Chủ nhật, 05/05/2024, 07:03 [GMT+7]

Vùng quê đổi mới

Thứ hai, 28/01/2019 - 16:56'
(BLC) - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015-2020, đến nay huyện Tân Uyên cơ bản hoàn thành 11/11 chỉ tiêu Nghị quyết, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thành quả này là động lực để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc quyết tâm đưa Tân Uyên trở thành huyện phát triển trung bình trong tỉnh vào năm 2020.

Chia sẻ với chúng tôi về sự đổi thay của huyện, đồng chí Nguyễn Sỹ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên cho biết: “Tạo được sự đồng thuận, quyết tâm cao từ cấp ủy, chính quyền đến Nhân dân, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, phân công trách nhiệm cho từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách các địa phương tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện cơ bản hoàn thành 11/11 chỉ tiêu. Nền kinh tế phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng xác định. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp chiếm 33,5%; công nghiệp - xây dựng 18,8%; dịch vụ 47,7%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 47.281 triệu đồng, đạt 105,1% Nghị quyết”.

Nhân dân thị trấn Tân Uyên thu hái chè búp tươi.

Tạo đột phá trong phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện tập trung phát triển sản xuất nông - lâm - nghiệp. Với mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, các xã, thị trấn vận động bà con đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất gắn với khai thác hiệu quả lợi thế từng vùng. Vẫn biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân không thể vội nhưng cấp ủy, chính quyền, cán bộ nông nghiệp đã bám đồng, bám ruộng, “miệng nói tay làm” hướng dẫn từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch. Triển khai nhiều mô hình, dự án để nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt 31.885,6 tấn (đạt 106,3% Nghị quyết, tăng 3.144 tấn so với năm 2015); hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa với các giống đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như: séng cù, khẩu ký, nếp cò giàng với diện tích 550ha tập trung ở xã: Mường Khoa, Pắc Ta, Thân Thuộc và thị trấn Tân Uyên.

Anh Lò Văn Sin (bản Bó Lun 2, xã Pắc Ta) phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình tôi cấy giống nếp tan cò giàng chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, khi xã có chủ trương phát triển thành lúa hàng hóa, 3 năm nay, tôi nhân rộng diện tích lên 2ha. Với giá bán cao, trên 30.000 đồng/kg gạo, mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi thu về hơn 50 triệu đồng”.

Cùng với cây lúa, huyện tập trung mở rộng diện tích trồng chè, quế, sơn tra, mắcca, xem đây là những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao, bền vững cho nông dân. Theo kế hoạch, toàn huyện trồng mới 718,9ha chè, đưa diện tích chè toàn huyện lên 2.854ha (đạt 128% Nghị quyết), sản lượng chè búp tươi đạt 15.500 tấn (đạt 100% Nghị quyết). Nhiều hộ dân có thu nhập cao từ cây chè với 100 - 300 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, huyện đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, tốc độ tăng đàn gia súc trung bình vượt 2,68% Nghị quyết. Bước đầu khai thác ưu thế diện tích mặt nước để phát triển thủy sản, trong đó nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện với tổng số 80 lồng (thể tích 10.800m3).

Với sự nỗ lực của địa phương, đời sống Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện ngày một nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 39,3% (cuối năm 2015) xuống còn 14,1% (năm 2018), bình quân trong nhiệm kỳ giảm 9,17%/năm (vượt 5,17% so với chỉ tiêu Nghị quyết). Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được các cấp, ngành triển khai tích cực. Nhận thức của Nhân dân về xây dựng nông thôn mới nâng lên, từng bước xác định rõ hơn vai trò chủ thể. Đến cuối năm 2018, toàn huyện có 6/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã còn lại đạt từ 11 tiêu chí trở lên. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 41,53%; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 1.620 lao động, (đạt 108% Nghị quyết).

Song song với phát triển kinh tế, huyện chú trọng đẩy mạnh thực hiện các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Triển khai sâu, rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị. Quy mô trường lớp mở rộng, chất lượng giáo dục nâng lên. Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 31,37% (đạt 89,6% chỉ tiêu Nghị quyết). Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên. Hằng năm, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 95% trở lên, 50% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu, kém.

Rời Tân Uyên, trong tôi dâng tràn niềm hân hoan trước sự thay đổi bền vững của huyện nhà. Với những thành quả đạt được trong hơn nửa nhiệm kỳ qua là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tân Uyên đoàn kết, phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...