Thứ sáu, 26/04/2024, 13:30 [GMT+7]

Anh bộ đội biết 6 ngôn ngữ

Thứ hai, 17/10/2011 - 09:20'
Mấy năm qua, trên những triền đá xám thuộc địa phận 2 xã: Pa Tần và Nậm Ban (huyện Sìn Hồ) có một người đàn ông trung niên nước da cũng đen tựa đá, ngày mưa cũng như nắng lặng lẽ đi về như con thoi giữa các bản làng vùng sâu, biên giới Việt – Trung – đó là đại úy Lã Hồng Vương - cán bộ của Đồn Biên phòng Pa Tần.

Đại úy Lã Hồng Vương – Đồn Biên phòng Pa Tần (Sìn Hồ) cùng bà con bản Nậm Nó 2, xã Nậm Ban (huyện Sìn Hồ) cày ruộng.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), nhưng cái “nghiệp biên phòng” đã đưa chàng trai của miền quê mặn nồng gió biển lên gắn bó với vùng núi cao sương trắng điệp trùng.

Sau hơn 20 năm cùng “vó ngựa truy phong” dọc ngang nơi biên giới hai huyện: Mường Tè (tỉnh Lai Châu) và Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), giờ đây viên sỹ quan tuổi không còn trẻ này “định cư” tại Đồn Biên phòng Pa Tần, với “gia tài” mà nhiều đồng đội của anh phải thèm muốn: Nói thông thạo 6 ngôn ngữ bản địa, gồm: Mảng, Thái, Mông, Dao, Hà Nhì và Sán Dìu. Song, điều ngạc nhiên và không thể không thán phục nếu biết rằng 6 ngôn ngữ ấy lại thuộc 5 nhóm ngữ hệ khác nhau, với những khó khăn đặc thù về ngữ âm học thực hành. Tuy nhiên, khi đề cập đến điều này, “chủ nhân” của 6 ngôn ngữ ấy lại rất hồn nhiên: “Có gì ghê gớm đâu, nếu thích ai cũng học được thôi mà. Lúc đầu kể cũng khó, sau thì dễ dần, cứ như ngôn ngữ nó “nhập” vào mình vậy!”

Như cách nói của nhiều anh em, đồng đội, rằng “vương” nhưng mà không ngai vàng gác tía. Ngược lại, anh là bạn của mấy nghìn người dân trên địa bàn đồn phụ trách, là người con không cùng huyết thống với 6 dân tộc trong vùng. Ông Lý A Nhè - Chủ tịch UBND xã Nậm Ban có lần nói về Lã Hồng Vương với những lời lẽ không thể thật thà hơn: Cán bộ Vương nói chính sách đến bà con, làm cho người dân học theo. Người dân vui nó cũng vui, người dân buồn nó cũng buồn. Tình cảm quân dân phải như hòn đá núi... Còn trung tá Phạm Văn Quyết - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Tần thì nhận xét: “Không biết bằng cách nào mà cậu ấy biết nhiều thứ tiếng thế. Đối với Đồn Biên phòng Pa Tần, cậu ấy được xem thứ vũ khí hạng nặng của trận tuyến dân vận. Không chỉ người dân thích cái tác phong giản dị của đại úy Vương, mà ngay chúng tôi cũng cần nêu gương, học tập”.

Với những nguyên tắc đúc kết trong công tác dân vận: “Chân thành - tích cực - thận trọng - kiên trì - tế nhị - vững chắc”, cùng với đó là phong cách: “Trọng dân - gần dân - hiểu dân - học dân - có trách nhiệm với dân”, người lính biên phòng Lã Hồng Vương đã và đang hoà quyện chân thành và gắn bó với 6 tộc người thiểu số trên địa bàn. Hàng ngày trên những triền núi vùng cao nguyên Tả Phìn với địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt, ai cũng dễ dàng gặp ở đâu đó một Lã Hồng Vương hăng hái và lặng lẽ đem yêu thương nồng ấm về với nhân dân...

