Thứ hai, 06/05/2024, 20:39 [GMT+7]

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng

Chủ nhật, 31/12/2023 - 09:55'
Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là khâu quan trọng, là tiền đề để nghị quyết được triển khai, trở thành hành động nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Do đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết là việc làm có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.

Đảng bộ tỉnh Lai Châu có 12 đảng bộ trực thuộc, có 534 tổ chức cơ sở đảng (348 chi bộ cơ sở, 186 đảng bộ cơ sở), 3 đảng bộ bộ phận, 1.916 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận; tổng số trên 30 nghìn đảng viên. Với đặc thù của tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số. Để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ban hành nghị quyết và những nội dung trọng tâm của nghị quyết, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân các dân tộc và sớm triển khai thực hiện nghị quyết có hiệu quả, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các cấp ủy xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghiêm túc, chặt chẽ theo đúng kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên với tinh thần không ngừng đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng.
Nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Quyết định số 1327-QĐ/TU ngày 28/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng”. Thông qua việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần đưa việc học tập, quán triệt nghị quyết đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên, nhất là trong đổi mới nội dung và cách thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết đã từng bước đi vào chiều sâu.

Đồng chí Lê Đức Dục - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: QUÝ TRUNG

100% các nghị quyết của Đảng được cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt một cách bài bản, nghiêm túc từ khâu xây dựng chương trình, nội dung chuyên đề, lựa chọn báo cáo viên, phân bổ thời gian, chuẩn bị tài liệu và quản lý người học... Do đó, tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập nghị quyết ở các địa phương, cơ quan, đơn vị đều đạt trên 95%. Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tuyên truyền, quán triệt, học tập nghị quyết. Đến nay, 8/8 huyện, thành phố; 106/106 xã, phường, thị trấn có phòng họp trực tuyến đảm bảo trang thiết bị kết nối hiện đại. Năm 2021, cùng cả nước, tỉnh Lai Châu tổ chức hội nghị “Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” bằng hình thức trực tuyến rộng rãi đến tất cả đảng viên. Toàn tỉnh có 145 điểm cầu với 11.873 đại biểu. Đây là đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết bằng hình thức trực tuyến có số lượng điểm cầu lớn nhất của tỉnh.
Công tác tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân được chú trọng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn các tài liệu tuyên truyền nghị quyết theo hướng ngắn gọn, tập trung truyền tải những nội dung cơ bản, cốt lõi, những điểm mới, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của các nghị quyết. Chú trọng phát huy vai trò của báo chí, internet, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền nghị quyết, góp phần nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Hội nghị quán triệt các văn bản của Trung ương và Tỉnh ủy tổ chức ngày 13/12/2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn tỉnh. Ảnh: P.V

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định: Một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập nghị quyết, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, hiệu quả; tổ chức học tập nghị quyết chưa linh hoạt, sáng tạo. Tinh thần, thái độ học tập của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự nghiêm túc.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ công tác chính trị tư tưởng trong giai đoạn mới, đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới nâng cao hơn nữa chất lượng học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, tạo tiền đề thúc đẩy việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, biến nghị quyết thành những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội cụ thể, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của tập thể và cá nhân người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hai là, đổi mới hình thức quán triệt, học tập, tuyên truyền nghị quyết phù hợp với nhận thức của từng đối tượng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên hiểu và xác định rõ việc học tập nghị quyết là nhu cầu, là quyền lợi, nhưng cũng là trách nhiệm phải thực hiện. Chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên vững vàng về chính trị, tư tưởng có trình độ chuyên sâu về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu truyền đạt có hiệu quả nội dung nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết.

Đảng bộ phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) quán triệt nghị quyết của Tỉnh uỷ, Thành uỷ tới cán bộ, đảng viên. Ảnh: KIM QUY

Ba là, nghiên cứu xây dựng các tài liệu theo hướng chuyên sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng, cấp phát tới từng chi bộ để cán bộ, đảng viên dễ dàng học tập, nghiên cứu và tuyên truyền. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong biên soạn, cung cấp tài liệu; tận dụng ưu thế của internet, mạng xã hội, tạo điều kiện cho người học tiếp cận tài liệu nghiên cứu, học tập một cách thuận tiện, nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.
Bốn là, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình việc tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng ngay tại cơ sở.
Tin tưởng rằng với nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, bằng nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, các tổ chức đảng sẽ thực hiện có hiệu quả việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Đến năm 2030, phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng Trung du và miền núi phía Bắc”.

Lê Đức Dục - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...