Chủ nhật, 05/05/2024, 18:27 [GMT+7]

Môi trường sạch - bản làng xanh

Thứ tư, 28/12/2016 - 14:46'
(BLC) - Môi trường là tiêu chí khó thực hiện “một sớm, một chiều” trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Tuy nhiên, đối với nhiều xã của huyện Tân Uyên, tiêu chí môi trường và những câu chuyện xây dựng bản làng trong xanh - sạch – đẹp lại được Nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, hiệu quả.

Một mùa xuân ấm áp lại về trên những bản làng vùng cao Tân Uyên. Sắc đào, mơ, mận đã nở rộ quanh hiên, trước sân, ngoài vườn và thấp thoáng bên các sườn non. Ở nhiều điểm xã, nơi chúng tôi từng ghé qua như Nậm Cần, Phúc Khoa hay Pắc Ta, các bản bừng sáng như bức tranh sơn dầu với nhiều đường nét mùa xuân điểm tô. Trong bức tranh ấy, ngoài cảnh sắc thiên nhiên núi rừng, trời mây gợn sóng, điểm nhấn chính là ấm no từ những ngôi nhà và cuộc sống của con người nơi đây. Ấn tượng nhất khi đặt chân đến xã NTM Nậm Cần, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những con đường bêtông hóa sạch từ đầu đến cuối bản và đủ các loại hoa được trồng dọc con mương nhỏ. Những ấn tượng về con đường đất trời nắng bụi vàng, trời mưa lầy lội, nước tụ đọng trong nhiều ổ gà, ổ voi; trâu, bò, lợn, gà thả rông, phóng uế bừa bãi; cây cối mọc um tùm… giờ đây chỉ còn lại trong ký ức của những ai từng ghé thăm xã cách đây vài năm trước.    

Bà con bản Phiêng Áng vệ sinh môi trường. 

Đến thăm bản tái định cư Phiêng Áng đúng vào ngày bà con dọn vệ sinh làng bản. Không cần loa đài kêu gọi, bà con tự giác tập trung đông đủ tại nhà văn hóa. Người cầm chổi, người mang cuốc, người lại mang liềm, dao phát… đứng thành hàng, lối để chờ phân công nhiệm vụ của tuần lao động tập thể này. Sau khi được Phó trưởng bản Lò Văn Toàn chia nhóm, người dân vui vẻ đến từng địa điểm lao động. Chỉ sau 1 giờ làm việc tập trung, hăng hái, đường làng, ngõ xóm trở nên sáng sủa, gọn sạch hơn. Những hố rác công cộng được thu gom thành đống và đổ gọn ở địa điểm cách xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh.  

Điều ghi lại trong chúng tôi không chỉ tinh thần lao động của các thanh niên khỏe khoắn, xông pha mà còn ở sự noi gương người lớn, học hỏi của những cháu nhỏ trong bản. Trong số ấy, có em mới học lớp 3, 4, bàn tay nhỏ bé của các em cầm chổi quét đường, ngõ khá thành thạo, nhanh nhẹn. Chị Lò Thị Vinh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Phiêng Áng chia sẻ: “Mỗi lần lao động tập thể, các cháu nhỏ thích lắm. Các cháu quét sân nhà, đường làng, nhổ cỏ, đi đổ rác hăng say như đang học bài vậy. Ngoài ra, trong buổi vệ sinh làng bản này, các cụ, già làng uy tín trong bản cũng đến động viên, phát động phong trào lao động làm đẹp cho bản, tạo thêm động lực, tinh thần tự giác, ý thức của bà con”.

Rời Nậm Cần, hành trình của chúng tôi là vùng "đất vàng" Pắc Ta. Trời bắt đầu nhá nhem tối, ánh đèn điện bật sáng, người dân cũng đang chuẩn bị cho bữa cơm ấm cúng. Qủa thực lần này đến Pắc Ta, chúng tôi vui trước những đổi thay của mảnh đất này. Hình ảnh đầu tiên trong chuỗi hành trình đổi mới của xã là những chiếc xe đựng rác đang được các chị lao công di chuyển đến các điểm tập kết rác để thu dọn. So với việc đi đến từng nhà thu gom rác như ở các khu đô thị, thành phố thì tại các điểm xã, công việc này được rút ngắn một bước vì bà con đến tận khu vực có thùng rác lớn đổ tập trung. Một phần vì kinh phí còn hạn hẹp, phần nữa do lực lượng nhân công lao động ít nên công tác thu gom, quét dọn cũng như bố trí thùng rác cho các bản cũng phải phù hợp với điều kiện. Nhưng điều này cũng đang tạo nên sự đột phá trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh cộng đồng và của từng gia đình.

Trong lúc tá túc trong ngôi nhà của Chủ tịch UBND xã Lường Văn Tem, chúng tôi được nghe anh kể nhiều hơn về việc thực hiện tiêu chí môi trường  của bà con. Thành công đầu tiên phải nói đến là những công trình nước sạch và hàng nghìn người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trước kia, nước sinh hoạt là nỗi lo của nhiều người dân trong xã. Những bản gần trung tâm còn tạm được chứ ở vùng xa xôi, có nước ăn đã may lắm rồi chứ không nói đến giặt giũ, tắm rửa thường xuyên. Muốn có nước dùng bà con phải ra tận mó nước hoặc con suối lớn, việc chăn nuôi, trồng trọt rất khó. Nhưng từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được triển khai, nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng được kéo đến từng bản. Nhà nào có điều kiện còn đưa nước về tận nhà phục vụ thoải mái cho gia đình. Ai ai cũng phấn khởi...

Không chỉ thế, xã Pắc Ta còn được huyện đánh giá là nơi có hội tụ đầy đủ các tiêu chí môi trường đảm bảo nhất. Đó là đường ngõ, bản cảnh quan xanh - sạch - đẹp, không có cơ sở sản xuất kinh doanh (chăn nuôi, chế biến thực phẩm, sản xuất nghề tiểu thủ công nghiệp, buôn bán phế liệu) xả chất thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường; nghĩa trang các bản được quy hoạch hợp lý, phù hợp với tập quán của địa phương. Chia sẻ thêm về điều này, anh Tem cung cấp cho chúng tôi nhiều số liệu nổi bật: “Hiện nay trên địa bàn xã có 1.233/1.307 hộ (đạt 96%) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tổng số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt gần 70%; trên 1.100 hộ có chuồng trại nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường (đạt 93,5%); cả xã huy động làm được 991 hố rác…”.

Những đổi thay từ tiêu chí số 17 về môi trường ở Tân Uyên mà trọng điểm là 3 xã Nậm Cần, Phúc Khoa và Pắc Ta đang từng bước làm mới bộ mặt nông thôn của huyện. Đây sẽ là tiền đề để các xã còn lại học hỏi, vươn theo và bắt nhịp đưa NTM tiến gần về đích đúng kế hoạch.  

Trong năm 2016, có 1.537 hộ tự đào hố rác gia đình; các bản tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường bản được 607 buổi. Tổng số 93 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, huyện đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa 4 công trình với tổng số vốn 620 triệu đồng; 90%số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt; 3/9 xã đạt tiêu chí môi trường.

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...