Thứ hai, 07/10/2024, 08:26 [GMT+7]

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ

Thứ hai, 06/05/2024 - 12:49'
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh để sử dụng. Điều này dẫn đến tâm lý lo lắng và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều hộ dân trong bản.

Cả trăm hộ dân dùng nước tại mó
Qua câu chuyện của một số hộ dân bán nông sản ở đầu bản, chúng tôi tìm đến mó nước Nà Bỏ ở sát cạnh mé đồi cuối giờ chiều 18/4/2024. Tại đây, nhiều người dân đủ lứa tuổi tập trung tắm gội, rửa rau, giặt quần áo hoặc lấy nước vào thùng, can đưa về nhà sử dụng. Điều đáng nói, mó nước nằm ngay bờ ao nuôi cá của gia đình bà Lùng Thị Cái. Tuy nhiên, diện tích mó hẹp (khoảng 4m2), nhiều tháng nắng nóng nên nước ngầm chảy ra không mạnh, bên ngoài nước ao đục ngàu, vì vậy tại lòng mó, bà con sử dụng rất nhiều mục đích, bằng mắt thường có thể đoán định nước không đảm bảo vệ sinh.
Chị Xẻ Thị Ly (hộ dân nhà ở cạnh mó nước) than thở: Tôi về làm dâu ở đây đã hơn 20 năm, khi ấy mó nước rất trong và sạch, cả bản đều sử dụng. Theo bà con trong bản nói thì mạch nước bên kia sườn đồi. Năm 2018, khi bãi rác Phan Lìn đưa vào hoạt động cũng như xây dựng nghĩa trang (cách mó nước hơn 1km), nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm. Dân bản và chính quyền địa phương đã ý kiến, kiến nghị về tình trạng này. Sau đó vài năm, xã đầu tư hệ thống nước sinh hoạt cho bản từ đầu nguồn bản Nà Cơ rồi đến bản Suối Thầu nhưng cả 2 hệ thống đều không cung cấp đủ nước sinh hoạt (do bản ở cuối nguồn nước). Nhất là thời điểm trước tết Nguyên đán 2024 đến nay, gần như cả bản đều quay lại sử dụng nước ở mó này. Biết là mất vệ sinh nhưng không dùng thì lấy nước sạch ở đâu. Lo nhất là khi có gió to là rác thải sinh hoạt ở gần đó theo gió bay xuống ao, trôi vào mó hoặc mưa xuống khiến nước đục, không thể sử dụng cả vài ngày, gây khó khăn cho sinh hoạt của bà con.

Cả trăm hộ dân bản Nà Bỏ đang phải sử dụng nước ở mó phục vụ sinh hoạt.

Xen vào câu chuyện giữa tôi và chị Ly, bà Vàng Thị Lớn đang giặt quần áo tại mó nước nói: Cả trăm hộ dân, mỗi hộ vài nhân khẩu ra mó tắm giặt hằng ngày cũng đã khiến nước mất vệ sinh. Thời gian gần đây, khi lấy nước về đun uống, nấu ăn có mùi lạ, đóng nhiều váng cặn vôi. Trong bản đã có người nói là bị bệnh ngoài da và ngứa sau khi dùng nước tại mó. Các cô xem, ao cá không thiếu thứ gì ném xuống; mó nước lại dùng cho mọi mục đích. Đó chưa kể đến việc phía trên bà con làm nương, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ sẽ ngấm vào lòng đất. Dẫu biết tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật nhưng không còn cách nào.
Theo lời bà Lớn, từ 4 giờ hằng ngày, các hộ dân lần lượt mang xô, thùng, can ra gánh, chở nước về. Đầu giờ sáng thì tập trung giặt quần áo; đông nhất là trưa và cuối giờ chiều thời điểm bà con đi làm đồng về… Hộ gần đơn giản, hộ xa ít nhất cũng phải cử 1 người đi chở nước, mang quần áo đi giặt, mất nhiều thời gian. Để đảm bảo đời sống, sức khỏe, nhân dân, đề nghị cấp ủy, chính quyền bản sớm có giải pháp.
Mong sớm đầu tư công trình cấp nước ổn định
Vấn đề này, chúng tôi được nghe ông Nông Văn Đức - Bí thư Chi bộ bản Nà Bỏ giãi bày: Bản Nà Bỏ có 125 hộ dân thì có khoảng 100 hộ hiện đang sử dụng nước sinh hoạt tại mó nước. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã đầu tư công trình nước sinh hoạt từ đầu nguồn suối bản Nà Cơ cung cấp cho 4 bản: Nà Cơ, Bản Giang, Nà Sài và Nà Bỏ. Do nhiều hộ cùng sử dụng nên bản Nà Sài và Nà Bỏ lượng nước về đến các hộ gia đình ít dần rồi không có nữa. Đến năm 2015, xã tiếp tục đầu tư hệ thống mới từ đầu nguồn suối của bản Suối Thầu cho 3 bản: Hà Giang, Nà Sài, Nà Bỏ và 3 trường mầm non, tiểu học, THCS xã. Nhưng tình trạng vẫn không khác trước, do đó, hệ thống này được tách riêng cho bản Nà Bỏ.

Để có nước ăn, uống, hằng ngày, các gia đình phải chở nước từ mó về nhà.

Do nhiều nguyên nhân, nước vẫn chỉ đủ dùng trong mùa mưa. Còn những tháng mùa khô, lượng nước giảm đến 2/3 và chỉ về được một số hộ đầu bản và đến thời điểm này cũng đã không còn. Vấn đề này bà con cũng ý kiến nhiều nhưng khó khăn là do không có nguồn nước gần bản; Nhà nước cũng đã đầu tư 2 công trình nước sinh hoạt. Khắc phục điều đó, chúng tôi vận động các hộ dân khoan giếng (nhưng không khả thi vì kinh phí rất lớn), xây bể chứa nước mưa hoặc chung tiền kéo nước từ khu vực đồi bản Phan Lìn, giờ đều trong tình trạng phơi bể, khô vòi.
Trong 2 ngày (16 - 17/4), trực tiếp đồng chí Bí thư Chi bộ cùng một số người dân đã đi tìm và phát hiện nguồn nước mới tại đầu nguồn bản Suối Thầu. Theo lời ông Nông Văn Đức, nguồn nước khá xa bản, phương án được cấp ủy, chi bộ bàn thảo là đầu tư đường ống nối trực tiếp vào hệ thống cũ đã được Nhà nước đầu tư trước đó với chi phí khoảng 100 triệu đồng. Nội dung này bản sẽ tổ chức họp, lấy ý kiến của nhân dân; nếu dân bản đồng thuận thì đóng góp theo đầu hộ để sớm thực hiện, hy vọng nguồn nước ổn định để đảm bảo đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Nỗ lực tìm kiếm và cũng đã có phương án cụ thể, tuy vậy, cấp ủy, chính quyền cũng như nhân dân trong bản vẫn mong mỏi các cấp, các ngành sớm đầu tư công trình nước sạch tập trung riêng cho bản đảm bảo hệ thống đường ống kiên cố. Đặc biệt, trước mắt, hỗ trợ một phần kinh phí để bản lắp đặt đường ống nối mới nhằm sớm đưa nước về trước khi mùa mưa tới; một hộ dân sinh sống dọc tuyến đường nước dẫn về bản nâng cao ý thức trong chăn thả gia súc, không gắn, nối đường ống dẫn nước làm giảm lượng nước phục vụ các hộ dân ở cuối nguồn.

Nam Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...