Chủ nhật, 05/05/2024, 19:10 [GMT+7]

Nông thôn mới - mới từng ngày

Thứ hai, 30/12/2013 - 09:25'
(BLC) - Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong huyện, lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện Tân Uyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Trở lại câu chuyện những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, chúng tôi gặp Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên - Ngọ Doãn Bình, anh cho biết: “Khi 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) được đưa ra, việc cần làm đầu tiên của các cấp chính quyền, đoàn thể huyện là bàn bạc, họp công khai trước toàn thể nhân dân để bàn, triển khai thực hiện, xác định xem tiêu chí nào dễ, cần ít vốn thì làm trước, khó làm sau…”.

Trên cơ sở đó, cùng với việc tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn mới, triển khai, đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới ở 9/9 xã theo kế hoạch đề ra. Việc đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được xem là yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Với việc vận động nhân dân hiến 26,3ha đất (trị giá khoảng 19 tỷ đồng) làm đường giao thông nông thôn, toàn huyện đã thực hiện nhựa hóa, bêtông hóa được 45,3km đường giao thông nông thôn; xây dựng, sửa chữa 5 cầu treo, 100% các xã đã có đường ôtô đến trung tâm. Riêng năm 2013, UBND huyện đã chỉ đạo mỗi xã làm một tuyến đường để thực hiện tiêu chí giao thông, đến thời điểm hiện tại có 7/9 xã huy động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để mở đường, san nền với tổng chiều dài 13,5km, điển hình như: Tà Mít, Thân Thuộc, Pắc Ta…

Dân bản Chom Chăng (xã Thân Thuộc) thi công đường giao thông.

Đến xã Thân Thuộc – một trong những xã hưởng ứng nhiệt tình phong trào tự nguyện làm đường giao thông tiêu biểu trong huyện, chúng tôi mới thấy được không khí hăng say của bà con. Gặp Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Thị Thùy - người đang trực tiếp xuống điểm làm đường giao thông từ quốc lộ 32 – bản Chom Chăng, vừa quan sát tiến độ thi công chị vừa tâm sự: “Khi có chủ trương của huyện, bà con trong xã ai cũng đồng lòng, phấn khởi và nhất trí. Chẳng ai bảo ai, có nhà thì hiến đất, có nhà chặt cây để mở rộng mặt đường theo quy hoạch và không ngần ngại đóng góp tiền, ngày công san nền làm đường, cống thoát nước”. Tuyến đường chỉ dài 300m, nhưng nhìn hình ảnh người dân cầm cuốc, xẻng, đảo, trộn bêtông chúng tôi tin tiêu chí giao thông sẽ sớm đạt trong năm tới. 

Cùng đồng hành với tiến trình “gian khó” ấy, huyện còn tập trung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường công tác khuyến nông, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đó giải quyết việc làm cho người lao động. Trong nhiều mô hình sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, tiêu biểu là mô hình lúa chất lượng cao séng cù (năng suất đạt 3,5 tấn/ha), khẩu ký, mô hình gà thả vườn, lợn rừng, lợn địa phương ở các xã Phúc Khoa, Trung Đồng, Mường Khoa, Tà Mít... Đây là những mô hình triển khai đạt hiệu quả kinh tế và tiếp tục được bà con nhân rộng.

Đặc biệt, những năm qua, huyện Tân Uyên duy trì và tiếp tục vận động nhân dân các xã giữ vững truyền thống thâm canh diện tích lúa, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn; đổi mới cơ cấu giống, mùa vụ kết hợp với đẩy mạnh sản xuất vụ đông trên đất lúa và tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Năm 2012, tổng sản lượng lương thực đạt 25.511 tấn, tăng 2.550 tấn so với năm 2011. đến năm 2013 ước đạt gần 27.000 tấn. Theo đó, bình quân lương thực đầu người cũng tăng dần từ 480kg/năm (năm 2011) đến 530kg/năm (năm 2013).

Trong giai đoạn 2011 – 2013 huyện đã tập trung dạy nghề cho 1.265 lao động nông thôn, chủ yếu đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi góp phần đưa lao động nông thôn được đào tạo nghề lên 31,3%. Hàng năm giải quyết việc làm mới cho 800 – 1.000 lao động góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Cũng bởi vậy, trong vài năm qua, tỷ lệ hộ đói nghèo của huyện giảm dần qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46,7% đầu năm 2011 đến nay còn khoảng 20,7%.

Sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bước đầu Tân Uyên đã tạo được một diện mạo mới, không chỉ khang trang hơn về cơ sở hạ tầng mà đời sống của nhân dân cũng được cải thiện, trở thành một trong những huyện phát triển mạnh và bền vững.

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...