặp kết hôn thì chỉ có 235 cặp đăng ký kết hôn, điều đáng nói là có tới 200 cặp tảo hôn. Đây là vấn đề đáng báo động bởi hậu quả của việc tảo hôn đối với xã hội là rất lớn. Tảo hôn không chỉ mang đến sự nghèo đói, thất học còn làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và con. Thiết nghĩ thời gian tới ngoài việc chỉ đạo các cấp các ngành, các địa phương đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì cần có chế tài cụ thể giảm triệt để tình trạng tảo hôn.

Hà Tĩnh – Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...