Thứ tư, 01/05/2024, 17:25 [GMT+7]

Dấu ấn “xanh” trong xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, 21/07/2015 - 17:13'
(BLC) - Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh ta đã và đang đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần củng cố thế trận quốc phòng, an ninh vững mạnh.

 

Đại tá Đào Quang Mạnh - Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho chúng tôi biết, ngay sau khi có kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP về "Quân đội chung sức xây dựng NTM", Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức quán triệt tới toàn thể lực lượng về mục đích, ý nghĩa của chương trình cũng như vai trò, trách nhiệm của BĐBP. Đồng thời, chỉ đạo mỗi đồn biên phòng chọn một bản trên địa bàn đứng chân để làm điểm xây dựng NTM, từ đó rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng. 19 tiêu chí xây dựng NTM cũng được BĐBP tỉnh cụ thể hóa, tập trung vào các nội dung, tiêu chí phù hợp với địa bàn biên giới như: Đổi mới và tổ chức sản xuất có hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới"; vận động học sinh trong độ tuổi ra lớp, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; đẩy mạnh chương trình quân - dân y kết hợp và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh...

Người dân xã Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ) tham gia làm đường giao thông nội bản cùng cán bộ, chiến sỹ biên phòng.

Để giúp người dân khu vực biên giới phát triển kinh tế làm tiền đề để thực hiện các tiêu chí khác, những năm qua, BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, xây dựng nhiều mô hình kinh tế, kiên trì "cầm tay, chỉ việc", làm mẫu để người dân làm theo. Nhiều mô hình BĐBP giúp dân phát triển kinh tế hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi bò, dê được đồn biên phòng Pa Ủ triển khai ở bản Hà Xi - Hà Nê. Trong đó, BĐBP cùng bà con vừa chăn bò, trồng cỏ, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh, khi vật nuôi sinh sản, các gia đình tham gia được chia con bé để nuôi và chăm sóc riêng làm vốn. Mô hình trồng lúa nước 2 vụ và đào ao thả cá của Đồn biên phòng Hua Bum đã từng bước giúp bà con bỏ tập quán canh tác 1 vụ, đưa giống mới vào sản xuất, cho năng suất cao gấp đôi; tận dụng nguồn nước đào ao thả cá, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô... Thấy hiệu quả, bà con trong xã tự nguyện làm theo, hiện nay cả xã đã có 20 ao cá lớn nhỏ...

Từ thành công trồng thí điểm cây chuối, mô hình trồng chuối thương phẩm xuất khẩu của Đồn Biên phòng Huổi Luông được mở rộng, tạo việc làm cho 800 lao động. Đến nay, xã có hàng trăm ha chuối, số hộ gia đình khá giả, có mức thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha từ cây chuối ngày càng nhiều. Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình như nuôi 25 con trâu sinh sản cho Nhân dân xã Sin Suối Hồ, 90 con lợn nái cho Nhân dân xã Huổi Luông… đã thực sự làm chuyển biến nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực tăng gia, chăn nuôi có ý thức tự vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống.

Mô hình hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó xuất phát từ chương trình “Hũ gạo tình thương, con lợn thiết kiệm” được phát triển thành mô hình “Hũ gạo tình thương” và “Nâng bước chân em đến trường” được nhân rộng ra toàn tuyến biên giới của tỉnh. Hàng tháng đã trợ cấp học bổng cho 53 học sinh vượt khó tiếp tục đến trường. Mô hình này không chỉ giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học được tới trường mà còn thực sự góp phần gắn kết nghĩa tình quân dân nơi biên giới.

Cùng với đó, 5 năm qua, 18 cán bộ sỹ quan biên phòng tăng cường giữ các chức danh bí thư, phó bí thư Đảng ủy các xã biên giới. Các cán bộ tăng cường đã phát huy được tinh thần trách nhiệm, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, XĐGN, củng cố quốc phòng – an ninh trên địa bàn. Tạo chuyển biến tích cực trong triển khai các chương trình, dự án phát triển KT - XH, xóa đói giảm nghèo, “Xây dựng NTM, đẩy mạnh phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ vữn”, an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới”. Phối hợp với UB mặt trận Tổ quốc các cấp vận động Nhân dân, giáo viên, đoàn viên thanh niên đóng góp hàng nghìn ngày công để xây dựng gần 180 nhà Đại đoàn kết, 41 công trình dân sinh với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng theo chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới" .

Đặc biệt, BĐBP tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ giai đoạn 2009 - 2015". Theo đó, từ năm 2009 đến nay đã có 69 chương trình, dự án đầu tư vào khu vực biên giới, với số vốn 287,662 tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo bản, làng đã có sự thay đổi vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc La Hủ từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập bình quân từ 50 đến 70 triệu đồng/năm, đời sống của Nhân dân các xã biên giới đang từng bước được cải thiện.

Cán bộ Đồn biên phòng Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) tuyên truyền pháp luật tới bà con.

Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, nhất là người dân từng bước hiểu về phương châm nhà nước và Nhân dân cùng làm, trong đó Nhân dân là người được hưởng lợi, từ đó tích cực cùng với nhà nước xây dựng NTM. Hàng nghìn m2 đất ruộng, ao, vườn và hàng chục nghìn ngày công lao động đã được người dân các xã biên giới đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Điển hình như các xã Ka Lăng, Thu Lũm, Huổi Luông… Đến nay, cơ bản các xã biên giới đã đạt được từ 5 tiêu chí NTM trở lên.

Tin tưởng rằng, với sự đồng hành của những người lính quân hàm xanh trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên, 23 xã biên giới tỉnh ta sẽ từng bước hoàn thành thắng lợi chương trình mục tiêu xây dựng NTM.

 

 

Nguyễn Duân

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...