Thứ bảy, 27/04/2024, 05:46 [GMT+7]

Huy động các nguồn lực mới để lan tỏa trách nhiệm bảo vệ môi trường

Thứ tư, 17/06/2020 - 08:11'
Ngày 18/6, Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có nhiều nội dung quan trọng nhằm thay đổi quan điểm phát triển về lĩnh vực bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước và lan tỏa trách nhiệm bảo vệ môi trường ra toàn xã hội.

Luật Bảo vệ môi trường được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện với nhiều chính sách mới, coi tăng trưởng kinh tế bền vững là việc bảo đảm các hoạt động của nền kinh tế như đầu tư, sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, phân phối và kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ hướng tới tối ưu hóa sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu và chất thải; cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững bao gồm mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải carbon.

Với các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, Nhà nước sẽ có chính sách ưu tiên phát triển các trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội; hỗ trợ, ưu đãi tổ chức, cá nhân xây dựng và thực hiện mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng.

Chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn lần đầu tiên được luật hóa trong dự án Luật này, trong đó kinh tế tuần hoàn được xác định và thực hiện ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, tiêu dùng; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải.

Để phát triển ngành công nghiệp môi trường, dự thảo Luật cũng coi công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường và sẽ được Nhà nước đầu tư cũng như có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển công nghiệp môi trường. Việc phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường cũng lần đầu được ghi nhận trong luật. Theo đó, hàng hóa và dịch vụ môi trường được xác định là các hàng hóa, dịch vụ để đo lường, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; phục hồi, khắc phục, cải thiện môi trường; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước sẽ có các chính sách phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường; thúc đẩy tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường theo lộ trình phù hợp; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, sản xuất, cung cấp các hàng hóa và dịch vụ môi trường phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Không chỉ có các tổ chức của Nhà nước cung cấp dịch vụ môi trường, các tổ chức, cá nhân cũng được khuyến khích tham gia cung cấp dịch vụ môi trường trong các lĩnh vực: thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ; giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

Giá hàng hóa và dịch vụ môi trường được Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhà nước thực hiện việc định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ môi trường như: Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh từ khu đô thị, khu dân cư tập trung, hộ gia đình, cá nhân và các dịch vụ khác.

Hoạt động bảo vệ môi trường nếu được thực hiện đầy đủ và chất lượng thì sẽ cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động này còn hạn chế, chỉ khoảng 1% tổng chi ngân sách nhà nước, nên dự thảo Luật đã bổ sung một số cơ chế tài chính khác như: Tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Trong đó, tín dụng xanh là việc cấp tín dụng đối với các dự án xanh. Hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội từ các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh được cấp tín dụng. Ngân hàng Nhà nước sẽ có trách nhiệm cấp vốn, cho vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư bảo vệ môi trường, đáp ứng tiêu chí tín dụng xanh; không cấp tín dụng cho các dự án không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Còn trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn cho các hoạt động bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường.
Một nguồn lực đầu tư lần đầu được phát triển, khai thác hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, đó là đầu tư phát triển vốn tự nhiên. Theo dự thảo Luật, vốn tự nhiên là các tài sản của thiên nhiên, cùng với vốn xã hội, vốn con người tạo ra các tư liệu, dịch vụ thiết yếu cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm cuộc sống của con người. Vốn tự nhiên bao gồm sinh vật, các cấu phần vật chất của tự nhiên, là một phần chủ chốt của nguồn lực quốc gia, là nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh môi trường. Vốn tự nhiên phải được đầu tư phát triển nhằm cung cấp hàng hóa, dịch vụ vật chất thiết yếu cho các ngành kinh tế; cung cấp hàng hóa, dịch vụ sinh thái về văn hóa, tinh thần; hỗ trợ ứng phó, giảm nhẹ tác hại của thiên tai; hấp thụ các-bon; kiểm soát lượng mưa; lọc không khí và nước; phân hủy các chất thải trong môi trường...
Kết cấu hạ tầng tự nhiên là một bộ phận cấu thành của vốn tự nhiên, mang lại hiệu quả bền vững về kinh tế, môi trường, cảnh quan, xã hội, đặc biệt trong phòng chống thiên tai, cải thiện ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng tự nhiên cần được xác định, đánh giá, ưu tiên bảo vệ, sử dụng, phát triển và chỉ thay thế bằng việc sử dụng hạ tầng nhân tạo trong trường hợp thực sự cần thiết. Nếu tổ chức, cá nhân có hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái vốn tự nhiên hoặc được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư phục hồi, nâng cao giá trị vốn tự nhiên có trách nhiệm đóng góp tài chính theo quy định của pháp luật.

