Thứ năm, 02/05/2024, 23:15 [GMT+7]

Tam Đường đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Thứ hai, 07/08/2017 - 10:01'
(BLC) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tam Đường lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra 9 chỉ tiêu, 7 nhiệm vụ, 8 giải pháp. Sau gần 2 năm thực  hiện, huyện có nhiều giải pháp cụ thể nhằm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, được Nhân dân đồng thuận đón nhận, thực hiện.

Ngay sau Đại hội, Huyện ủy tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Các chi, Đảng bộ có nhiều đổi mới trong hình thức tuyên truyền từ tổ chức hội nghị, họp bản, họp chi bộ. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người đứng đầu dòng họ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, nêu gương. Huyện còn cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội bằng các nghị quyết chuyên đề, đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể. Phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách lĩnh vực, địa bàn trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

Nhân dân bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) chăm sóc vườn đào chín sớm.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Tam Đường đề ra 2 chương trình trọng điểm về phát triển cây chè và Đề án phát triển dịch vụ du lịch. Với mục tiêu đến năm 2020 trồng mới 300ha cây chè, huyện mở rộng vùng trồng chè nguyên liệu ở các xã: Sơn Bình, Nà Tăm, Bản Bo. Thực hiện tốt việc quản lý vùng chè nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất giữa người dân với các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè thông qua hợp đồng, hợp tác kinh doanh. Sau 2 năm, huyện trồng mới 110ha, nâng tổng diện tích chè của toàn huyện lên 1.232,6ha. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Định - Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bình tâm sự: 3 năm trở lại đây, cây chè Kim Tuyên thực sự mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con. Đến nay, toàn xã có 33,5ha chè, từ trồng chè nhiều hộ có thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/năm, góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống.

Không chỉ có lợi thế phát triển cây chè, huyện Tam Đường được biết đến là địa phương có nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Hiện nay, huyện có 9 điểm du lịch, di tích danh lam thắng cảnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh công nhận. Tiêu biểu như: thác Tác Tình, Động Tiên Sơn, du lịch cộng đồng Bản Hon, Sì Thâu Chải, coọn nước xã Bản Bo. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Từ đầu năm tới nay, đã có 2 công ty đề xuất được vào khảo sát, xây dựng dự án đầu tư du lịch trên địa bàn. Và, hiện có 1 công ty khởi công xây dựng điểm du lịch trên đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn. Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách du lịch đến Tam Đường đạt trên 33.100 lượt khách (đạt 250% kế hoạch), doanh thu đạt 9,04 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng để huyện tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống...

Cùng với tiếp tục duy trì tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, huyện quy hoạch và phát triển sản xuất theo vùng tập trung. Chú trọng trồng lúa hàng hóa, chè, dong riềng, cây ăn quả ở thị trấn Tam Đường, xã Bình Lư, Bản Bo, Thèn Sin; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản ở xã Bình Lư, Thèn Sin, Sơn Bình, Bản Giang; trồng cây ăn quả ở xã Bản Giang, Giang Ma, Hồ Thầu, Nùng Nàng. Khuyến khích Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực toàn huyện đạt 8.027ha (tăng 988,5ha so với cùng kỳ năm 2016), tổng sản lượng lương thực ước đạt 15.411 tấn. Thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi như: gia súc, gia cầm, thủy sản kết hợp với phát triển kinh tế vườn rừng. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 6%, đạt mục tiêu Nghị quyết. Đặc biệt, phong trào nuôi lợn siêu nạc, bò sinh sản, gà công nghiệp phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con trong xã và các vùng lân cận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đồng chí Hoàng Thọ Trung - Bí thư Huyện ủy Tam Đường, trong quá trình thực hiện Nghị quyết, huyện gặp rất nhiều khó khăn. Đối với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện phấn đấu đến năm 2020 có trên 60% số xã đạt chuẩn. Tuy nhiên, qua rà soát theo bộ tiêu chí NTM, một số tiêu chí đánh giá ở mức độ cao hơn tiêu chí cũ nên hiện nay bình quân các tiêu chí trên địa bàn huyện đạt 12,23 tiêu chí/xã. Do đó, trước mắt huyện tiếp tục phát động, triển khai phong trào điện sáng nông thôn, vệ sinh môi trường nông thôn, đô thị xanh - sạch - đẹp. Chỉ đạo các xã rà soát các tiêu chí NTM, lồng ghép nguồn vốn đầu tư. Tỷ lệ sinh con thứ ba còn cao nên theo quy định của tỉnh khi hộ gia đình, bản, cơ quan, đơn vị có người sinh con thứ 3 trở lên không được công nhận danh hiệu văn hóa, vì vậy tiêu chí này khó đạt. Năm 2016, tỷ lệ che phủ rừng giảm từ 43,8% xuống còn 43,34%, trong khi đó mục tiêu Nghị quyết đề ra tỷ lệ che phủ rừng đạt 51%.

Trước những khó khăn đó, thời gian tới, Đảng bộ huyện Tam Đường sẽ đánh giá kỹ các chỉ tiêu khó đạt hoặc đạt thấp, từ đó đề ra giải pháp phấn đấu thực hiện. Tin rằng, với sự chủ động, thống nhất quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường sẽ thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...