Thứ sáu, 26/04/2024, 10:45 [GMT+7]

Cô gái 15 tuổi và người cách mạng bị lưu đày

Thứ ba, 21/09/2010 - 01:55'
(BLC) - Người đàn bà 78 tuổi Lò Thị On, dân tộc Giáy ở bản Giẳng, xã Mường Tè, huyện Mường Tè vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn ngồi góc nhà sàn khâu vá. Gặp chúng tôi, bà On phấn khởi và vui lắm. Bà đưa tấm ảnh chụp chung với luật sư Nguyễn Hữu Thọ lúc về thăm ra xem, rồi mắt ngấn buồn kể…
Bò Lò Thị On (bên phải ảnh) cùng cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhân dịp ông về thăm bản Giẳng năm 1993.
Năm 1948, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và luôn đi đầu trong phong trào tri thức yêu nước ở Sài Gòn. Trong ba tháng đầu năm 1950, ông đã tả xung hữu đột giữa lòng địch, đưa phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân thành phố lên tầm cao. Để tiếp tục hướng dẫn dư luận, phái đoàn phải tự in các thông cáo để phân phát tận tay đồng bào. Trưa 13/4/1950, Pháp bắt luật sư Nguyễn Hữu Thọ vì tội phát tán truyền đơn bất hợp pháp. Chính quyền Pháp không dám đưa Nguyễn Hữu Thọ ra toà vì sợ phản ứng của quần chúng. Qua những hoạt động của ông nên được đông đảo tầng lớp nhân dân tin tưởng và quý mến. Để cách ly ông với phong trào cách mạng đang sục sôi của thành phố, Pháp quyết định đày ông lên bản Giẳng (thuộc xã Mường Tè, huyện Mường Tè). Đây là nơi tận cùng phía Tây Bắc của đất nước. Cuộc sống còn hoang sơ, khó khăn nhằm mục đích đày đọa và giết chết dần một người cách mạng ý chí kiên trung, có ảnh hưởng lớn trong phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân Việt Nam. Thực dân Pháp cũng không ngờ được rằng, tại bản Giẳng, ông Nguyễn Hữu Thọ lại được bà con nhân dân đùm bọc, yêu mến, xem như người con của bản.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sống ở nhà trưởng bản, lại được cô cháu gái 15 tuổi Lò Thị On tận tình chăm sóc. Cô gái Lò Thị On ngây thơ hồn nhiên nhưng cuộc đời không kém phần éo le, cay đắng, bố chết sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng, phải ở đợ với cậu ruột là trưởng bản Lý Văn Màn. Bà phải quần quật sáng ngày dọn dẹp, giặt, cơm nước cho cả gia đình, không thứ việc gì mà không đến tay. Nhưng được ở nhờ, không bị bỏ rơi là tốt lắm rồi. Bạn bè cùng trang lứa thấy thương On nên thường xuyên đến để giúp bà.
Bà On tâm sự: ngày 3 bữa bà dậy sớm nấu nước, chuẩn bị khăn tay cho ông Thọ rửa mặt, dọn cơm để ông ăn, phục vụ ông chu đáo. Buổi tối ăn cơm xong, ông Thọ bảo bà gọi các bạn cùng lứa với bà đến nhà để nói chuyện. Mỗi buổi tối như vậy, Nguyễn Hữu Thọ lại giảng giải cho mọi người về tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng, không chịu khuất phục làm nô lệ cho thực dân Pháp. Ngày đi nương, tối về bà con, thanh niên trong bản lại tụ tập tại nhà trưởng bản để nghe Nguyễn Hữu Thọ nói chuyện. Bà con dân bản chăm chú lắng nghe ông nói: “Đừng bao giờ khuất phục trước số phận, bà con dân bản hãy tin vào cuộc đấu tranh anh dũng của cả dân tộc. Hãy tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cuộc đấu tranh nhất định sẽ giành thắng lợi’’. Lúc mọi người về hết, ông Thọ lại ngồi đọc báo, đọc sách, bà lẳng lặng đi trải chiếu, đệm và bỏ màn để thầy ngủ. Từng đêm, trời về khuya lạnh giá, bà dậy xem ông đã ngủ chưa, nhẹ nhàng vén mép màn, kéo mảnh chăn ấp đắp cho ông.
Hàng ngày, khi công việc xong xuôi, ông Thọ lại gọi bà vào để dạy học cái chữ. Từ khi có ông Thọ trong nhà, cô gái Lò Thị On vui vẻ, hoạt bát và biết được nhiều điều bổ ích qua lời kể của thầy. Thời gian trôi nhanh, ăn tết xong, vào tháng 2/1951, người ta lại về chuyển ông Thọ đi. Giờ đây, đã gần 60 năm trôi qua, người đàn bà miền núi vẫn nghẹn ngào nhớ lại cái ngày tiễn đưa thầy. Cả bản lũ lượt kéo nhau đi bộ gần 5km ra bến sông Đà đưa tiễn. Trước khi rời xa, ông Thọ hứa sẽ quay trở lại thăm dân bản. Bà chỉ biết cúi mặt không dám nhìn, con thuyền đưa ông đi khuất dần sau dãy núi…
Bà biết từ đây, hình ảnh người thầy cách mạng đã dạy những bài học đầu đời cho mình tin vào cuộc sống sẽ mãi mãi hiện hữu trong trái tim. Hai năm sau, Lò Thị On về nhà chồng và lo lắng vun đắp gia đình.
Sau 43 năm xa cách, vào năm 1993, người cách mạng Nguyễn Hữu Thọ lúc đó 83 tuổi và đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, nguyên là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam, quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch MTTQ Việt Nam vẫn giữ lời hứa lại trở về bản Giẳng thăm bà con. Chỉ trong giây lát, một lần nữa ông lại ôm bà On, một hơi ấm của lòng kính trọng và những giọt nước mắt rất đỗi yêu thương của người già lại lăn dài trên đôi má. Ông tặng bà chiếc khăn tay và 2m vải. Bà không dùng mà cất giữ cẩn thận như một vật quý giá. Khi cho chúng tôi xem ảnh, người đàn bà gần 80 tuổi sống nơi góc rừng Tây Bắc ngậm ngùi: “Các cháu không được lấy ảnh của bà đâu! Cán bộ bảo tàng Điện Biên về thăm và xin 2m vải, chiếc khăn tay đi rồi. Tiếc lắm! nhưng đành tặng lại cho Nhà nước thôi. Ông Thọ mất rồi. Bây giờ bà chỉ còn một kỷ vật duy nhất về ông là tấm ảnh chụp chung khi ông Thọ về thăm, nên bà phải giữ bên mình, lúc nào nhớ thì đem ra nhìn vậy.
Gia đình Nguyễn Hữu Thọ như nặng lòng với người dân bản Giẳng. Hai người con Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Mục Châu cũng lần lượt về thăm bà On và nhân dân bản Giẳng. Các ông như muốn tìm lại kí ức của người cha và tìm lại tình cảm ấm áp của bà con đã dành cho cha mình. Tại ngôi nhà của trưởng bản Lý Văn Màn ngày nào tấm bia lưu niệm được dựng lên, chứa đựng lòng thành kính, yêu thương dành cho người cách mạng Nguyễn Hữu Thọ như mới hôm qua.

Hoàng Vân

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...