Thứ bảy, 27/04/2024, 13:41 [GMT+7]

Chú trọng công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 31/12/2015 - 17:28'
(BLC) – Những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm công tác vận động quần chúng, nhất là trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào lộ trình thực hiện xây dựng nông thôn mới địa phương.

Bản Huổi Bảo (Xã Mường So, huyện Phong Thổ) nhiều năm trước, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất chưa được đầu tư nhiều. Một số phong tục tập quán ở vùng cao còn tồn tại đã gây nhiều khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của bà con. Nhưng hiện nay được đánh giá là một trong những bản đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhân dân chủ động phát triển sản xuất, tích cực tham gia các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, chăn nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 62% năm 2012 đến năm 2015 còn 8,6%. Bên cạnh đó, Nhân dân tình nguyện hiến 1.800 m2 đất, góp 2.430 ngày công, huy động 120 triệu đồng làm đường nội bản, nội đồng và làm nhà văn hóa bản. Bà con tích cực thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự. Để có được kết quả đó cán bộ, đảng viên gương mẫu, sát dân, gần dân, thấu hiểu, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của bà con. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền vận động để bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhất là những phong tục tập quán trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất thì cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước để bà con học tập làm theo.

Người dân thôn Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ tích cực đưa giống lúa mới vào sản xuất, tăng thu nhập.

Đây chỉ là 1 trong hàng trăm địa phương trong toàn tỉnh thành công trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhờ công tác dân vận. Tìm hiểu chúng tôi được biết, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 12/10/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu đến năm 2020;  Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 10/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch về công tác dân vận thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 – 2020, Kế hoạch chỉ đạo điểm về công tác dân vận thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Bình Lư, huyện Tam Đường năm 2011–2012; Kế hoạch về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn Ban Dân vận, cấp ủy các cấp phối hợp tham gia công tác dân vận trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương; khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự cường của người dân, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại.  Gắn phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với thực hiện phong trào thi đua “ Nhân dân các dân tộc Lai Châu chung sức xây dựng xây dựng nông thôn mới” để công tác dân vận phát huy hiệu quả thiết thực.

Theo đó, hệ thống dân vận các cấp đã phối hợp tổ chức cho Nhân dân tham gia ý kiến tích cực vào việc xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ chế huy động sự đóng góp, tham gia của nhân dân; những việc nhân dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, phân công Mặt trận, các đoàn thể phụ trách từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; tổ chức phát động hội viên, đoàn viên hăng hái, gương mẫu đi đầu trong quá trình thực hiện, tạo niềm tin trong nhân dân.

Qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh đã xây dựng được 3.226 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó nổi bật là các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua các mô hình, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc đã và đang nhận thức rõ hơn, sâu hơn về nội dung, nhiệm vụ của chương trình, tính chủ thể của người dân đã được nâng lên rõ rệt, từ khi bắt đầu triển khai Chương trình, nhiều người còn mơ hồ về Chương trình xây dựng nông thôn mới, còn so sánh với các chương trình mục tiêu quốc gia khác thì nay đã chủ động trong phát triển kinh tế, đưa giống mới vào sản xuất, ứng dụng kho học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, nâng thu nhập để thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, tích cực chỉnh trang nhà cưả, ruộng vườn; cùng bà con thôn bản, khu phố vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp; đời sống, vật chất và tinh thần của bà con các dân tộc ngày càng được cải thiện.

Đặc biệt là, từ tuyên truyền vận động, các tập thể, cá nhân đã đóng góp bằng tiền mặt trị giá 33.918 tỷ đồng; nhân dân hiến trên 100.000m2 đất và hàng vạn ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay đã có 15/96 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 605.000 đồng/người/năm lên đến 9,92 triệu đồng/ người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46,8% (năm 2011) xuống còn 20,48%.

Theo đánh giá của ông Phan Bá Quyết – Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy thì vai trò Mặt trận và các đoàn thể ở một số nơi chưa được thể hiện rõ; chưa phát huy tốt vai trò tổ dân vận để tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện những công việc cụ thể của địa phương trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc phát huy dân chủ, thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương có lúc, có nơi chưa  được thực hiện tốt. Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn lúng túng trong việc vận dụng các quy định của quy chế dân chủ ở cơ sở và quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị để phát huy vai trò nhân dân xây dựng nông thôn mới. Do vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới , các cấp ủy đảng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận. Đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực tuyên truyền sâu rộng mục đích, vai trò, ý nghĩa của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới…

Thanh Hằng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...