Cách đây mấy năm, trước tình hình mấy chục hộ ở bản Nậm Vạc (xã Nậm Ban) bị kẻ xấu kích động, đã bỏ lại nhà cửa, trâu, ngựa... định vượt biên di cư, đại úy Lã Hồng Vương quyết định một mình xuống địa bàn gặp bà con.Hôm đó, bên mâm rượu với vài cây măng đắng và mấy miếng đậu phụ chấm muối ớt, đại úy Vương không nói với bà con về Quy chế Biên giới, về Luật Cư trú... Thay vào đó, anh chậm rãi bàn về nét nhân văn bao trùm của Lễ hội Gầu tào Mông. Anh xin phép các cụ già nhắc lại câu chuyện cổ tích “Giàng Dua - Giàng Dự” và “Khúa Kề” với ước mơ chinh phục thiên nhiên, chiến thắng cái ác, sống ngay thẳng giữa trời đất núi rừng, như truyền thống muôn đời bất khuất của các thế hệ nối tiếp người Mông... Đại úy Vương nói: “Tục ngữ người Mông có câu: “Giàu đi nhiều sẽ nghèo, nghèo đi nhiều sẽ chết”. Mông Lềnh, Mông Đơ, Mông Sí, Mông Đú hay Mông Súa thì cũng là dân tộc Mông mình cả - một dân tộc Mông cần cù, thông minh, trung thực và trọng lẽ phải; sống hoà đồng trong vòng tay thân ái của đại gia đình các dân tộc Việt Nam”. Nghe vậy, mọi người đều nâng bát rượu lên ngang mặt, một cụ già khẽ chớp mắt, bảo: “Thằng Vương nói đúng cái lý người Mông ta rồi. Ta thay mặt bản Nậm Vạc nhận mày là người Mông Nậm Vạc. Mày hiểu người Mông ta như người Mông ta hiểu ngọn núi trước mặt, hiểu dòng suối sau lưng, hiểu cái bụng mình ăn mấy bát cơm thì đầy”... Kể từ hôm đó, đại úy Vương trở thành một phần của bản Nậm Vạc và quan trọng hơn là bản Nậm Vạc trở thành một phần của thế trận biên phòng toàn dân ở Nậm Ban. Mấy chục hộ định di cư tự do ngày ấy, giờ trở thành những hạt nhân an ninh tin cậy của Đồn Biên phòng Pa Tần. Về phần mình, đại úy Vương hiểu mình đã nhận ở đồng bào một sự ký thác không thể thiêng liêng hơn, tin cậy hơn; kể từ bữa rượu mà ớt thì cay và măng thì đắng, nhưng lời thề quân - dân thì ngon ngọt lạ thường! Giờ đây nhớ lại chuyện này, Lã Hồng Vương vẫn còn xúc động lắm. Anh bảo: Hôm đó, nhận lệnh của đơn vị mình rất lo, vì đây là địa bàn tương đối phức tạp. Nhưng cuối cùng, thật may là cái vốn văn hóa Mông đã “cứu” mình khỏi một tình huống nhạy cảm!

Cứ như thế, Lã Hồng Vương hòa vào nhân dân địa bàn bằng 6 thứ “nội ngữ” dân tộc. Để rồi, đến lượt những tháng ngày lăn lộn với dân đã bổ sung trở lại vốn từ vựng cho anh như một sự bù đắp tương xứng. Từ chỗ học tiếng dân tộc để thuận lợi cho công tác, giờ thông qua ngôn ngữ dân tộc, Lã Hồng Vương càng có điều kiện khám phá những nền văn hóa mang đậm chất dân gian truyền thống.

Để có được thành công ấy, Lã Hồng Vương tự mình chấp nhận những hy sinh. Vợ anh, một cô giáo dạy cấp 2 nhà cách Đồn Biên phòng Pa Tần khoảng chục cây số, nhưng có khi cả năm trời không gặp. Những ngày phép hiếm hoi, đang đêm đại úy Vương nằm mê nói toàn tiếng Mông, tiếng Thái. Trong vòng tay hạnh phúc, cô giáo lặng lẽ nuốt nước mắt và thầm thương cho nỗi bận bịu của người trấn ải lưu đồn...

Câu chuyện chúng tôi mang tới cho các bạn chỉ có bấy nhiêu. Chỉ có bấy nhiêu nhưng là ký ức, mồ hôi, trí tuệ và cả tấm lòng của một người lính biên phòng ăn cơm dân, mặc áo Đảng hơn 20 năm đằng đẵng lăn lộn nơi tận cùng ải Bắc. Lã Hồng Vương hòa vào với dân mà sống, mà thành công, như cá hòa vào với nước nhờ 6 ngôn ngữ được coi là bí quyết của tình quân dân nơi tận cùng sông núi Việt Nam...

Đức Duẩn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...