Chủ nhật, 28/04/2024, 10:26 [GMT+7]

Nông thôn mới ở Tân Uyên: Nhiều kết quả tích cực

Thứ hai, 02/11/2015 - 08:55'
(BLC) – Vào cuộc đồng bộ, quyết tâm chính trị cao, chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở huyện Tân Uyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn huyện nghèo.

Đồng chí Bùi Huy Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng nên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Cụ thể hóa Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 12/10/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh; Căn cứ Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND tỉnh về việc thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu đến năm 2020 bằng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai thực hiện đồng bộ. Phân bổ kịp thời các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho nhân dân đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn kết hợp với đơn vị tư vấn triển khai lập quy hoạch chung, xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới trên cơ sở các thế mạnh của vùng, bám sát các tiêu chí, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 với phương châm xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ những việc cụ thể, việc dễ làm trước.

Người dân Khu 5, thị trấn Tân Uyên chăm sóc gia súc.

Từ điều kiện thực tiễn, huyện đã chọn phát triển giao thông nông thôn thực hiện trước. Nhờ đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân nên bà con các địa phương tự nguyện góp tiền, ngày công, hiến đất để làm đường giao thông. Từ năm 2011-2015 đã thực hiện được 174,11km đường nhựa, bê tông hóa, trong đó nhân dân đóng góp 71.999m2 đất, 50.084 ngày công, trên 2.000 triệu đồng tiền mặt. Hệ thống thủy lợi cũng được tập trung cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất. Hiện tại, trên địa bàn các xã có 86 tuyến kênh mương với tổng chiều dài 194,2 km. Huyện có 4.728 nhà đạt chuẩn, 271 nhà tạm; 95% số hộ dùng điện thường xuyên và an toàn từ các nguồn.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có sự chuyển biến tích cực. Toàn huyện có 39 trường học các cấp, hàng năm trang thiết bị dạy học và phòng học được bổ sung để đáp ứng yêu cầu dạy và học. Giai đoạn 2011-2015 đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa 60 trường, có 10 trường đạt chuẩn Quốc gia. Phổ cập giáo dục đã đạt được so với tiêu chí; tính đến năm 2015 đã đào tạo nghề cho 8.925 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo lên 36,8%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu; xây mới, sửa chữa đầu tư trang thiết bị 31 nhà văn hóa, nâng số nhà văn hóa trong toàn huyện lên 52 nhà. Y tế cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,4%. Công nghệ thông tin phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa, 100% số xã có phủ sóng đi động.

Do đặc thù của huyện miền núi, đa dân tộc, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động nhân dân quản lý, chăn thả gia súc, gia cầm, vệ sinh thôn bản, làm và sử dụng công trình vệ sinh, tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng, không phá rừng, đốt nương, thảm thực vật, khai thác tài nguyên trái phép, bảo vệ nguồn nước. Hiện toàn huyện có 93 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 87% số hộ  được sử dụng nước hợp vệ sinh. 113 bản có tổ thu gom rác thải: 80 bản có hệ thống tiêu thoát nước thải hợp vệ sinh; 3.043 hộ có nhà vệ sinh, nhà tắm, không gây ô nhiễm không khí và nguồn nước xung quanh.

Phúc Khoa là một trong những xã đầu tiên của huyện đạt tiêu chí môi trường, ông Lò Văn Phóng – Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ, thực hiện tiêu chí này, vướng mắc lớn nhất đối với xã là quy hoạch bãi đổ rác thải tập trung vì địa bàn xã rộng, dân cư phân tán, do đó người dân đã chọn giải pháp tự đào hố rác để chôn lấp rác thải hữu cơ ngay trong vườn, còn rác khó phân hủy thì các hộ tự đốt. Đến nay, xã Phúc Khoa đã đào được 300 hố đổ rác, người dân cũng thường xuyên dọn vệ sinh bản, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải để bảo vệ môi trường. Việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cũng được người dân tích cực thực hiện, hiện xã có 251 hộ đã xây nhà tiêu đạt theo chuẩn quy định.

Để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân, huyện lồng ghép các nguồn vốn, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chủ động xây dựng nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp: Phát triển vùng chè chất lượng cao, các mô hình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh, trồng lúa Khẩu ký, Séng cù... Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động hiệu quả, bước đầu đã có sự liên kết với người nông dân trong việc đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn hiện có 11 hợp tác xã (HTX), trong đó có 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 8 HTX hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng. Tạo việc làm thường xuyên cho 23.941 người dân trên địa bàn. Tổng sản lượng lương thực năm 2015 đạt 28 nghìn tấn tăng 5.039 tấn so với năm 2011; trồng mới 342,8 ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt 11.797 tấn, tăng 3.443 tấn so với năm 2010; trồng mới 2.969,2 ha rừng, nâng độ che phủ rừng đạt 32%. Tổng đàn gia súc, gia cầm 194.835 con, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 6,4%/năm; 100 ha nuôi thủy sản, sản lượng 184 tấn. Nhờ đó,  thu nhập bình quân đầu người năm 2015 9,77 triệu đồng (năm 2010 6,52 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46,9%, năm 2011, xuống còn 20,05% năm 2015.

Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn. Chất lượng cán bộ, công chức xã đã tăng lên rõ rệt. Hàng năm 9/9 Đảng bộ xã đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, 9/9 xã chính quyền đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến trở lên, các đoàn thể chính trị - xã hội đạt khá trở lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, năm 2015, huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt 15- 18 tiêu chí; 5 xã đạt 10-14 tiêu chí. Những kết quả đạt được là tiền đề, động lực để Tân Uyên vững bước trên đường đến nông thôn mới.

Thu Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...