Nhà nước ưu tiên nguồn lực đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, phát huy lợi thế tự nhiên, phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua các cơ chế trái phiếu xanh, tín dụng xanh, quỹ đầu tư xanh, mua sắm xanh, tín chỉ carbon rừng, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, cơ chế hoán đổi nợ cho đầu tư vào vốn tự nhiên và các công cụ kinh tế, tài chính khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm 4% GDP. Nguồn thu từ vốn tự nhiên phải được ưu tiên bố trí để tạo nguồn lực tập trung cho tái đầu tư phục hồi, phát triển, nâng cao giá trị của vốn tự nhiên.

Trước đây, công tác bảo vệ môi trường thường được coi như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả bảo vệ môi trường còn hạn chế. Lần sửa đổi này, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ ràng quyền của các tổ chức xã hội như: tư vấn, tham vấn hội viên những vấn đề có liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu; phản biện xã hội đối với các quy hoạch, dự án, đề án, chương trình, kế hoạch có liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu do cơ quan quản lý nhà nước và chủ cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật; được thành lập quỹ để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu từ đóng góp của hội viên và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức; hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phối hợp giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường khi có yêu cầu; đại diện người bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng.
Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cũng phải có trách nhiệm tuyên truyền vận động hội viên, cộng đồng dân cư và nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi sống thân thiện với môi trường; huy động, xây dựng, triển khai, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức; huy động hội viên phát huy trí tuệ để xây dựng các công trình khoa học, sáng kiến, cải tiến góp phần bảo vệ môi trường và sáng tác các tác phẩm nghệ thuật nhằm cổ vũ phong trào bảo vệ môi trường, lên án những hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường; kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam; huy động hội viên và nhân dân tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi môi trường; hướng dẫn hội viên và người dân áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường cũng được thể hiện rõ ràng hơn hiện hành. Theo đó, Nhân dân và cộng đồng dân cư có quyền được cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin môi trường, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; bảo đảm các điều kiện để tham gia và giám sát các hoạt động bảo vệ môi trườngtheo quy định về pháp luật; tham vấn, tư vấn, đối thoại đối với chính sách, luật pháp, chương trình, dự án, đề án có liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của dự án, cơ sở có quyền yêu cầu chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối thoại trực tiếp hoặc gián tiếp về trách nhiệm bảo vệ môi trường; đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin môi trường theo quy định của pháp luật; được làm chứng trong tố tụng trọng tài, toà án giải quyết tranh chấp về môi trường theo quy định của pháp luật. Đại diện cho cộng đồng dân cư là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã hoặc Ban công tác Mặt trận thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định Nhân dân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm tuân thủ các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và vệ sinh nhà ở, công sở, trường học và công trình công cộng; phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đấu tranh với những hành vi lợi dụng sự cố môi trường để gây rối, mất trật tự trị an; tham gia, hưởng ứng và vận động người khác tham gia các phong trào về bảo vệ môi trường do cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể nhân dân phát động. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm thu thập, tổng hợp ý kiến của người dân để phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền các vấn đề về môi trường tại cộng đồng; hướng dẫn cho người dân đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

Để hỗ trợ cộng đồng dân cư thực hiện các quyền và trách nhiệm nêu trên, các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm điều kiện cho các tổ chức và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động bảo vệ môi trường như: cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin môi trường và các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; ban hành cơ chế, chính sách phối hợp, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cộng đồng thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, các tác phẩm về bảo vệ môi trường và các hoạt động về bảo vệ môi trường khác theo quy định của pháp luật; bảo vệ người phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đấu tranh với những hành vi lợi dụng sự cố môi trường để gây rối, mất trật tự trị an theo quy định pháp luật; có cơ chế động viên, khen thưởng, đối với các tổ chức, cộng đồng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường./.

Cập nhật lúc 11:46, 16/06/2020/Lê Văn Hà/http://baochinhphu.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...