Chủ nhật, 19/05/2024, 14:12 [GMT+7]

Xứng danh người chiến sỹ

Thứ hai, 06/05/2024 - 12:49'
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu khôn lớn, thành tài.

Những ngày này, khi cả nước đang hướng về Điện Biên, nơi ghi dấu chiến công hào hùng “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chúng tôi có dịp đến thăm ông Lam. Ông tham gia nhiều trận đánh ở vùng địch hậu góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm nay 92 tuổi nhưng ông còn rất minh mẫn, nhớ như in những trận đánh mình từng tham gia.
Ông Lam kể: “Tôi sinh ra ở huyện Phúc Thọ (Thành phố Hà Nội). Năm 1950, tôi tham gia liên lạc cho ủy ban lâm thời của huyện Phúc Thọ. Đến tháng 9/1953 là học viên của Trường Quân chính Ba Vì. Hai tháng sau, tôi chuyển về Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 254, Sư đoàn 350. Tôi tham gia 18 trận đánh giặc ngoại xâm ở các tỉnh: Vĩnh Yên, Phúc Yên và thị xã Sơn Tây. Đây đều là những vùng có khá đông lực lượng địch, các trận chiến rất căng thẳng, khốc liệt. Các chiến sỹ của ta có những lúc ít hơn quân địch nhưng vẫn anh dũng, kiên cường chiến đấu đến cùng nhằm giữ chân và làm phân tán lực lượng địch, không để địch dồn hết quân số lên Điện Biên Phủ”.
Không chỉ trực tiếp chiến đấu góp phần vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông Lam sau đó còn tiếp tục tham gia các trận đánh chống đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới. Nhìn khuôn mặt phúc hậu, nghe ông say xưa kể chuyện mà tôi như được sống lại thời kỳ hào hùng của dân tộc, thầm cảm phục và biết ơn những người chiến sỹ Điện Biên năm xưa dũng cảm, hết lòng vì độc lập, tự do của dân tộc.

92 tuổi nhưng ông Lam vẫn thường xuyên đọc báo để nắm bắt thông tin thời sự.

Hòa bình lập lại, ông Lam tiếp tục tham gia làm việc tại nhiều đồn biên phòng trên địa bàn huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu). Cùng đồng đội vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; “cầm tay chỉ việc”, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Năm 1983, ông nghỉ chế độ trong lực lượng quân đội và tham gia làm việc ở Văn phòng Huyện ủy Phong Thổ (cũ). Năm 1993, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết).
Hơn 10 năm làm bí thư chi bộ, ông cùng cấp ủy triển khai các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt, phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; đưa các chỉ thị, nghị quyết đi vào cuộc sống. Ông cũng là trung tâm đoàn kết, tập hợp đảng viên, nhân dân chung tay phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; khuyến khích người dân tích cực học tập, xây dựng xã hội học tập. Những cá nhân điển hình tiên tiến trong tổ dân phố được nhân rộng. Những người lầm lỗi được quan tâm, có cơ hội làm lại cuộc đời. Phong tục lạc hậu như: tổ chức việc hiếu, hỷ dài ngày, thách cưới cao… dần được xóa bỏ. Thay vào đó, nhân dân quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con, chăm sóc sức khỏe bản thân, thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, trách nhiệm hơn trong việc xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Trong gia đình, ông động viên con cháu chăm chỉ học tập, tham gia nhiệt tình các phong trào, hoạt động của địa phương. Nhờ đó, đến nay các con của ông đều khôn lớn, trưởng thành, có con làm kiến trúc sư, bác sỹ công tác tại Hà Nội, có con đang làm lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Lai Châu. 6 cháu nội, ngoại của ông đều học giỏi, đạt giải cao tại các cuộc thi do tỉnh tổ chức. 3 trong 6 cháu đã tốt nghiệp đại học công tác trong ngành Ngân hàng và các cơ quan, đơn vị khác.
Khi được hỏi về bí quyết giúp ông vượt qua mọi khó khăn, thử thách, luôn là tấm gương sáng trên mọi lĩnh vực, ông Lam vui vẻ cho hay, động lực của ông chính là tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Trong cuộc sống, ông học theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, khiêm tốn, trung thực, giản dị, hết lòng với công việc, sống chan hòa với mọi người xung quanh. Ông quan niệm, muốn người khác tin và nghe theo mình thì bản thân phải gương mẫu làm trước. Từ công việc đến gia đình và ngoài xã hội, ông đều cố gắng hết sức có thể, gần dân, sát dân, đặt lợi ích của tập thể, nhân dân lên hàng đầu, giải quyết công việc thấu tình, đạt lý, được mọi người kính trọng, nể phục.
Với những nỗ lực cố gắng, ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang. Ngoài ra, ông còn được tặng Huy chương Quân kỳ quyết thắng và nhiều danh hiệu cao quý khác. Gia đình ông nhiều năm liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...