Thứ tư, 01/05/2024, 04:42 [GMT+7]

Đổi mới tư duy trong xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 08/07/2015 - 16:40'
(BLC) - Năm 2015, tỉnh ta phấn đấu 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Với xuất phát điểm của nền kinh tế - xã hội của tỉnh miền núi khó khăn như Lai Châu thì đây thực sự là một cuộc cách mạng của toàn Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc và cả hệ thống chính trị.

 

Thực hiện chương trình xây dựng NTM cần phải có một tư duy mới, cách nhìn mới, cách tiếp cận mới trong nhận thức, trong quán triệt và triển khai thực hiện. Tư duy mới trước tiên phải là người dân, vì người dân là chủ thể của chương trình, sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm chính là tư duy mới của người dân trong việc chủ động thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại và tìm tòi học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi để cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu; phải biết tự chỉnh trang nhà cửa theo hướng đô thị hóa nông thôn hiện đại; biết bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Không chỉ cần sáng tạo trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi cách làm ăn theo nhu cầu thị trường, người nông dân còn phải đổi mới tư duy trong công việc chung của thôn, bản, cộng đồng dân cư. Trước đây, nhiều nông dân chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, của dòng họ mình vì vậy đã có nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng như: tranh chấp đất đai, ruộng, vườn hoặc vật nuôi mà bỏ qua tình làng nghĩa xóm...

Nhân dân xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) bỏ ngày công lao động làm đường giao thông nội đồng.

Tuy nhiên, từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM và hưởng ứng phong trào “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng NTM” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã làm thay đổi cơ bản cách nghĩ, cách làm của người dân. Nhân dân đã tích cực đồng thuận tham gia chương trình; nhiều cá nhân, tập thể góp công lao động, hiến đất, tiền, trí tuệ để xây dựng NTM.

Trong 4 năm qua, Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp trên 200.547m2 đất; 346.471 công lao động; trên 18.812m3 cát, đá, sỏi; các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn đóng góp hàng ngàn ngày công giúp dân làm đường giao thông nông thôn, tu sửa trường học, làm nhà văn hóa, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo an ninh quốc phòng. Các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ trực tiếp cho chương trình trên 3.418 triệu đồng.

Để có một tư duy mới như thế trong xây dựng NTM thì công tác lãnh, chỉ đạo, công tác tuyên truyền, vận động cũng cần có sự đổi mới. Về cơ bản, các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã có nhiều cố gắng tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú trên Báo Lai Châu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, tuyên truyền miệng, in ấn cấp phát tờ rơi, băng zôn, khẩu hiệu...

Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa hiểu đầy đủ về nội dung, nhiệm vụ của chương trình, về tính chủ thể của người dân trong xây dựng NTM... Do đó, thay đổi trước hết là phải từ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các đoàn thể cơ sở, cần phải toàn tâm, toàn ý và có nhiệt huyết cao trong cuộc cách mạng lớn này để có thể lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả và bền vững.

Qua hơn 4 năm triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh cho thấy: Tư duy mới trong triển khai thực hiện chương trình còn hạn chế; nhận thức của cộng đồng, xã hội về chương trình chưa đầy đủ; nhiều địa phương còn coi xây dựng NTM là một Dự án đầu tư của Nhà nước chứ không phải là cuộc cách mạng của tất cả người dân và của hệ thống chính trị phải tham gia. Trong thực tế qua kiểm tra một số nơi cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa vào cuộc quyết liệt, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, Ban quản lý... Một số cán bộ, đảng viên chưa hiểu rõ về nội dung, nhiệm vụ của chương trình, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, một số hộ nông dân chưa chủ động thoát nghèo...

 Vì vậy, để Lai Châu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thì phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới. Tư duy mới đó phải bắt đầu từ cấp ủy, chính quyền các cấp đến cộng đồng xã hội và người dân trên địa bàn.

Hơn 4 năm thực hiện xây dựng NTM, bình quân đến hết năm 2014, tỉnh đạt 9,92 tiêu chí/xã (tăng 7,04 tiêu chí so với năm 2011). Cụ thể: có 2 xã đạt 19 tiêu chí, tăng 2 xã so với năm 2011; 10 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, tăng 10 xã so với năm 2011; có 34 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, tăng 33 xã so với năm 2011; có 50 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, giảm 33 xã so với năm 2011; không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

Bùi Văn Mác - Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...