Thứ bảy, 27/04/2024, 11:17 [GMT+7]

Cây giảm nghèo của người dân Phong Thổ

Thứ sáu, 06/08/2021 - 10:32'
(BLC) - Mạnh dạn đưa cây chuối vào trồng trên đất nương, đồi, huyện biên giới Phong Thổ trở thành “vựa chuối” của tỉnh Lai Châu. Nhiều hộ dân ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới của huyện không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu từ trồng chuối.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Vũ Hữu Lưỡng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trước đây, người dân trong huyện chủ yếu canh tác cây lúa, ngô, sắn… Cũng như các địa phương khác, cây chuối được người dân trong huyện trồng từ rất lâu. Tuy nhiên diện tích không lớn như bây giờ, người dân chủ yếu trồng tự phát, manh mún. Nhờ chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong ngành Nông nghiệp của huyện, từ năm 2011 đến nay, cây chuối đã được người dân đưa vào trồng đại trà ở trên nương, đồi. Cây chuối có giá trị kinh tế cao, lại dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện.

Về huyện biên giới Phong Thổ thời điểm này, tới các xã: Nậm Xe, Bản Lang, Ma Ly Pho... nhìn đâu cũng thấy chuối. Cây chuối có mặt ở khắp nơi, từ trên đồi cao hay bên bờ suối, ven đường đâu đâu cũng bắt gặp màu xanh bạt ngàn của hàng nghìn, hàng vạn cây chuối. Cây chuối đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây, không ít hộ dân ở các xã biên giới của huyện Phong Thổ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng chuối.

Là một trong những hộ thoát nghèo nhờ trồng chuối ở bản Pô Tô (xã Huổi Luông), chị Tẩn Sa Mẩy phấn khởi chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong xã. Quanh quẩn với cây ngô, cây sắn trồng trên nương và ít diện tích trồng lúa nước nên thu nhập mỗi năm của gia đình chẳng đáng là bao. Kinh tế của gia đình gặp nhiều khó khăn, cách đây chừng 5-6 năm, thấy nhiều hộ dân trong bản, xã chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn sang trồng chuối cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, gia đình tôi cũng mạnh dạn làm theo.

Đến nay, gia đình tôi có hơn 1ha chuối, mỗi năm thu được khoảng gần 15 tấn chuối quả. Chuối của gia đình chủ yếu được các thương lái đến tận đồi thu mua. Giá bán dao động từ 5–12.000 đồng/kg, tủy từng loại và thời điểm. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi cũng lãi trên 50 triệu đồng từ bán chuối quả. Nhờ trồng chuối mà gia đình đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

11

Người dân xã Huổi Luông thu hoạch chuối bán cho thương lái.

Bên ven Quốc lộ 12, đoạn chạy qua địa bàn xã Huổi Luông, một người phụ nữ dân tộc Dao đang khệ nệ bê buồng chuối, quả đều tăm tắp, đặt lên sạp gỗ kê trên yên xe máy. Hỏi ra mới biết, chị là Lý Thị Hiền, ở bản Tả Phìn (xã Ma Ly Pho). Chị Hiền đi buôn chuối được mấy năm nay, chị cho biết: “Ngày nào tôi cũng dậy từ rất sớm, để đi mua chuối về bán cho các doanh nghiệp xuất sang Trung Quốc. Không quản xa, gần, cứ xã nào trong huyện có người trồng chuối thì tôi đến mua, rồi chở về bán cho doanh nghiệp ở khu chợ cửa khẩu. Mỗi ngày, tôi chạy được từ 3 – 4 chuyến xe máy, mỗi chuyến chở được gần 2 tạ chuối quả. Đi buôn chuối thế này, mỗi ngày tôi cũng kiếm được từ 200 – 500.000 đồng. Khi chưa có dịch Covid-19, có ngày tôi lãi hơn 1 triệu đồng từ buôn chuối quả”.

Cũng giống như chị Hiền, từ khi xảy ra dịch Covid-19, nhiều người dân ở các xã biên giới của huyện Phong Thổ đã đi buôn chuối bán cho doanh nghiêp kiếm lời. Bình quân mỗi ngày họ cũng thu lãi vài trăm nghìn đồng từ việc mua, bán chuối.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn huyện Phong Thổ đã hình thành vùng trồng chuối tập trung, diện tích chuối của toàn huyện đến nay đạt gần 4.000ha, trong đó 3.500ha đang cho thu hoạch, sản lượng trung bình khoảng trên 50 nghìn tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu xuất sang Trung Quốc thông qua các doanh nghiệp địa phương.

Hiện nay, huyện Phong Thổ trở thành địa phương đi đầu của tỉnh Lai Châu trong sản xuất hàng hóa theo hướng xuất khẩu, với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là chuối, ngô, sắn... Cây chuối đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, mỗi năm thu lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng/hộ, thu nhập từ cây chuối cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác. Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất dốc, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây chuối vào sản xuất, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng. Tin rằng cây chuối sẽ tiếp tục trở thành cây xoá đói, giảm nghèo, góp sức cho công cuộc xây dựng  nông thôn mới của địa phương.

Tuấn Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...